Gộp chung bằng lái ô tô và xe máy: Nên hay không?

09:16 | 26/03/2014

18,673 lượt xem
|
Với quy định gộp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô và GPLX gắn máy cùng một thẻ nhựa, nhiều người cho rằng, trong trường hợp họ đi ô tô vi phạm giao thông và bị giữ bằng lái xe thì đồng nghĩa với việc họ không có bằng lái để đi xe máy.

Nhiều người đứng chờ làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe sang thẻ nhựa.

 

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư số 38/2013 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2014) sửa đổi một số điều của thông tư 46/2012 quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Trong đó, có quy định lộ trình đổi 32 triệu GPLX môtô và ôtô bằng giấy sang GPLX bằng thẻ nhựa (vật liệu PET). Hiện tại, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước người dân đã bắt đầu đi đổi GPLX từ loại bọc nylon sang dạng nhựa.

Mẫu giấy phép lái xe cơ giới bằng nhựa PET, hoa văn màu vàng rơm và có ký hiệu bảo mật. Bằng lái xe kích thước 85x53 mm, có nội dung như họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạn sử dụng, hạng lái xe... bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ảnh của người lái xe được in trực tiếp trên giấy phép, có lớp màng phủ bảo an trên bề mặt. Lệ phí cấp giấy phép lái xe cơ giới công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) là 135.000 đồng. Như vậy, một người dân muốn đổi GPLX mới phải mất thêm một khoản chi phí.

Trước dư luận đang xôn xao về việc bắt buộc đổi 32 triệu GPLX theo mẫu mới tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc này sẽ thực hiện theo lộ trình. Từ nay đến cuối 2014, tất cả những người sử dụng GPLX ô tô sẽ đều phải đổi mới. Với xe máy, sẽ theo lộ trình từ 2015-2020 để hướng dẫn người dân có thời gian chuẩn bị đổi thẻ, tránh dồn dập, quá tải. Đối với GPLX vô thời hạn, nhà nước không có quy định ép buộc người dân phải đổi hay xử phạt nếu người dân không muốn đổi. Trường hợp người dân có nhu cầu đổi GPLX trước thời hạn theo quy định có thể liên hệ các sở giao thông vận tải tỉnh và TP để được giải quyết.

Thừa nhận việc chuyển đổi sẽ gây tốn kém tiền bạc và thời gian nhưng ông Quyền vẫn nhấn mạnh lợi ích lý thuyết mà bằng lái mới đem lại như thời hạn sử dụng dài hơn, độ bền hơn, tiện lợi hơn, lực lượng tuần tra, kiểm soát phát huy hiệu lực tốt hơn.

Theo quy định, mỗi người chỉ được cấp duy nhất một GPLX bằng nhựa. Do đó, khi một người có hai giấy phép lái ô tô và mô tô muốn đổi GPLX bằng nhựa phải gộp chung lại. Điều này khiến nhiều người lo ngại sẽ bất tiện.

Về việc này, ngành giao thông vận tải giải thích việc cấp GPLX hiện nay phải cập nhật vào cơ sở dữ liệu về quản lý GPLX trên toàn quốc, mỗi người chỉ được cấp một GPLX nhựa, nếu bây giờ không ghép thì khi GPLX ôtô hết hạn sử dụng cũng vẫn phải ghép vào. (GPLX ôtô có quy định hạn sử dụng là 3 năm hoặc 5 năm tùy từng hạng của giấy phép, còn GPLX môtô không có quy định hạn sử dụng.)

Nhiều tài xế lo ngại nếu họ có GPLX chung cho cả 2 loại (mô tô và ô tô), khi đi mô tô vi phạm luật giao thông mà bị giữ GPLX thì cũng như không còn GPLX ô tô. Nhiều người không làm nghề tài xế cũng cho rằng quy định này sẽ khiến họ thiệt thòi khi bị vi phạm đối với phương tiện này lại bị “cấm” luôn phương tiện khác. Sẽ có nhiều người rơi vào cảnh “quýt làm, cam chịu”.

Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng việc gộp chung GPLX sẽ giúp tài xế có ý thức hơn trong việc điều khiển phương tiện giao thông.

Ông Nguyễn Quang Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) phàn nàn: “Tôi làm nghề chính là lái xe tải ban đêm. Đợt này xưởng làm ít hàng thì tôi sẽ làm thêm công việc xe ôm. Như vậy, nếu trường hợp khi tôi chở hàng bằng ô tô vi phạm giao thông và bị tạm giữ bằng thì tôi sẽ không còn GPLX để chạy xe ôm. Như thế sẽ rất bất tiện và ảnh hưởng đến kinh tế của cả gia đình”.

Còn anh Nguyễn Văn Nam (Đông Sơn, Thanh Hóa) thắc mắc: “Nếu trong trường hợp sau khi gộp chung GPLX ô tô và xe máy sang thẻ nhựa. Chẳng may trong trường hợp tôi bị tước bằng lái xe thì đồng nghĩa với việc không được sử dụng phương tiện còn lại”.

Một số tài xế khác lại nghĩ ra phương án “chữa cháy” cho sự bất tiện này bằng cách chỉ dùng GPLX này khi lái ôtô hành nghề kiếm sống, còn khi chạy xe máy thì dùng tạm bản photo của giấy phép này để lỡ có phạm luật cũng không bị “giam” bằng chính, tránh ảnh hưởng đến việc mưu sinh.

Trao đổi với PV xung quanh vấn đề đổi GPLX, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định việc đổi GPLX theo lộ trình là cần thiết.

“Rõ ràng việc đổi GPLX theo mẫu mới có những lợi ích rất lớn cho người dân mà bất cứ ai cũng dễ nhận thấy. Thông tin trong GPLX mẫu mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và được công nhận không chỉ ở phạm vi Việt Nam. Các cơ sở dữ liệu được số hóa, nên chẳng may mất thì việc xin cấp lại cũng đơn giản hơn, tiết kiệm nhiều thời gian cho người dân. Việc gộp chung bằng ô tô với xe máy, thì ngay GPLX cũ cũng đã làm việc này đối với những trường hợp người dân có yêu cầu. Riêng tôi, GPLX cũ và đổi sang giấy mới tôi cũng gộp chung cho gọn nhẹ.”

Trước việc người dân lo ngại việc gộp chung bằng lái, sẽ bất tiện khi vi phạm luật giao thông đối với phương tiện đồng nghĩa với việc bị cấm luôn việc điều khiển phương tiện khác. Ông Thân Văn Thanh, cho rằng lo ngại đó là thiếu cơ sở.

“Nếu sợ thì đừng vi phạm luật nữa. Không chỉ là ô tô, xe máy… mà ngay cả người đi xe đạp, đi bộ cũng không được phép vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tại sao lại cứ nghĩ đến chuyện vi phạm để rồi phàn nàn việc bị xử lý? Nại ra lý do đó là không thuyết phục. Tôi nghĩ rằng, người dân không đồng thuận chủ trương này, chủ yếu là sợ bị tốn kém khoản tiền 135.000 đồng.

Tuy nhiên, tôi được biết mức giá đó đã được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Và một ngân hàng quốc tế cũng đã hỗ trợ người dân trong việc này. Chi phí thực tế phải bỏ ra cho việc mua phôi, in ấn thông tin, bảo mật, đường truyền cung cấp thông tin, tiền lương, tiền công...  sẽ cao hơn nhiều mức 135.000 đồng mà Nhà nước đã hỗ trợ. Việc này không chỉ lợi cho cơ quan quản lý mà cũng lợi cho người dân, nên cần sự hợp tác và chia sẻ từ cả hai phía” – ông Thân Văn Thanh phân tích.

Về phản ánh ghép chung hai GPLX gây khó khăn cho người sử dụng, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, hiện một số Sở GTVT đã có đề xuất không gộp chung. Bộ GTVT cũng sẽ ghi nhận tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành để có sự điều chỉnh nếu cần thiết.

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc