Hãy tận dụng facebook

07:02 | 20/09/2014

1,164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bên cạnh tiện ích kết nối thế giới trong tầm tay thì mạng xã hội đang lôi cuốn giới trẻ vào một lối sống rất khác với rất nhiều hệ lụy. Sống trong thế giới ảo dễ trở thành “con người ảo”, thiếu kỹ năng sống, giao tiếp, mù quáng chạy theo những giá trị “ảo”. Nhiều người trẻ lạm dụng facebook đến mức đi “lạc lối” lúc nào không hay…

Năng lượng Mới số 357

Mất dần lòng tin

Hơn tất cả mọi phương tiện truyền thông đại chúng khác, ngày nay Internet đang chứng tỏ sức mạnh và tốc độ phát triển nhanh như tên lửa và sự ảnh hưởng của nó đối với con người là vô cùng mạnh. Và trong đó, mạng xã hội - một hiện tượng mới trên Internet đang tác động nghiêm trọng đến giới trẻ. Facebook đang dần trở nên “xấu xí” vì những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới nhân cách và đạo đức của người dùng. Họ - những người dùng facebook dần dần trở thành một “cộng đồng ảo”, họ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” trong các bình luận, chia sẻ về mọi vấn đề trong cuộc sống. Thế nhưng, tổ chức cấu kết của cộng đồng này rất lỏng lẻo, thậm chí một người có thể đóng 2, 3 “vai”, họ có tác động rất mạnh mẽ trong thế giới thật.

Hãy tận dụng facebook

Có thể nói, facebook hiện nay đang bị sử dụng một cách thiếu văn hóa và vô trách trách nhiệm. PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam bày tỏ: “Hệ lụy của những bình luận, những hình ảnh và cư xử “xấu xí” trên facebook là do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến sự vị kỷ và tôn sùng những giá trị ảo đã tồn tại trong xã hội quá nhiều năm qua. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người lớn không làm gương cho trẻ, thậm chí còn là động lực thúc đẩy những bạn trẻ ảo tưởng, sống ích kỷ, thực dụng và thiếu chọn lọc. Vì thế chính những người lớn, người có trách nhiệm phải làm đúng và phải giáo dục nêu gương cho giới trẻ”.

Người trẻ đến với mạng xã hội và đắm chìm trong đó xuất phát từ lối sống nhanh và thực tế xã hội không gian chia sẻ đời thực bị thu hẹp, thiếu những sân chơi, sự quan tâm chia sẻ từ phía gia đình, nhà trường. Khi gia đình buông xuôi, quản lý xã hội bị xem nhẹ thì dẫn đến việc giới trẻ thiếu nhân cách, buông mình gây ra các tệ nạn xã hội và sự xuống cấp của nhân cách. Để giải quyết được việc này, cần sự tác động mạnh mẽ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, đặc biệt là sự tự điều chỉnh, thay đổi ở bản thân giới trẻ. Các bạn trẻ cần tăng cường giao tiếp, tham gia các sinh hoạt ở các tổ chức một cách tích cực, từ đó hình thành những giá trị sống tốt đẹp và định hướng cho bản thân.

Trước vô vàn thông tin trên Internet hay các trang mạng xã hội, người tham gia phải có kỹ năng sống tốt để biết chọn lọc, đánh giá thông tin. Còn kỹ năng sống đó là cả một câu chuyện dài mà cần cả sự tác động của các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó phải tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của dư luận trong đời sống cộng đồng, để lên án những hành vi lệch chuẩn và để xây dựng một giá trị lành mạnh, tốt đẹp cho xã hội.

Không dẹp thì phải tận dụng!

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nếu cho lên bàn cân so sánh giữa những mặt tiêu cực và tích cực của facebook thì khó lòng có thể cân đong chuẩn được. Nhìn vào những sự kiện trên bề nổi và những khía cạnh “hot” thì có thể thấy tiêu cực nhiều hơn tích cực. Chính vì điều này mà các cơ quan chức năng liên quan đến văn hóa, tư tưởng, tuyên giáo khá ngán ngẩm mạng xã hội này. Họ không thoải mái với những sự chia sẻ trên mạng xã hội, kéo theo hội chứng tâm lý đám đông, đánh hôi, đánh bồi… Bởi khoảng cách giữa “ảo - thật” rất mong manh, trộn lẫn vào nhau lúc nào không biết, ảo nhưng hóa ra thật.

Vấn đề “có nên xóa bỏ facebook” đã từng được đặt ra và nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Câu hỏi này đánh trúng vào vấn đề nóng và “lật mặt” trái của facebook. Nghiện facebook cũng có nghĩa nhiều người đang nghiện những mối quan hệ ảo nhiều hơn thật. Facebook là môi trường hoàn hảo để “tô vẽ” bản thân, để khoe mẽ, để tìm danh tiếng… Matt Steel - Giám đốc sáng tạo của St. Louis, một nhà thiết kế và đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng đã đưa ra 8 lý do không nên “kết thân” với facebook. Có thể với những lý do đưa ra, trong không ít những người đang ngày đêm chìm đắm trong “check in”, “new feeds”, “comments” nhận ra có họ trong chính đó, nhưng họ vẫn khó lòng từ bỏ việc “sống” cùng mạng xã hội này.

Theo quan điểm của PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nếu không dẹp được facebook thì phải tận dụng facebook, tận dụng sức mạnh, mức độ truyền lan khủng khiếp của nó. Ví như những thông tin chính thống, nếu đưa lên báo thì chưa chắc đã lan truyền nhanh bằng đôi ba dòng chia sẻ trên facebook. Nhưng với chuyện này cũng không hoàn toàn đơn giản khi một bộ phận giới trẻ chưa đủ nhận thức, tỉnh táo để chọn lọc thông tin trước tình trạng nhiễu loạn thông tin như hiện nay. Còn việc phân chia, kiểm chứng thông tin trên facebook là một việc quá nặng nhọc. Trang mạng cũng có chức năng thông tin giống như một tờ báo vậy, bất cứ thông tin gì đưa lên đều được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Vì vậy trước khi bày tỏ bất cứ điều gì cần phải suy nghĩ để không có những phát ngôn tùy tiện. Đặc biệt là việc kiểm chứng thông tin lại càng quan trọng.

Ví dụ như trường hợp những người bị xử lý vì tung tin dịch Ebola ở Việt Nam vừa qua. Có khi đây chỉ là việc làm thể hiện trách nhiệm của bản thân họ với cộng đồng, không có chủ ý xuất phát với ý đồ bôi đen, làm rối ren thông tin và chấn động xã hội. Nhưng đó là việc làm thể hiện sự thiếu lòng tin vào xã hội, hệ thống y tế, cơ quan chức năng; họ tự cho rằng bệnh dịch đang hoành hành thì thể nào cũng sẽ lan truyền vào Việt Nam. Thêm vào đó là sự ngộ nhận rằng mình là người quan trọng, mình sẽ lập công, sẽ được nhiều người biết đến… Chính những điều đó đã khiến họ hành xử thiếu suy nghĩ, đến khi nhận ra thì họ muốn rút lại cũng không kịp và phải gánh chịu hậu quả.

Như vậy, việc tận dụng mặt tích cực của facebook là một việc làm không hề đơn giản. Sự xuất hiện của facebook dường như đã thay đổi sâu sắc hệ thống ứng xử của con người trong xã hội hiện đại. Muốn phát triển mặt tích cực thì ngay trong chính gia đình, người lớn cần nêu gương cho con trẻ; chính họ phải trang bị được kỹ năng hiện đại, nói chuyện được với giới trẻ và làm sao kiểm soát được tư duy, tư tưởng của chúng. Bữa ăn hay một cuộc gặp gỡ phải trở thành nơi nói chuyện, trao đổi chứ không phải mỗi người một thiết bị công nghệ và mỗi người một mối quan tâm khác nhau từ các thông tin trên facebook. Các bậc làm cha mẹ hãy cố gắng để mình trở thành bạn của con, hiểu và chia sẻ những mối quan tâm, thông tin hằng ngày, cùng hướng chúng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.

Như đã nói, bản thân facebook không xấu xí, facebook xấu hay tích cực tùy vào sự tinh tế hay không của người sử dụng nó!

Tâm Huyền

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc