Khổ quá giáo viên mầm non!

07:00 | 22/12/2012

2,657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo quy định chung: 8 tiếng là thời gian làm việc mỗi ngày của cán bộ, công nhân viên mỗi ngày, dù ở ngành nghề nào, trong hay ngoài doanh nghiệp Nhà nước... Thế nhưng, thực tế đối với giáo viên mầm non thì thời gian làm việc phải từ 9 – 10 tiếng, quá với thời gian quy định chung.

Tất nhiên, trong bất cứ văn bản nào của ngành giáo dục thì không quy định cụ thể như vậy. Nhưng trải qua công việc hằng ngày, giáo viên tự nhận thấy phải ngần ấy thời gian, họ mới làm tròn bổn phận của một cô giáo mầm non nên tự ý thức thời gian đi làm của mình bắt buộc phải hơn so với nhiều viên chức, giáo viên khác.

Như cô giáo Linh Hương, trường mầm non 1-6, Hà Nội, đã gắn bó với nghề hơn 20 năm nay và trong hơn 20 năm ấy, thời gian làm việc của cô ít nhất cũng phải 9 tiếng/ngày. Bởi ngày nào cũng vậy, khoảng 7 giờ sáng là bắt đầu thời gian làm việc của cô với rất nhiều việc bộn bề theo kiểu “con mọn”. Nào quét dọn sạch sẽ phòng học, nhà vệ sinh, trải thảm cho học sinh vào mùa đông giá rét để các em không phải ngồi trên nền gạch lạnh ngắt. Nào chuẩn bị sẵn sàng sữa ấm (vì sáng nào đến lớp các cháu cũng được uống một cốc sữa), cốc khăn sạch sẽ, giáo án, giáo cụ trực quan phục vụ cho một buổi học hiệu quả.

Giáo viên mầm non thường xuyên làm việc quá 8 tiếng/ngày.

Đến khoảng 7h30 thì cô bắt đầu đón học sinh. Đây cũng là khoảng thời gian học sinh đến cấp tập vì sau khi đưa các em đến trường, phụ huynh cũng phải vội vã đến công sở để đúng giờ làm việc. Trong khoảng thời gian đó vừa đón học sinh cô còn vừa cho các em uống sữa, hướng dẫn các em ngồi đúng vị trí theo quy định. Em nào mặc ít hoặc nhiều quần áo thì cô lại điều chỉnh để cho phù hợp với thời gian, không gian trong lớp v.v...

Đúng 8h10, cô lại đưa các em xuống sân trường để tập thể dục chung với học sinh toàn trường. Trước khi đến giờ ăn trưa vào lúc 11h, cô dạy các em học dưới nhiều hình thức kể chuyện, vẽ tranh, nặn đất, vui chơi... Nhưng vất vả nhất là lúc cho các em ăn và ngủ. Vì chưa ở tuổi có thể tự lo cho mình ngay cả những việc đơn giản nhất nên từ xúc cơm, đặc biệt là đối với những em nhác ăn, cầm thìa, bát còn lúng túng... đến trải đệm, đắp chăn... đều một tay cô lo cho cả. Mà trong lớp mấy chục cháu, cứ vào giờ này là cô Linh Hương lại quay như... chong chóng.

Tất nhiên cùng với cô Linh Hương còn có hai giáo viên nữa. Nhưng thử tưởng tượng, nhà chỉ có hai con mà một mình mẹ chăm bẵm đã chóng cả mặt, huống hồ đằng này có mấy chục “đứa con” ba bà mẹ “lăn như bống” đến nhường nào.

Cứ tưởng vào giờ các con ngủ, cô Linh Hương hoặc những giáo viên mầm non khác sẽ tranh thủ “ngon giấc”. Tuy nhiên, đâu phải vậy, vào giờ ấy, các cô lại phải tỉnh hơn bao giờ hết vì nếu ngủ quên, các em tung chăn, nằm xoay ngang dọc lung tung đến nỗi đạp vào mặt nhau hay mồ hôi vã ra để rồi không biết lau thấm cho các em dẫn đến viêm phổi, sốt cảm... thì ai là người chăm sóc các em? Cho nên đối với cô Linh Hương hay cũng như bất kể giáo viên mầm non nào khác “kỵ” nhất là... ngủ trưa. Chưa kể, vào giờ ấy, các cô còn tranh thủ làm đồ chơi thủ công phục vụ việc giảng dạy.

Bắt đầu từ 14h là giờ học chiều của các cháu sai khi ngủ dậy. Từ thời gian này trở đi đến lúc các cháu ra về, cô giáo lại cũng... quay như chong chóng hệt buổi sáng.  Mà nào có phải các cháu về sớm, hôm nào cũng có cháu ở muộn nhất đến 17h – 17h30. Phải đến lúc ấy, cô giáo mới được về.

 Nhiều người lầm tưởng, chọn nghề giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ắt sẽ... nhàn. Song  thực tế hoàn toàn không phải vậy, cô Linh Hương cũng như tất cả giáo viên mầm non khác đều quần quật như thế đến gần 10 tiếng đồng hồ/ ngày. Trong khi, tiền lương cùng với trợ cấp đứng lớp 35% nếu nói ra đến... sững sờ vì quá thấp.

Như cô Linh Hương với thâm niên 20 năm trong nghề nhưng cộng tất cả những khoản trên, thu nhập của cô chỉ khoảng... 3,5 triệu đồng/tháng, không đủ để nuôi thân chứ đừng nói đến chi phí đủ cho một gia đình gồm 2 đứa con như cô. Do đó, cô phải dựa hết vào chồng.

Mà may mắn như cô thì dựa được vào chồng, nhiều giáo viên mầm non khác, phải lăn lộn làm thêm ngay khi giờ dạy ở trường kết thúc. Đặc biệt là những giáo viên mới vào nghề, chỉ được 2 triệu đồng/tháng. Họ phải nhận trông trẻ cho những gia đình bố mẹ đi làm tối khuya mới về hoặc bán hàng nước, hàng quà tối, thậm chí tham gia cả bán hàng đa cấp... rất vất vả để vừa bảo đảm được cuộc sống hằng ngày vừa bảo đảm được “sự nghiệp” trồng người mà họ đã theo đuổi.  

Rất nhiều giáo viên mầm non tương lai sau khi “thực mục sở thị” những cảnh như vậy thấy ái ngại không muốn tiếp tục nghề nghiệp đã lựa chọn khi thi cao đẳng, ĐH. Họ muốn thay đổi công việc trước khi “đẩy” mình vào hoàn cảnh khó khăn ấy.

Hiện nay, tính riêng TP Hà Nội, đã có 85% trẻ được học mầm non ở các trường công lập. Nhưng với chế độ chính sách nêu trên rõ ràng không thể khuyến khích giáo viên mầm non theo đuổi nghề và cũng không thể tiếp tục tuyển sinh những giáo viên tương lai để phát triển sự nghiệm mầm non, một giai đoạn giáo dục vô cùng quan trọng về nhân cách, nhận thức của học sinh. Bởi vậy, như giáo viên nói chung, Nhà nước nên và phải thay đổi các chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non để không những bảo đảm đời sống tối thiểu cho họ mà còn tạo được động cơ phát triển giáo dục đối với những học sinh “nhí” nhất này.

Xuân Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.