Hà Nội lại "hắt hủi" tại chức, liên thông, dân lập

07:00 | 22/01/2013

2,522 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Việc tuyển sinh và đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã phường, thị trấn giai đoạn 2013-2014 để thay thế đội ngũ sắp về hưu. Đó là lớp đào tạo nguồn nên chất lượng đòi hỏi phải cao hơn nên chỉ tuyển những trường hợp được đào tạo chính quy và là trường đào tạo công lập” – ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Hồng Khanh đã ký quyết định đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã phường, thị trấn giai đoạn 2013-2014 để thay thế đội ngũ sắp về hưu. Đối tượng đào tạo là sinh viên tốt nghiệp Đại học, Học viện loại khá, hệ chính quy…

Đây là một phần trong đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn giai đoạn 2012-2015 của TP Hà Nội, để thay thế những công chức về hưu.

Đối tượng được đào tạo là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện công lập, hệ chính quy loại khá trở lên, có nguyên vọng trở thành công chức nhà nước của thành phố. Chỉ tiêu đào tạo cụ thể theo năm chức danh, gồm: 98 chỉ tiêu văn phòng - thống kê; 146 chỉ tiêu tư pháp - hộ tịch; 85 chỉ tiêu địa chính - xây dựng; 137 chỉ tiêu văn hóa - xã hội; 34 chỉ tiêu tài chính - kế toán.

Các học viên phải có hộ khẩu Hà Nội, nếu không có thì phải tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại giỏi, đúng ngành đào tạo công chức nguồn; bằng tốt nghiệp tiến sĩ hoặc thạc sĩ đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học công lập hệ chính quy, phù hợp chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn. Nếu là người dân tộc ở các xã miền núi của thành phố phải tốt nghiệp đại học công lập chính quy loại trung bình khá trở lên, đúng ngành, chuyên ngành đào tạo công chức nguồn.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng.

Trước vấn đề phân biệt bằng cấp, vùng miền, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội bắt đầu đi theo con đường phân biệt công lập và dân lập như Đà Nẵng, Nam Định và một số tỉnh trong quy định đối tượng thi tuyển công chức và không công bằng. Khi xét tuyển, người xét phải công tâm, đừng áp đặt bằng này, bằng nọ. Như học chính quy mà không lo học thì cũng không ra gì, học tại chức mà lo học, tìm tòi thì có khi hay hơn.

Nên cứ người xét tuyển là quan trọng nhất. Người xét tuyển phải hiểu nhận người làm vào làm gì, chứ không nhất thiết phải bằng cấp. Từ chối tuyển dụng người tốt nghiệp đại học hệ từ xa, tại chức, liên thông vì nghi ngờ chất lượng đào tạo, chỉ tuyển dụng những người tốt nghiệp các trường đại học có danh tiếng là chạy theo bằng cấp.

Trước vấn đề này, ông Trần Huy Sáng – Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay: “Từ trước đến giờ, Hà Nội vẫn tuân thủ các quy định về cơ chế thi tuyển công chức, không có chuyện phân biệt bằng cấp. Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh về việc tuyển sinh và đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã phường, thị trấn giai đoạn 2013-2014 để thay thế đội ngũ sắp về hưu. Do là lớp đào tạo nguồn nên chất lượng đòi hỏi phải cao hơn”.

Trước những lý giải của vị Giám đốc Sở Nội vụ, nhiều ý kiến cho rằng, khi mọi người phản ứng với việc có sự phân biệt các loại hình đào tạo trong quá trình tuyển dụng thì cần phải nhìn lại một thực tế rằng, vì sao lương công chức luôn thấp hơn các doanh nghiệp tư nhân. Cần phải thấy vì sao bộ máy công chức phải phình to ra nhưng hiệu suất hoạt động thì không cải thiện.

Có rất nhiều nguyên nhân như chuyện con cha cháu ông, chuyện gửi gắm, nhờ vả, chuyện sức ì trong môi trường cạnh tranh thấp, chuyện đồng lương chủ yếu được căn cứ vào hệ số, thâm niên, cấp bậc, chức vụ… Tất cả những chuyện đó đều quá phức tạp và không dễ giải quyết trong một sớm một chiều đối với cơ quan tuyển dụng trong bộ máy Nhà nước. Và thắt chặt đầu vào như một số cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thành như vừa qua thông qua việc tuyển công chức là một cách làm cực đoan nhưng cần thiết và chẳng đặng đừng.

Lý giải về việc này, ông Sáng khẳng định: "Từ năm 2002, Hà Nội mở cửa thu hút nhân tài, các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đều được tuyển thẳng. Thế nhưng, do làm công chức lương thấp, nhiều sinh viên không mặn mà hoặc vào làm rồi sau đó lại bỏ đi nơi khác hấp dẫn hơn. Những học viên sau khi được tuyển chọn sẽ được bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng xử lý tình huống".

Trước những câu hỏi về việc, hàng năm ngay tại Sở Nội vụ Hà Nội có bao nhiêu công chức được khen thưởng, tuyên dương mà lại là người được đạo tào tại các trường dân lập, không chính quy thì vị Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: “Vấn đề này Sở chưa thống kê nên không nắm được...!?”.

Thiên Minh