"Hữu thư chân phú quý"

08:15 | 13/02/2013

1,661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ xửa từ xưa, các bậc tiền nhân đã có câu rất hay về ý nghĩa của sách: “Hữu thư chân phú quý” - tạm dịch là: Sách vở là cái gốc làm nên phú quý. Rồi không ít bậc túc nho đã treo trang trọng tại thư phòng bức hoành phi: “Độc thư hảo” - đọc sách là tốt. Bây giờ, thời thế đã thay đổi, văn hóa đọc sách cũng thay đổi… Nhưng ở Hà Nội vẫn còn có những người yêu sách, mê sách và mong muốn được phổ biến sách cho những người biết “Độc thư hảo”.

Sách phải quý hơn vàng

Nếu so sánh với nhiều ngôi nhà khác ở phố Bát Đàn, khu phố sầm uất vào loại bậc nhất Hà Nội thì ngôi nhà số 5 chẳng thua kém gì về độ “hoành tráng”: “nhà cao cửa rộng” tới tận 4 tầng, cổng sắt uy nghi khiến người bước vào cũng phải dè dặt. Thế nhưng, điểm khác biệt của ngôi nhà là ngay trước cổng đề biển: “Nhà sách cũ”. Vậy mà không chỉ ngôi nhà đó mà còn một số địa chỉ nữa ở Hà Nội đang làm cái việc mà nhiều người cho là “dị biệt” ấy. Nhưng đối với lớp trí thức, đối với những người mê sách, đây là “thánh đường” của tri thức và chủ nhân của những cuốn sách là những người gìn giữ kho tàng của nhân loại.

Chỉ ngay sau lớp cửa sắt với hàng chấn song đủ thưa để người qua lại đập ngay vào mắt một tủ kính sách được đặt trang trọng giữa sảnh sau khi đi qua bậc tam cấp. Bắt đầu từ tủ sách ấy, bước vào không gian trong nhà men theo các bức tường, từ tầng 1 lên tới tận tầng 4  toàn sách là sách. Sách ở ba bề bốn bên nhưng không làm ngôi nhà trở nên bộn bề, ngột ngạt mà vẫn ngăn nắp, làm người xem dễ tìm dễ thấy. Trên tầng 4, sách được để nhiều nhất, trong những chiếc tủ chạm tới tận trần nhà.

Ông Phan Trác Cảnh bên "gia sản" của mình

Theo ông Phan Trác Cảnh, chủ nhân ngôi nhà, đồng thời là chủ nhân của những cuốn sách cho biết, tổng cộng số sách trong nhà ông có tới gần chục tấn, chủ yếu là những nội dung thiên về khoa học xã hội, Việt Nam học, con người, tác phẩm văn học và những cuốn phê bình lý luận... Trong đó, có những cuốn vô cùng quý giá vì xuất bản từ hàng thế kỷ trước. Như cuốn Từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký, ấn hành từ năm 1884. Hay Souvenirs de Hue (Kỷ niệm về Huế) của tác giả Parchichel in bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Paris năm 1867... Cùng với đó là cuốn “Hà Nội chỉ nam” của Nguyễn Bá Chính xuất bản năm 1923, các quyển “Hán văn tân giáo khoa thư”, xuất bản năm 1928 và “Ngũ thiên tự” năm 1929, bộ tài liệu gồm 46 cuốn về dân tộc Chăm và hơn 300 cuốn sách viết về Hà Nội...

Để có thể sưu tầm được những cuốn sách vô giá như vậy, thì trước hết phải nói rằng, ông Cảnh có niềm đam mê sách đến quên ăn quên ngủ, bắt đầu từ hồi ông làm công tác quản lý sinh viên tại Trường ĐH Tổng hợp, sau này gọi là Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn. Hồi làm công tác quản lý sinh viên, hằng ngày tiếp xúc với sinh viên và những cuốn sách, trở thành vật bất ly thân của họ, cứ nghe họ nói quyển sách nào hay, quyển nào hiếm, mượn được là ông đọc ngấu đọc nghiến rồi cố sưu tầm bằng được để tập trung thành một tủ sách riêng ở nhà. Mới đầu, ông chỉ nghĩ là sở hữu riêng để lúc nào thích đọc là mang ra đọc. Nhưng sau này, thấy có nhiều sách quá cần mà trường không có để đáp ứng sinh viên, vậy là ông đi “lùng” bằng được ở tất cả những chỗ nào bán sách, kể cả những nơi bán giấy vụn để có thêm sách cho sinh viên đọc. Bởi ở đó, nhiều khi có những cuốn sách do không hiểu hết giá trị, chủ nhân của chúng lại bán đi như mớ giấy lộn. Mà quả đúng như vậy, có rất nhiều cuốn quý hiếm ông mua được từ những nhà buôn đồng nát với giá rẻ hơn... bèo. Trong đó có cuốn Từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký là một ví dụ. Ông còn mua lại của cả những chủ sở hữu khi họ không chú trọng với sách, không coi sách là gia sản.

Là người yêu sách, mê sách nên ông Cảnh giữ gìn sách lắm. Ông để sách theo từng chủ đề và cứ theo một thời hạn nhất định, ông lại lấy máy sấy ra sấy cho từng tủ sách, cuốn sách (nếu cần) nhằm tránh ẩm mốc, mục nát, nhất là vào mùa ẩm ướt. Ông còn “đảo” sách bằng cách lấy sách ra đọc, dẫu đã đọc đến nỗi thuộc làu để có “hơi người”, sách không bị hỏng. Ông tâm sự: “Ở nhà tôi, sách để trên tầng 4 nhiều nhất. Vì càng để sách trên cao, không khí càng khô ráo, sách không bị mục, hỏng”.

Nhìn những cuốn sách được ông nâng niu, gìn giữ mới thấy ông quý sách đến nhường nào. Mỗi cuốn sách, trang giấy dù đã ngả màu nhưng gáy sách, bìa bọc... đều được ông bọc, dán... cẩn thận. Với những cuốn không còn vẹn nguyên, ông cố gắng để nó “hồi sinh” một cách căn bản nhất, nguyên gốc nhất để không làm mất đi một nét chữ, một hình ảnh gây khó khăn cho người đọc. Có ai đó đã nói rằng: “Quý vật tìm quý nhân”, thật đúng với ông. Phải chăng say sách đến thế, gìn giữ sách như báu vật, như gia bảo, thế nên bên cạnh có “duyên” với sách, sách còn tìm đến ông như người tri kỷ, gửi gắm “số phận” cho ông để ông gìn giữ, lưu truyền, chia sẻ với những người đồng cảm, cùng mối quan tâm với ông? Và cũng nhờ đó, nhiều cuốn sách không bị hủy hoại, vẫn còn lưu lại trong kho tàng tri thức của nhân loại cho đến nay.

Ông bảo, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước đến nhà ông tìm sách, những cuốn sách thậm chí ngay thư viện cũng không có. Nhưng tìm được rồi, nguyên tắc của ông là không bao giờ cho mượn mà chỉ photo hoặc cho họ chụp ảnh rồi mang về phóng to để đọc. Dẫu tiền thu được từ việc ấy không nhiều, song cũng trang trải bớt cho ông chi phí bảo quản sách và phần nào số tiền ông đã bỏ ra để “đầu tư”.

Đối với ông Cảnh, sưu tầm sách cũ không những là thú vui tao nhã, là lưu giữ tri thức của nhân loại mà còn là cách tri ân với bậc tiền bối về sự cống hiến, nghiên cứu dày công của họ cho con người, xã hội...

Thiếu sách không thể… sống nổi

Như ông Cảnh, ông Lương Ngọc Dư ở phố Bà Triệu cũng là một “tín đồ” của sách, chỉ khác “duyên nợ” của ông Dư đối với sách lại bắt đầu từ hoàn cảnh kinh tế chứ không phải từ công việc liên quan trực tiếp đến sách như ông Cảnh. Là một kỹ sư xây dựng, nhưng sống trong thời kỳ bao cấp, công việc không đủ bảo đảm cuộc sống của ông cùng gia đình, vậy là trong nhà có ít sách cũ, ông mang ra bán. Mới đầu, bán sách ông chỉ nghĩ vì mưu sinh, vì những miệng ăn trong nhà, nhưng càng bán ông càng nhận ra công việc này thật có ý nghĩa và tạo cơ hội cho ông được “khai tâm”, “khai sáng” mở mang trí óc, tiếp xúc với tri thức của nhân loại mà không phải người nào cũng có được. Cũng do niềm đam mê sách ấy mà có nhiều cuốn đến với ông tưởng chừng vô tình nhưng rất hữu ý như “duyên phận”.

Chả là thời kinh tế xã hội chưa phát triển như bây giờ, có nhiều chủ nhân của chính những cuốn sách quý hoặc của cả một kho tàng sách tìm đến ông để bán với suy nghĩ: “Chỉ có người hiểu sách, biết trân trọng sách mới chuyển sách được đúng đến người cần nó, yêu quý nó hơn cả bản thân mình”. Vì họ bảo, nhìn cái cách ông đọc sách, giở sách, họ nhận ra ngay đây chính là người họ có thể “trao thân gửi phận” cuốn sách mà vì lý do nào đó, phải bán đi, xa rời nó. Tuy nhiên, trước những lần được mời như vậy, thay vì vồn vã, vui vẻ ông lại thấy buồn, do cũng là người mê sách, chơi sách, ông quá hiểu tâm trạng chủ nhân khi phải chia tay “đứa con tinh thần” của mình. Có lần, nhìn thấy tủ sách quá quý giá nhưng người sở hữu chúng phải bán đi do muốn giải phóng mặt bằng để lấy chỗ sinh hoạt, chân thành ông nói với chủ sách: “Ông cứ suy nghĩ kỹ đi rồi hãy bán. Vì tủ sách này để sưu tầm lại được chắc khó khăn lắm”.   

Bây giờ đứng giữa cửa hàng sách của ông, chỗ trống không còn như thuở nào, thay vào đó sách tứ phía, sách cao ngất từ dưới đất lên tận trần nhà, chỗ nào cũng sách là sách, đến nỗi có cảm giác đứng ở đó, con người thật nhỏ bé, hữu hạn. Ông tâm sự: “Sách là pho tri thức vô tận, không bao giờ khai thác hết. Rất may tôi được là người “chở đò” những tri thức ấy đến những người yêu tri thức, coi tri thức là lẽ sống của mình qua công việc sưu tầm, bán sách”.

Đến nay, đã trải qua hơn 30 năm trong nghề, theo ông Dư, để kinh doanh thành công, bên cạnh ham mê sách, coi sưu tầm sách như là thú vui, lẽ sống, chủ cửa hàng sách còn phải có cho riêng mình một tủ sách mà trong đó có những cuốn “độc nhất vô nhị” để người xem nhìn vào thấy rõ cái tâm, cái tầm của người chơi sách. Như trong tủ sách của ông Dư có những cuốn: “Hồng Đức bản đồ” của Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục (Sài Gòn – 1962), “Thú xem truyện Tàu” của Vương Hồng Sển, được đánh số thứ tự, in năm 1970, An Nam tạp chí, trong đó quý giá nhất có bức ảnh hành quyết tướng sĩ Hoàng Hoa Thám với màu giấy đã ngả vàng. Đối với những cuốn sách này, đương nhiên ông Dư không bán và càng không cho những người không hiểu giá trị cuốn sách dễ dàng chạm vào, mặc dù cũng được trưng bày ở cửa hàng, nơi trang trọng nhất. Vì theo ông, sách chọn người chứ người không chọn được sách, phải ai nâng niu, quý trọng, nó mới “theo”, mới trở thành ánh sáng soi rọi con đường chân lý cho họ.

Ở Hà Nội những người như ông Cảnh, ông Dư vẫn còn, dẫu không nhiều. Nhưng với cái tâm, cái tầm của các ông trong thú chơi tao nhã, đậm chất văn hóa này, các ông đang nhen lên và thổi bùng “ngọn lửa đọc” đã từng là nét đẹp, văn hóa của người Hà thành. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong công việc cũng là nhờ thú chơi ấy các ông đã lưu giữ được kho tàng tri thức của nhân loại.
 

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc