Khổ quá học sinh thời nay!

10:00 | 26/01/2013

2,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nặng chưa đến 30kg, nhưng ngày nào cũng vậy, em Nguyễn Duy Hưng, học sinh lớp 4 trường tiểu học Kim Đồng, Hà Nội phải “cõng” trên vai chiếc balô nặng khoảng 6-7kg sách vở.

Trước đây em cũng đeo cặp sách nhưng càng lên lớp cao, sách vở càng nặng, bố mẹ em phải mua balô thay vì cặp sách để em dễ đeo. Hơn nữa, cặp sách cũng không đủ để chứa hết sách vở. Còn thời gian học, trong khi người lớn làm việc mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ thì những học sinh như em Hưng tính ra phải học hơn 10 tiếng/ngày, mặc dù mới học tiểu học. Còn càng học lên cao, thời gian học của học sinh càng nhiều phải đến hàng chục giờ/ngày gồm cả học chính thống, học thêm rồi tự học ở nhà… Đúng là ngày nay, học sinh đi học thật là khổ!

Không chỉ em Hưng mà tất cả học sinh phổ thông ngày nay đều học như vậy. Đối với bậc tiểu học (bán trú), thời gian một ngày của các em bắt đầu từ 7 giờ 45 và kết thúc vào lúc 16 giờ 45, trong đó, có 1 tiếng rưỡi đồng hồ vào buổi trưa để vừa ăn vừa ngủ… 8 tiếng còn lại là chỉ học và học với thời lượng 7-8 tiết, tùy theo từng ngày. Nhưng học như vậy chưa phải đã hết. Tối về nhà, sau khi ăn cơm các em lại phải tiếp tục học, làm bài tập đến tận 22 giờ, thậm chí đến khuya nếu không hiểu bài, mặc dù đã được hướng dẫn học trên lớp vào thời gian bán trú.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của giáo viên, nên cho các em học bài, làm bài tập khi ở nhà, nhất là đối với học sinh lớp 3, 4. Không chỉ học chính thống, tự học, học sinh tiểu học còn phải đi học thêm 2 buổi/tuần, cũng có khi 3 buổi/tuần, tùy theo số môn cần học. Nhưng học thêm bao giờ cũng rơi vào các môn: tiếng Việt, toán, tiếng Anh. Nếu trung bình mỗi môn học 2 tiếng/buổi, cộng với tất cả số giờ các em phải học trong ngày như vậy, tính ra số giờ học của học sinh tiểu học phải hơn 10 tiếng/ngày, hơn người lớn ít nhất là 2 tiếng đồng hồ làm việc mỗi ngày!

Học sinh lúc nào cũng phải "cõng" chiếc cặp nặng trên vai

Học sinh tiểu học đã vậy, học sinh khối THCS và THPT còn khổ hơn, dẫu thời gian học chính thống ở trường của các em có thể ít hơn so với học sinh tiểu học. Bởi các em chỉ phải học 1 buổi (bắt đầu từ 7 giờ và đến 12 giờ là kết thúc). Tuy nhiên, việc tự học và học thêm của các em mới chiếm nhiều thời gian, có thể tới gần 20 tiếng đồng hồ/ngày. Như trường hợp một học sinh ở Trường Chu Văn An là ví dụ.

Học sinh này đang học lớp 11, ngoài việc đi học 6 ngày trong tuần vào buổi sáng thì cũng 6 ngày ấy, vào buổi chiều, tối, em đi học thêm đủ các môn thuộc ban A (gồm toán, lý, hóa) và cả những môn văn, tiếng Anh. Mà lại học thêm theo kiểu vừa học giáo viên ở trường để bảo đảm kiến thức cơ bản vừa học giáo viên luyện thi “chuyên nghiệp” nhằm chuẩn bị cho kỳ thi ĐH trong tương lai. Cho nên mới dẫn đến có ngày em phải “chạy sô” 2-3 ca, chóng cả mặt đến nỗi không có thời gian chở em đi học do bận đi làm, bố mẹ em phải thuê riêng một “xe ôm” cho em.

Tưởng rằng học cả tuần, ngày Chủ nhật sẽ thảnh thơi thư giãn để “tái sản xuất sức… học tập” nhưng đã “luật bất thành văn”: càng ngày nghỉ học sinh học càng nhiều nên em cũng không thoát khỏi “nguyên tắc” ấy với 3 ca học ngày Chủ nhật. Có người nói vui, tính thời gian nghỉ ngơi gồm ăn trưa, tối… còn dễ hơn tính thời gian học của em bởi trong khi khoảng thời gian cho những việc ấy chỉ chừng 8 tiếng thì thời gian dành cho học tập bất kể dưới hình thức nào có tới tận 15-16 tiếng, không còn chút thời gian nào để vui chơi, giải trí.

Học sinh này tâm sự: “Nếu dành cả thời gian để vui chơi, giải trí thì nguy cơ hổng kiến thức, “tụt hậu”, nhất là với lượng kiến thức giáo dục như hiện nay rất dễ xảy ra. Còn chỉ tập trung vào học, tất nhiên là rất mệt, rất vất vả nhưng kết quả học tập cho hiện tại và cho tương lại khả quan hơn và cũng không còn lựa chọn nào khác nên buộc em phải  lựa chọn cách này”.

Tương tự, học sinh THCS cũng thế. Một phụ huynh học sinh ở Trường  Ngô Sĩ Liên đã kể: thống kê con số 8 triệu đồng, trong đó 6 triệu đồng là học phí học thêm với mức giá 200-400 nghìn đồng/buổi tùy theo từng môn và tùy theo lượng học sinh học và 2 triệu đồng tiền xăng xe mà chị phải bỏ ra mỗi tháng để phục vụ cho mỗi việc… học thêm của con chị, sẽ thấy “guồng quay” của con chị như thế nào.

Chị bảo: “Lắm lúc thấy mình vất vả một nhưng con mình vất vả mười vì có khi cơm không kịp ăn, chỉ kịp “gặm” chiếc bánh mì chống đói rồi tiếp tục đi học”. Học và học đã làm cho con chị ăn không biết bữa cơm nào ngon, chỉ vội vội vàng vàng và cơm vào miệng và đi học đến tận khuya mới thôi. Vậy vì sao con chị cũng như bao nhiêu học sinh phổ thông khác phải khổ sở, vất vả như vậy trong học tập thay vì “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?

Hạ tuần tháng 12/2012, tại phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông và thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non… khi được hỏi câu hỏi tương tự, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận cũng đã thừa nhận: “Mặc dù đã giảm tải nhưng chương trình giáo dục phổ  thông hiện vẫn còn nặng, thể hiện rõ tham vọng của những người xây dựng chương trình muốn biến tất cả học sinh thành… thần đồng.

Cụ thể nội dung chương trình, sách giáo khoa chưa được xây dựng một cách chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, không có “tổng chủ biên” chương trình, sách giáo khoa các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Đã vậy phương pháp học và thi chưa thay đổi nên dẫn đến sách giáo khoa còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn..”. Câu trả lời còn có thể nào khác? Bởi chỉ có chương trình quá tải mới khiến không chỉ học sinh mà cả giáo viên, phụ huynh “quay cuồng trong lượng lớn kiến thức để theo kịp “guồng quay” của nền giáo dục và tham vọng của những người xây dựng chương trình.

Mà quay cuồng thật khi bậc phụ huynh nào có con học lớp 3 hoặc lớp 4 hiện nay sẽ nhận ra ngay chỉ trong vòng thời gian ngắn, học sinh phải học liên tiếp các kiến thức mới trong khi kiến thức cũ còn chưa nhuyễn, chưa ngấm vào đầu, lại còn không hề đơn giản. Nào là tính biểu thức với đủ các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Nào là những bài toán có lời văn phức tạp mà phải tư duy của lứa tuổi lớn hơn nữa mới có thể lập luận, phân tích được. Nào là chia cho số có hai chữ số, ba chữ số rồi phân số…

Chưa kể những đề làm bài tập làm văn “hóc búa” như: tả lễ hội đua thuyền hoặc cảnh đẹp Phan Thiết chỉ qua hình ảnh được in trong sách; tả nhân vật, viết đơn, tả con vật… trong khi câu cú, ngữ pháp còn chưa “vỡ”, Chưa rõ khái niệm thế nào là bài văn… Có một điểm vô cùng vô lý nữa là có nhiều kiến thức giảm tải bằng cách chuyển từ… lớp trên xuống lớp dưới. Như bài học về phân số là một ví dụ, để giảm tải cho lớp 5 thì chuyển xuống lớp 4! Với cách giảm tải như vậy có khác nào “đánh đố” học sinh, nhất là những học sinh phải “hứng” chương trình ấy. Ở cả bậc THCS nữa, mới học lớp 7 nhưng phải học thơ Đường, chữ Hán với những bài thơ mang tính triết lý sâu sắc, đòi hỏi phải người từng trải, dày kinh nghiệm sống mới có thể hiểu được v.v…

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu đổi mới sách giáo khoa theo chiều hướng giảm tính hàn lâm, đưa những gì gần gũi với cuộc sống để giảng dạy cho các em; Cách thi và đánh giá cũng thay đổi, như môn văn không còn học thuộc lòng mà thay vào đó là thi những vấn đề gần với suy nghĩ, tâm tư, cuộc sống của học sinh. Việc thi ĐH sẽ không khuyến khích chuyện học thuộc, phải nhớ chi tiết sự kiện… Sách giáo khoa có thể lưu hành nhiều bộ khác nhau nhưng cùng một chương trình v.v… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: “Việc đổi mới sách giáo khoa phải đảm bảo yêu cầu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương cũng như các cấp, bậc học. Cho nên không được nóng vội, đồng thời bảo đảm tính kế thừa và tiếp thu những kinh nghiệm của các nền giáo dục phát triển…”.

Thực ra vấn đề trên đây đã trở thành chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” rồi do đã được báo chí đề cập nhiều. Nhưng không biết có phải vì “sợ nóng vội” như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói không mà đến bây giờ các biện pháp giải quyết vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện một cách lẻ tẻ và chậm chạp để rồi học sinh khổ vẫn hoàn khổ. Và không chỉ học sinh mà toàn xã hội bức xúc về vấn đề đó.

Phải chăng không phải là do ngành giáo dục  chưa tìm được một “tổng chủ biên” chương trình như đã nhận định mà chính là chưa tìm được một người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về các giải pháp của mình? Thậm chí đến giờ, Bộ GD&ĐT cũng chưa tìm được vị “nhạc trưởng” này. Do đó, theo tình hình ấy, dự đoán học sinh thì còn khổ nữa và khổ đến bao giờ vẫn chưa có câu trả lời. Còn đất nước có phát triển hay không cũng đang phụ thuộc vào câu trả lời của Bộ Giáo dục…

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông:

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy liên quan đến giáo dục phổ thông, trong đó có sách giáo khoa; đổi mới công tác quản lý trong bậc phổ thông; tăng cường công tác kiểm tra, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên… Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai giám sát việc thực hiện chính sách giáo dục phổ thông trên toàn quốc.


Xuân Bách

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.