Khi “đời rất đẹp”!

06:02 | 19/12/2012

812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cơn sốt bại liệt từ năm 3 tuổi đã cướp đi đôi chân lành lặn của chị. Những tưởng, cuộc đời chị sẽ quẩn quanh ở làng quê, nhưng không, Võ Thị Hoàng Yến đã đi về phía trước bằng sự vượt khó, lòng dũng cảm và sức mạnh tri thức.

Để rồi không chỉ có tấm bằng cử nhân Kinh tế, cử nhân Anh văn mà chị còn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Phát triển con người (ĐH Kansas- Mỹ, 2004); về nước sáng lập và điều hành trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) năm 2005. Những thành quả đó chị không dành cho riêng mình mà còn cho cộng đồng người khuyết tật (NKT) Việt Nam.

Vượt qua nghịch cảnh

Làng quê yên bình ở một xã nhỏ tỉnh Đồng Nai là nơi Hoàng Yến cất tiếng khóc chào đời. Lúc nhỏ khi chưa ý thức về sự khác biệt chị cũng vô tư như bao đứa trẻ khác, và có khác chăng là chị đi lại khó khăn hơn chúng bạn. May thay gia đình và cộng đồng cũng không quá khắt khe với chị, ánh nhìn thiện cảm và nhất là tình yêu thương của mẹ đã sưởi ấm tâm hồn chị. Nhưng khi bước vào cấp 2 ở một ngôi trường xa nhà thì chị bị một số bạn cùng trường trêu ghẹo. Lúc này, chị biết mình đã có sự khác biệt. Nhưng với bản tính là người mạnh mẽ, chị tự hứa với lòng: “Mày chọc tao đi rồi tao sẽ học giỏi cho mày xem!”, chị học giỏi thật, năm lớp 9 thì làm Liên đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong, rồi đến cấp 3 thì làm Trưởng ban văn nghệ báo chí,….

Nhưng không phải đứa trẻ khuyết tật nào cũng mạnh mẽ như Hoàng Yến. Vì thế, có nhiều bạn không chấp nhận sự thật, mặc cảm và bỏ học giữa chừng. Từ điều đó, sau này chị ngộ ra rằng: “Người khuyết tật mặc cảm không phải vì người ta khác biệt mà mặc cảm vì cách xã hội đối xử với họ”.

Đó là thời đi học, nhờ trẻ và còn khỏe thì đi bộ được nhiều chứ bây giờ đi 50m là chị rất mỏi, còn lại là phải đi xe lăn. Nhưng chị không ngồi đó than thân hay đầu hàng số phận, vì chị nghĩ: “Nếu ngồi khóc, rồi co mình lại thì mình đâu có thể nắm bắt những cơ hội mà số phận đã mang đến cho mình”. Phải đứng dậy và đi với bản lĩnh, với niềm tin vào sức mạnh của tri thức mà chị đã có được, với quyết tâm học tập để phát triển tương lai.

Võ Thị Hoàng Yến

Vì thế, chị liên tiếp là học sinh giỏi trong lớp và nhận được sự nể trọng từ bạn bè. Tốt nghiệp cấp 3 với điểm cao nhất trường cùng 2 bạn khác, chị thi vào ĐH Kinh tế TPHCM, dù nhà không khá giả nhưng các anh chị cũng cố gắng nuôi Hoàng Yến ăn học. Ngang trái thay, ra trường, cầm tấm bằng cử nhân kinh tế gõ cửa khắp các doanh nghiệp chị đều nhận cái lắc đầu. Đó là những cay đắng – phũ phàng mà cuộc đời dành cho NKT. Câu hỏi làm chị đau đáu trong lòng: “Mình đâu phải là kẻ bất tài vô dụng”.

Thế rồi, không muốn mãi là gánh nặng của gia đình, chị đã xoay hướng khác là học Anh văn với hi vọng có thể nuôi sống mình với nghề dạy kèm hay dịch sách, đồng thời tìm đọc thông tin về các chương trình dành cho NKT ở các nước. Nhưng trở ngại là thời phổ thông chị chưa hề được học Anh văn nên khởi đầu học ngoại ngữ của chị quả là gian nan. Chị phải ngấu nghiến các cuốn sách ngữ pháp, ráng đọc dù lúc đầu phát âm rất tệ và nghe băng thường xuyên dù ban đầu nghe chưa hiểu được gì… Tuy nhiên bằng quyết tâm, bền chí chị không bỏ cuộc và sau những năm miệt mài, chị đã có trong tay tấm bằng cử nhân Anh văn (1999).

Có đi sẽ đến

Sau khi có bằng cử nhân Anh văn, ngoài thời gian dạy kèm Anh văn để kiếm sống chị còn dạy Anh văn miễn phí cho các bạn khuyết tật, tham gia một nhóm nhạc của những NKT hát phục vụ các thương binh nặng đang nằm viện, hoặc ở các khu an dưỡng.

Năm 2000, chị được một tổ chức Nhật Bản mời tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về phong trào quốc tế sống độc lập ở Hawaii, với sự tham gia của hơn 600 NKT đến từ các quốc gia trên thế giới. Qua những trao đổi trong hội nghị, chị hiểu rõ hơn về triết lý của phong trào “Sống độc lập” và tin rằng mình đã tìm được một hướng đi: “Phải làm điều gì đó cho mình và cho những người khuyết tật khác”.

Giữa năm 2001, chị lọt vào các vòng tuyển chọn học bổng IFP của quỹ Ford. Chính cơ hội này đã làm thay đổi cuộc đời chị và cả những NKT mà chị giúp đỡ về sau. Hoàng Yến chọn ngành Phát triển con người (nay là Khoa học về hành vi ứng dụng) của ĐH Kansas, Hoa Kỳ, vì nơi đây có một trung tâm nghiên cứu về NKT nổi tiếng. Chị nghĩ rằng những kiến thức phát triển con người sẽ giúp chị tìm kiếm được điều giúp mình và giúp cộng đồng khuyết tật phát triển. “Rõ ràng là cơ hội luôn hiện diện đâu đó, nhưng mình phải luôn chuẩn bị để nắm bắt nó, vì nếu không bắt kịp nó sẽ bay đi mất”, chị nhớ lại.

Võ Thị Hoàng Yến (ngồi giữa) trò chuyện với sinh viên về kỹ năng sống

Chị kể: “Ở Mỹ phải tự học rất nhiều, mình học một nhưng phải đọc thêm mười đến hai mươi. Còn cứ chờ thầy cô thì rất khó mà theo kịp”. Từ lâu, chị đã ấp ủ việc thành lập trung tâm DRD nên ở xứ người, ngoài giờ học, chị dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về chương trình dành cho NKT ở Mỹ cũng như ở các nước khác. Đồng thời chị cũng xin đi thực tập ở những Trung tâm Sống độc lập để tham khảo cách người ta làm việc và qua đó học tập thêm kinh nghiệm.

Ở xứ người, một thân một mình chị cũng gặp không ít khó khăn, mùa đông tuyết lạnh thỉnh thoảng vẫn hành hạ đôi chân chị nhưng chính những năm tháng trui rèn và thực hành ở xứ người đã cho chị vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn rất tốt để làm công tác xã hội ở quê nhà. Dù bận rộn, vất vả là vậy nhưng Hoàng Yến vẫn tận dụng thời gian kiếm tìm sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Vì thế, hè năm 2002, chị về nước thăm gia đình với 100 chiếc xe lăn xin được từ tổ chức Rotary Club International để giúp NKT trong nước.

Sự cố gắng không mệt mỏi, kiên trì bền bỉ cuối cùng đã mang đến cho chị kết quả rất tốt. Đề tài “Giúp phát triển kỹ năng vận động và biện hộ cho sinh viên khuyết tật ở các trường đại học Mỹ” của chị được hội đồng đánh giá cao và đích thân cố vấn các vấn đề phát triển cho NKT của Ngân hàng thế giới (WB), bà Judith E. Heumann, mời báo cáo tại trụ sở chính của WB ở thủ đô Washington mùa hè năm 2004.

Sau đó, giáo sư hướng dẫn đề nghị một suất học bổng học lên tiến sĩ và một chương trình ở châu Mỹ Latinh đặt tại Washington D.C mời chị làm cố vấn chương trình nhưng chị đành từ chối, vì “Trái tim tôi ở Việt Nam”.

* Kỳ 2 - Người "cho" chứ không chỉ nhận

Thiên Thanh

(Ảnh nhân vật cung cấp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc