Hội phụ huynh “tiếp tay” lạm thu

11:11 | 11/10/2012

1,639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Thay vì bảo vệ quyền lợi cho học sinh và phụ huynh, một số Hội phụ huynh học sinh (hay Ban đại diện cha mẹ học sinh) lại trở thành “cánh tay nối dài”, tạo điều kiện cho nhà trường lạm thu, tận thu các khoản vô lý.

Hội phụ huynh quyết định… bộ mặt của nhà trường

Trong tất cả các khoản lạm thu thì tiền quỹ phụ huynh trường và lớp là khoản thu mập mờ nhất. Mập mờ vì ở nhiều trường chẳng có cơ sở khoa học nào, chẳng có văn bản họp hành nào được công bố cho các mức quỹ 300.000 đồng, 500.000 đồng hay 1 triệu đồng đã được không ít các ông, bà hội trưởng đứng ra thu. Số tiền đó ai quản lí và chi tiêu thế nào, phụ huynh cũng không biết.

Nếu là học phí, bảo hiểm y tế… thì còn có một mức chung, có quy định; còn quỹ phụ huynh lớp, trường thì có quy định nào đâu, có văn bản nào đâu? Nên vô tình, số tiền phụ huynh “tự nguyện đóng góp” cho nhà trường lại trở thành nguồn thu đáng kể và quyết định một phần “bộ mặt” của nhà trường ấy.

Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A (quận Thanh Xuân) cũng có mức thu quỹ ở một lớp khối 3 lên đến trên 1 triệu đồng. Trường này còn thu tiền nước uống học sinh 180.000 đồng/năm, trong khi quy định của Sở GD-ĐT chỉ 10.000 đồng/tháng.

 

Năm học mới - mùa "lạm thu" của Hội phụ huynh



Chị Phạm Hồng Vân (Cầu Giấy) có con theo học tại trường này, chua chát: “Đi họp phụ huynh cho con về mới biết thế nào là “văn hóa làm tròn”. Các khoản cần nộp cho trường  là 1,1 triệu đồng, nhưng các bác ở Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất rằng ta làm tròn luôn thành 2 triệu nộp cho nhà trường theo quy định, còn bao nhiêu giữ lại làm quỹ lớp, thiếu thì thu thêm sau”.

Bác Nguyễn Văn Thái (Đại La) chia sẻ: “Cháu tôi vào học tại trường Lê Văn Tám. Ngoài tiền đóng rất nhiều khoản thì Trưởng Ban phụ huynh còn đề nghị mỗi gia đình đóng thêm 200.000/hs/1 tháng để "bồi dưỡng vất vả" cho cô. Lớp 50 học sinh, như vậy riêng tiền bồi dưỡng cho cô mỗi tháng 10 triệu đồng, chưa kể quà ngày lễ, tết... Cô chỉ hỏi: "Như vậy có phiền không"? Vị Trưởng ban nói ngay: "Thế là ít". Như vậy là nhiều hay ít?  Chỉ biết rằng vị Trưởng ban “nhiệt tình” thế, chẳng lẽ cuối năm con cái vị ấy không là học sinh giỏi?”.

Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về một số trường tiểu học có mức đóng góp “tự nguyện” lên tới con số hàng trăm triệu đồng/lớp, “núp bóng” mô hình giáo dục tương tác hiện đại. Không thể biết được mô hình giáo dục ấy hay cung cách đầu tư ấy có chất lượng đến đâu, vượt trội ra sao, nhưng bước đầu, mức độ xa xỉ của nó đã khiến nhiều người choáng váng.

Và tất nhiên, với những khoản thu “tự nguyện” nhiều số 0 như thế, kể cả chất lượng giáo dục chưa thể kiểm chứng ngay tức thời, thì các lớp, các trường có các phụ huynh “nhiệt tình” như thế cũng giúp cho bộ mặt nhà trường được đổi mới, hiện đại hơn, hoành tráng hơn. Thế nên cũng không ngoa khi cho rằng sự “tự nguyện” của phụ huynh quyết định một phần lớn “bộ mặt” của nhà trường!

Có thật “vì tương lai con em chúng ta”?

Cũng chẳng nên so sánh Hội phụ huynh học sinh xưa với nay làm gì nữa, bởi thế nào cũng có những người kêu rằng: Xưa rồi Diễm ơi! Song đúng là rất lạ khi chính các phụ huynh là những người bình chọn lập nên Hội này để làm điểm nối nhịp cầu giữa các phụ huynh với trường, với lớp lại chẳng mấy tin tưởng, thậm chí còn luôn tỏ ra bất bình với các “đại biểu” đại diện cho chính mình.

Có một vấn đề cũng khá nổi cộm hiện nay là một số khoản lạm thu, nhà trường lấy Hội cha mẹ học sinh trường, lớp đứng ra làm cái "mác minh bạch" để thu tiền. Khiến những phụ huynh đứng ra phải làm việc rơi vào thế bí: không làm thì con mình học ở đó sẽ ra sao, mà làm thì tiếp tay cho điều sai và cũng phải hứng chịu dị nghị từ phu huynh.

Trên thực tế, khi bầu bán vào những Hội kiểu này thì đa phần người được bầu lại bị bắt ép phải làm. Trong nhiều trường hợp, giáo viên các lớp cũng đã nhắm nhe, lựa chọn từ trước trong số các phụ huynh xem những ai có vẻ là người nhiệt tình, năng nổ, có tiềm năng hơn… Hoặc chính các bậc phụ huynh do quen biết nhau từ trước, hiểu rõ hơn ai có những thế mạnh phù hợp với công tác hội để đưa ra bầu bán.

Số phụ huynh “trúng cử” thường là những người hoặc từng có kinh nghiệm làm những công việc xã hội, lại nhiệt tình nên có tài ăn nói, có sức thuyết phục, hoặc có khả năng hơn, có thể về thời gian, hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế…

Đóng nhiều tiền có phải cách giúp con tiến bộ?

 

Với những phụ huynh có khả năng hơn về kinh tế, cách nghĩ nếu cũng “thoáng” hơn một chút thì việc quyết những khoản đóng góp dù là tiền triệu hoặc trăm ngàn chắc cũng không khó khăn lắm. Ai muốn tiết kiệm thời gian là vàng bạc của mình thì càng muốn quyết nhanh gọn hơn.

Tất nhiên, những người này sẽ vấp phải phản ứng từ phía các phụ huynh có gia cảnh eo hẹp hơn, hoặc từ cả những người không chấp nhận được kiểu “xã hội hóa giáo dục” nhằm vào ví tiền của phụ huynh. Thế nhưng, chiêu bài “tất cả vì tương lai con em chúng ta” lại lấn át tất cả và mở đường mạnh mẽ cho công cuộc lạm thu đầu năm học.

Về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Các trường thường dựa vào các Hội phụ huynh học sinh để thực hiện việc thu thêm các khoản tiền ngoài quy định chung. Khuynh hướng chung của phụ huynh là không muốn làm mất lòng nhà trường và thường cố gắng để đóng góp.

Với những gia đình khá giả thì khoản tiền này không có gì khó khăn để bỏ ra, nhưng với số đông các gia đình cán bộ, viên chức, công nhân, nông dân, người buôn thúng bán mẹt… thì quả thực là hết sức khó khăn… Chỉ cần hỏi chuyện các phụ huynh này sẽ thấy họ lo lắng biết chừng nào vào dịp mỗi đầu năm học. Sẽ rất khó khăn để phản đối nội dung của các thông báo thu tiền này với suy nghĩ đơn giản là tất cả vì con em chúng ta”.

Vương Tâm