Hồi sinh những "kiếp đào"

09:01 | 21/02/2013

1,137 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những cây đào tàn úa bị quăng quật ra góc phố, vỉa hè đã được họ gom về “cải lão hoàn đồng” trở thành những món hàng đắt giá cho mua xuân năm tới. Họ là những người đi nhặt nhạnh “chút xuân tàn” về gieo mần cho một mùa xuân năm sau.

>> Xác đào ngập phố

>> Phận đào…

>> Hoa đào chờ... người mua

 

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”… câu nói này quả không đúng với những người trồng đào bởi với họ hai tháng trước và sau Tết là hai tháng quan trọng nhất trong năm. Nếu tháng Chạp là tháng tất tả mang mùa xuân đến cho mọi nhà, thì tháng Giêng lại là tháng đi cóp nhặt “chút xuân tàn” về gieo mần cho một mùa xuân năm tới.

Anh Vũ Mạnh Tuấn đang chở những gốc đào về trồng lại.

 

Mới chỉ hai tuần trước thôi… những cây đào vẫn còn chúm chím nụ, chờ ngày đơm hoa. Người dân ra sức săn lùng, giành giật, vậy mà giờ đây, người ta thẳng tay quăng ra ngoài đường như một thứ rác rưởi. Với họ dường như việc “có người rước” đã là may lắm rồi.

Và đây là cơ hội vàng cho những người trồng đào ở Nhật Tân, Phú Thượng, La Phù… thu gom lại các gốc đào mà họ đã bán cho khách chơi xuân. Ngoài những cây đào dáng thế cổ thụ mà chủ vườn thường cho thuê và sẽ đòi lại gốc sau Tết, thì các gốc đào non mua đứt bán đoạn, khi chơi xong là người dân thường mang bỏ ra hè phố.

Những cây đào hoa tàn rũ rượi... chỉ sau phút gọt tỉa đã lại trở nên gọn gàng đáng yêu... trở thành những cây giống tốt cho mùa đào năm sau.

Năm nào cũng vậy, cứ sau khoảng mùng 10 Tết là anh Vũ Mạnh Tuấn, người ở Nhật Tân, Hà Nội lại “một người, một ngựa” dong ruổi khắp các ngõ ngách cóp nhặt những gốc đào mà người dân bỏ đi mang về trồng lại. Có gốc anh nhặt được ngoài đường, gốc thì xin được, nhưng có những gốc phải mua.

Xác đào là gánh nặng của những người lao công sau tết.

 

“Nhiều khi không chỉ chuyện cây giống mà là cái nghiệp của người trồng đào anh à. Vất vả chăm sóc cả năm mới được cây đào đem bán cho người chới Tết, giờ gom về trồng lại cũng như các “trả ơn cây”, anh Tuấn chia sẻ.

Có đi gom lại cây mới thấy được cái văn hóa của người chơi hoa, nhiều người họ quăng quật không thương tiếc như một thứ rác bẩn nhà, nhưng cũng có người cố giữ lại chờ người gom gốc cây đến để cho.

Ông Nguyễn Văn Hòa, ở phố Đội Cấn, Hà Nội cho biết: “Tết năm nào nhà tôi cũng mua một cây đào về chơi Tết, nhưng do nhà chật nên thường đến mùng 10 là phải “giải tỏa” để lấy chỗ sinh hoạt. Nhưng thú thực, chơi cả Tết mà mang vứt ra đường thì tôi không nỡ… mà bán thì cũng chẳng đáng bao nhiêu, nên tôi thường chọn phương án khi mua thì cho người bán địa chỉ nhà, dặn sau Tết vào lấy lại gốc. Cũng vì thế mà năm nào tôi cũng mua được cây rẻ hơn so với thị trường”.

Năm sau, niềm vui sẽ lại đến với mọi người từ những cành đào được hồi sinh

 

Còn với những công nhân về sinh môi trường thì tháng giêng bao giờ cũng là tháng vất vả bởi… xác cây người dân chơi Tết.

Chị Lê Thị Nhàn, công nhân Công ty Môi trường Đô thị kể: “Các anh thấy đây, năm nào xác cây cũng ngập ngụa phố phường… nhiều người vô ý, đêm hôm quăng cả cây lẫn chậu ra đường, thế là hôm sau chúng tôi lĩnh đủ. Từ ngày có những người đi gom gốc đào, quất, tụi tôi… nhàn hẳn, vì họ đã giúp chúng tôi vận chuyển một khối lượng rác đáng kể!”.

Thông thường thì những gốc đào, gốc quất thu gom về được trồng lại, việc chăm sóc, cắt tỉa không tốn nhiều công sức vì các cây đều có dáng, thế sẵn. Tuy nhiên, nhiều người dân mua về chơi Tết thường không biết chăm sóc nên sau Tết cây thường héo úa, gãy cành. Thậm chí nhiều người không biết cách giữ cây, đổ nước nóng vào gốc, không tưới khiến cây bị tổn hại, rất khó phục hồi.

Bởi vậy, sau khi những gốc đào, quất được đưa về vườn, công đoạn đầu tiên là phải ủ dưỡng cho rễ cây. Theo đó, mỗi gốc đào sẽ được “hồi sức” bằng cách để trong bóng mát, tưới ẩm và sau vài ba ngày mới đem ra trồng. Sau vài tuần đợi cây “hồi sức” mới đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành.

Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân. Mong rằng sau mỗi mùa xuân, sẽ có thêm nhiều cây đào được hồi sinh và tiếp tục gieo mần cho những mùa xuân năm tới.

Văn Dũng