Khai thác di sản kiến trúc đô thị cần hiểu biết và khoa học

07:00 | 16/12/2012

944 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với 300 năm tồn tại và phát triển bài toán khai thác và phát triển đô thị TP HCM cần được xem xét dựa trên sự hiểu biết và khoa học.

Ngày 14/12, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với UBND TP HCM và Hội Kiến trúc sư TP HCM tổ chức hội thảo: Di sản kiến trúc đô thị TP HCM.

Ý tưởng “trục đường thiên lý”

Phát biểu khai mạc hội thảo, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, đô thị TP HCM với 300 năm tồn tại và phát triển đang sở hữu một quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và quý giá cần được cộng đồng biết đến, bảo vệ và khai thác một cách có hiểu biết và khoa học.

Theo ông Vạn, từ những quần cư do những người di dân Việt đặt chân đến đây và khi chúa Nguyễn thành lập phủ Gia Định đến nay, đô thị Sài Gòn (TP HCM) đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, nhiều đổi thay về lối sống và nếp sống.  

Nhiều ý kiến cho rằng với một đô thị mang dấu ấn sông nước như Sài Gòn việc xây dựng một “trục đường thiên lý” để tìm về các giá trị di sản của Sài Gòn là điều rất cần thiết.

KTS Lê Quang Ninh (Hội Kiến trúc sư TP HCM) cho rằng, vùng đất Sài Gòn từ xa xưa đã hình thành con đường thiên lý, gợi nhớ thời mở cõi, thời kỳ manh nha của cơ sở hạ tầng đô thị được ghi nhận qua các bản đồ của danh nhân Trần Văn Học (lập nên từ thế kỷ XIX). Trong sách Sài Gòn – Gia Định xưa cũng bắt gặp đường thiên lý bắt đầu từ thành cổ đi về phía Biên Hòa. Đường thiên lý chính là những tuyến đường bộ quan trọng nối Sài Gòn với các miền trọng yếu của phương Nam vừa đảm bảo lưu giữ nét văn hóa có từ xa xưa mà vẫn đáp ứng được việc phát triển kinh tế, du lịch cho đô thị Sài Gòn”- KTS Vinh nói về ý tưởng.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/122012/14/20/IMG_1788.jpg

Nhà hát Lớn TP HCM được công nhận là di sản quốc gia

Bàn về công tác bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn, KTS Cao Thành Nghiệp, Hội Kiến trúc sư TP HCM cho rằng, áp lực về phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa đang khiến bản sắc kiến trúc đô thị của TP HCM bị mai một ngày càng nhanh hơn. Những tác động về dân số, đời sống đô thị đang khiến thành phố dần mất đi những nét di sản truyền thống vốn có. Tiêu biểu là việc mật độ dân cư ngày càng gia tăng đang khiến cho các công trình kiến trúc đô thị bị thu hẹp dần, cấu trúc đô thị thay đổi. Thành phố cần có chiến lược bảo tồn di sản kiến trúc đô thị hiệu quả, phải chọn ra phương hướng đi cụ thể trong công tác trùng tu, sửa chữa, quản lý các công trình và cụm công trình kiến trúc đô thị.

Dựa trên nhận thức của con người

Về giải pháp trong ứng xử với di sản văn hóa đô thị Sài Gòn, nhiều ý kiến có cho rằng cần phải đặt việc bảo tồn di sản văn hóa trong sự phát triển của thành phố. Nhằm có định hướng khai thác một cách có khoa học mà vẫn giữ gìn được những nét đẹp vốn có của các công trình biểu trưng cho thành phố.

Theo tiến sĩ Phạm Hữu Mý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa TP HCM, hiện nay thành phố có 139 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 30 di tích kiến trúc nghệ thuật được công nhận cấp quốc gia. Đây là các công trình kiến trúc cổ, có giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, đủ tiêu chí xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn các công trình trên đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xác định bảo tồn theo hướng nào.

“Chúng ta có nhiều di sản đô thị đẹp và tiêu biểu tuy nhiên cứ loanh quanh trong việc tìm hướng đi cho công tác bảo tồn. Nếu chúng ta chưa giải được bài toán bảo tồn theo hướng vừa giữ lại nét đặc trưng của di sản vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thì lúc đó chúng ta còn gặp nhiều khó khăn” - ông Mý khẳng định.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Thị Hậu, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, di sản đô thị là do con người tạo ra, vì vậy việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển các di sản phải dựa vào yếu tố nhận thức con người đặt lên hàng đầu. Nếu nhận thức và sự hiểu biết của người thành phố được trang bị đầy đủ thì cho dù cơn lốc đô thị đang phát triển tràn lan thì thành phố vẫn giữ được những di sản đô thị vốn có của mình. Việc bảo vệ si sản văn hóa nên hiểu là công việc làm thế nào để con người sống tốt hơn cho hôm nay, chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ.

Thùy Trang