Giao thông Hà Nội: Còn nhiều việc phải làm

10:30 | 03/02/2013

616 lượt xem
|
(Petrotimes) - Năm 2013, Hà Nội lại bắt tay vào “cuộc chiến” với nạn ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông bằng hàng loạt các biện pháp mới.

Năm 2012 - Bức tranh tổng thể về giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, lần đầu tiên sau một thập kỷ tai nạn giao thông ở Việt Nam giảm sâu ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Tại Hà Nội, nhờ hàng loạt biện pháp đồng bộ chống ùn tắc giao thông, như: xây dựng cầu vượt nhẹ, phân luồng đường, điều chỉnh giờ học giờ làm, tăng cường lực lượng, cấm xe tải vào thành phố... được ghi nhận như những giải pháp hiệu quả xử lý ùn tắc và giảm tai nạn giao thông.

Thế nhưng, bước sang năm mới 2013, tình trạng ùn tắc giao thông ở thủ đô lại có những tín hiệu tái diễn trở lại. Trước thực trạng này, Hà Nội lại bắt tay vào “cuộc chiến” với nạn ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông bằng hàng loạt các biện pháp mới.

Điều chỉnh giao thông nhân dịp tết

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT), trong những ngày giáp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, khiến cho nhiều tuyến đường trở nên kẹt cứng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thủ đô đi lại thuận tiện trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Sở GTVT Hà Nội đã lên phương án cấm phương tiện tại một số tuyến.

Theo kế hoạch, trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ, từ ngày 28/1 đến 25/2, sẽ hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông từ các tuyến đường: Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - Đường 70 - Đường 72 - Đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Phúc La - Văn Phú - Phùng Hưng (quận Hà Đông đoạn từ Phúc La đến Cầu Bươu) - Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi (đoạn từ ngã ba Phan Trọng Tuệ đến ngã ba Pháp Vân) - Pháp Vân (nút giao Pháp Vân đi cầu Giẽ) - Cầu Thanh Trì - Nguyễn Văn Linh - Ngô Gia Tự trở vào trung tâm thành phố. Tại các tuyến đường trên, các loại xe ôtô vận tải có trọng lượng toàn bộ đến 1,25 tấn chỉ cấm hoạt động trong giờ cao điểm.

Một số tuyến đường bị xén vỉa hè, dải phân cách để mở rộng đường

Ngoài ra, các loại xe ôtô vận tải có trọng lượng toàn bộ từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công chỉ được phép lưu hành từ 21 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với xe ôtô vận tải chở khách, các loại xe hợp đồng đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, xe tham quan du lịch (là loại hình kinh doanh có điều kiện, các loại xe này phải có hợp đồng, phù hiệu do Sở GTVT cấp theo quy định) được phép hoạt động 24/24 giờ. Riêng xe phục vụ chở khách tham quan du lịch trên 45 chỗ cấm hoạt động trong giờ cao điểm.

Cấm xe taxi hoạt động từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần (trừ ngày lễ) trong giờ cao điểm sáng từ 6 giờ 20 phút đến 8 giờ 30 phút và chiều từ 16 giờ đến 19 giờ (trừ xe taxi chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, phụ nữ có thai và phục vụ sự cố được hoạt động) tại các tuyến: La Thành (đoạn từ Giảng Võ đến Ô Chợ Dừa); phố Nguyễn Lương Bằng (đoạn từ Đông Các đến Hồ Đắc Di); phố Tây Sơn (đoạn từ Hồ Đắc Di đến điểm quay đầu trước gò Đống Đa); phố Lê Duẩn (cấm theo chiều và đoạn từ Đại Cồ Việt đến Trần Nhân Tông) từ ngày 3/1 đến 7/2.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm đường phố sạch đẹp, đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, từ ngày 15/1, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu tạm ngừng cấp phép đào đường, hè. Theo đó, Hà Nội sẽ tạm dừng cấp giấy phép và thi công đào hè đường trên phạm vi toàn thành phố, trừ trường hợp giải quyết sự cố, công trình trọng điểm. Các đơn vị thi công phải tổ chức thu hồi rào chắn, hoàn trả hệ thống mặt đường, vỉa hè vệ sinh công trường đảm bảo giao thông xong trước ngày 15/1.

Mở rộng lòng đường

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội vào các giờ cao điểm luôn tái diễn cảnh ùn ứ, người dân tham gia giao thông luôn phải hứng chịu cảnh “giậm chân tại chỗ”. Điển hình về nỗi ám ảnh tắc đường phải kể đến đường Láng Hạ, Chùa Bộc, Kim Mã, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn… không chỉ riêng những khung giờ cao điểm mà những giờ thấp điểm thì phương tiện giao thông vẫn phải nhích từng bước.

Đường thì không mở rộng mà xe thì mỗi ngày một tăng. Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận, tình trạng ùn tắc còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ ùn tắc trong bối cảnh mật độ phương tiện giao thông đang ngày một tăng nhanh. Theo thống kê của Hà Nội, phương tiện cá nhân tham gia giao thông gia tăng quá nhanh và đa dạng về chủng loại. Trung bình một năm, phương tiện đăng ký mới tăng khoảng gần 182 nghìn xe (trong đó ôtô chiếm khoảng gần 20.300 xe) và mỗi km đường Hà Nội phải gánh chịu gần 6.500 ôtô và xe máy các loại.

Bên cạnh đó, Hà Nội chỉ có 20% đường trục chính, số đường còn lại có chiều dài nhỏ hơn 500m chiếm gần 70%, trong đó có khoảng trên 30% đường có bề mặt nhỏ hơn 7m, mặt cắt đường dưới 11m chiếm 80%, diện tích đường chiếm khoảng 7% diện tích đô thị và giao cắt với nhiều trục Quốc lộ 1A, 2, 3, 5, 6, 32, 68... nhưng vai trò của hệ thống đường tránh, đường vành đai, các cửa ngõ vẫn rất hạn chế. Mạng lưới giao thông đường bộ có 2.150 nút giao thông từ ngã 3 trở lên, 59 hầm chui, 24 cầu vượt, 18 cầu đi bộ đã đưa vào sử dụng, 181 nút được lắp đặt đèn tín hiệu nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng (Tramoc), hiện nay nhiều nút giao thông của thành phố đã bị quá tải về lượng phương tiện.

Để giảm tải gánh nặng cho các nút giao thông, các tuyến đường và đảm bảo việc đi lại của người dân được dễ dàng, thuận tiện, UBND TP Hà Nội đã giao cho các sở, ban, ngành tổ chức duy tu sửa chữa và lắp mới hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông quan trọng như: Mai Dịch - Đội Cấn - Liễu Giai - Văn Cao, Đội Cấn - Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng - Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh, nút cầu Cống Vị, Giang Văn Minh - Giảng Võ - Cát Linh.

Với các tuyến phố có vỉa hè rộng, lòng đường hẹp hay xảy ra ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiến hành xén hè mở rộng diện tích lòng đường cải tạo nút giao tại các tuyến: Trần Quang Diệu - Đặng Tiến Đông, Võ Văn Dũng - Trần Quang Diệu, Thái Thịnh - Sơn Tây.

Năm 2013, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng cầu vượt tại các nút giao Ðại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh và cầu vượt cho người đi bộ trên đường bắc Thăng Long - Nội Bài (đoạn qua Khu Công nghiệp Thăng Long). Ngoài các công trình trên, ngành giao thông thủ đô khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công 17 công trình hạ tầng giao thông ngay trong quý I. Ðó là các công trình: đường Trần Phú - Kim Mã, cầu Hạ Dục, cầu Gốm, cầu Ðầm Mơ, cầu Hồng Phú, đoạn còn lại của tuyến đường 23B, đường gom cầu Giẽ - Phú Yên - Vân Từ, cầu 361, cầu Quảng Tái, cầu Bầu, cầu Phú Thứ, cầu Rồng, cầu Zét, cầu Thuần Lương, cầu Yên Trình, cầu Quang Ngọc, cầu Bìm.

Đốc thúc các đơn vị hoàn thành các dự án cầu Yến Vĩ; đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng; đường vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Xuân La). Ðồng thời, chỉ đạo tập trung dứt điểm các công trình đã cơ bản hoàn thành như cầu Am, cầu Trôi; đôn đốc nhà thầu đẩy mạnh thi công cầu Ba Thá, đường 23, đường 16, đường Hapro, đường 32. Ðẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển giao thông đô thị; tập trung thi công Quốc lộ 1A, đoạn Văn Ðiển - Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), cầu Mỗ Lao, cầu Từ Châu; hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng; hoàn thiện công tác đàm phán, ký kết hợp đồng BT dự án đường vành đai 2,5 đoạn Ðầm Hồng - Quốc lộ 1A, đường chung quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, dự án nâng cao năng lực quản lý điều hành giao thông...

Ngoài ra, Hà Nội cũng tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, xác định nguyên nhân và có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể, phù hợp với thực tế; bổ sung vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu giao thông, chú trọng đặc biệt vào các tuyến đường hướng tâm, tuyến đường vành đai có lưu lượng giao thông lớn và thường xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc