Vinh danh học sinh giỏi môn Lịch sử

23:52 | 23/04/2014

992 lượt xem
|
Ngày 23/4, Quỹ phát triển Sử học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tuyên dương 217 học sinh trung học phổ thông (THPT) đạt giải quốc gia môn Lịch sử tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là năm thứ 3 Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam tổ chức lễ vinh danh cho các học sinh đoạt giải cao môn lịch sử.

Trong số 217 học sinh được tuyên dương lần này có 6 em đoạt giải nhất, 51 giải nhì, 73 giải ba và 87 em đoạt giải khuyến khích. Giá trị giải thưởng là 3 triệu đồng với mỗi giải nhất, 2 triệu đồng đối với giải nhì, một triệu đồng với giải ba và 500.000 đồng với mỗi giải khuyến khích.

Năm nay, Vĩnh Phúc là tỉnh có số lượng học sinh đạt giải nhiều nhất (2 giải nhất, 5 giải nhì), xếp thứ hai là Nam Định (2 giải nhất, 3 giải nhì). Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Hà Nội vươn lên vị trí thứ ba và có học sinh đạt giải nhất. Đó là em Nguyễn Thị Anh, học sinh trường THPT Mỹ Đức A (17,25 điểm).

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam) cho biết: “Việc tuyên dương và trao giải cho học sinh đoạt giải cao môn lịch sử chắc chắn chưa thể làm thay đổi được thực trạng dạy và học môn lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay nhưng nó là giải pháp kích thích, cổ vũ tinh thần học sử của học sinh”.

Học sinh giỏi môn Lịch sử được vinh danh ngày 23/4.

GS cũng rất tán thành việc cần phải cải cách thi cử, trong đó có việc đổi mới ra đề thi. Trong chủ trương đó, GS cho rằng nếu chủ trương ra đề thi vẫn nặng về kiểm tra kiến thức, hiểu biết các sự kiện và một số vĩ nhân lịch sử nhất định thì rõ ràng phải thay đổi. Đồng thời, khi môn Lịch sử chưa được nhìn nhận đúng đắn, GS Phan Huy Lê cho rằng việc tổ chức những buổi tuyên dương, trao thưởng như thế này là niềm khích lệ lớn cho học sinh và những người trẻ yêu lịch sử. 

Đề cập tới vấn đề cách ra đề thi môn lịch sử hiện nay ở các kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh đại học, cao đẳng, theo GS Lê đề thi lịch sử không phải là đo kiến thức học sinh, mà phải hiểu căn bản về phân tích, tổng hợp để thẩm định được những hiểu biết thực sự, đặc biệt là cách vận dụng hiểu biết đó của học sinh theo tư duy của mình.

GS. Phan Huy Lê khẳng định, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cùng tiến hành cải cách thi môn sử nói chung và các kỳ thi quốc gia về môn sử.

Bên cạnh đó, GS cũng cho biết, từ năm 2014, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bộ GD-ĐT phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục thống nhất chủ trương có cuộc thi mang tính quốc gia với chủ đề: “Em yêu lịch sử”.

Lễ dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cũng trong buổi lễ tuyên dương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, giáo dục lịch sử đang được cả xã hội quan tâm; bên cạnh những bạn trẻ hăng say tìm hiểu lịch sử, những tấm gương hy sinh về đất nước, vững chắc tay súng bảo vệ biên cương thì vẫn còn bộ phận học sinh phổ thông học sử có phần giảm sút. Điều này cho thấy, việc dạy học lịch sử vẫn còn hạn chế, bất cập cần khắc phục. Giáo dục lịch sử trong nhà trường cần tập trung những giá trị cơ bản của văn hóa truyền thống và đạo lý dân tộc, những tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Bên cạnh hoạt động tuyên dương học sinh giỏi môn sử, Quỹ phát triển Sử học Việt Nam cũng sẽ trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và sinh viên nghèo vượt khó học tốt của các trường đại học trong cả nước.

Khánh An 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank