Khám phá hầm tác chiến bí mật - "bộ não" của kỳ tích 12 ngày đêm

07:00 | 23/12/2012

2,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sau nhiều năm, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long đã mở cửa Hầm Chỉ huy Tác chiến nằm bên dưới tòa nhà Cục Tác chiến trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long cho khách vào tham quan.

Đây là lần đầu tiên căn hầm chỉ huy tác chiến mở cửa cho khách tham quan nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Trong chiến tranh chống Mỹ của dân tộc, căn hầm Chỉ huy Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu đóng vai trò rất quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Căn hầm bí mật này cùng với hầm D67 là nơi mà các lãnh đạo quân đội cùng Bộ Chính trị đã cùng họp bàn tác chiến, đưa ra những chỉ đạo toàn quân trong cuộc kháng chiến. Căn hầm đã đứng vững, bảo vệ các lãnh đạo trong các cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong 12 ngày đêm khói lửa mùa đông năm 1972.

Cùng với các di tích lịch sử quân sự khác như Nhà và Hầm D67 của Quân ủy Trung ương – Bộ Tổng Tư lệnh, Hầm C52 - Cục Quân báo, Hầm Chỉ huy Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu nằm trong cụm công trình quốc phòng (1965 – 1975) được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.

Căn hầm được đúc bằng bê tông cốt thép nguyên khối, rộng 64m2 có khả năng chống được bom tấn, tên lửa không đối đất cũng như vũ khí hóa học, vi trùng. 

Hầm được xây dựng cuối năm 1964, đầu năm 1965 khi Mỹ phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Hình ảnh chiếc chuông cửa sử dụng khi có người muốn liên lạc xuống hầm công tác.

Căn hầm chia làm 3 phòng. Phòng giao ban tác chiến rộng 20m2 là nơi tổng hợp, báo cáo tình hình cho cấp trên, nhận lệnh và phát lệnh. Bây giờ phòng là nơi chiếu các tư liệu cho khách tham quan.

Phòng rộng nhất là phòng trực ban tác chiến, là nơi làm việc chính của các lãnh đạo quân đội và Bộ Chính trị liên tục suốt 24/24 giờ.

Bàn làm việc trong phòng trực ban tác chiến.

Bản đồ tác chiến là nơi các lãnh đạo dựa vào để đưa ra những quyết định tác chiến.

Các buồng thông tin liên lạc ra ngoài. Trong hầm không được lọt sóng từ ngoài vào để đảm báo bí mật và an toàn.

Cận cảnh một buồng thông tin.

Bản đồ cách đánh của B52 ở các khu vực Hà Nội. Dựa vào bản đồ này, quân ta đã tìm hiểu và đưa ra cách hóa giải "pháo đài bay" của Không lực Hoa Kỳ.

Bảng tin trong phòng tác chiến còn ghi ngày 18/12/1972, thời điểm bắt đầu 12 ngày đêm khói lửa của mùa đông 40 năm trước.

Loa truyền thanh để nghe tình hình thời sự từ 1965 đến 1973.

Căn hầm nhận được nhiều sự quan tâm từ các khách tham quan là các bạn trẻ hay các vị khách nước ngoài.

Bản đồ tác chiến cùng những chiếc bút chì xanh đỏ. Những kế hoạch tác chiến giành chiến thắng của quân ta đã ra đời từ những nét bút chì này.

Căn phòng cuối rộng 10m2 là nơi vận hành hệ thống thông hơi, lọc độc, làm mát. Máy thông hơi này do Liên Xô sản xuất giúp đỡ cho ta.

Căn phòng này còn là nơi đặt các trang thiết bị đảm bảo kỹ thuật cho 28 máy điện thoại trong hầm thông suốt và kíp trực ban sinh hoạt suốt ngày đêm.

Căn hầm cũng những kỷ vật của thời gian chiến tranh gian khổ những hào hùng của dân tộc thu hút được nhiều người đến chiêm ngưỡng, hiểu được một phần lịch sử đáng tự hào của nước nhà.

Hiền Anh