Khóc và cười cùng gỗ sưa

08:29 | 09/08/2012

7,021 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có những lúc tưởng đã lắng xuống, nhưng “cơn bão” gỗ sưa vẫn cứ âm ỉ rồi thi thoảng lại ào lên bởi những vụ cưa trộm, vận chuyển trái phép loại gỗ “bạc tỉ” này. Không chỉ có vậy, hậu quả của “cơn bão” ấy còn là hàng nghìn hécta đất vườn ươm giống cây sưa chỉ có giá trị lớn sau 15-20 năm nữa và hàng trăm mét khối gỗ sưa là tang vật bị thu hồi nằm mục nát trong sự xót xa của bao người…

Gỗ sưa cũng chịu phận mục nát?

Trong những lần đi lấy thông tin về các vụ thu giữ và bắt đối tượng chặt trộm gỗ sưa, tôi đã hỏi nhiều cán bộ điều tra, cán bộ của Phòng Cảnh sát môi trường về “hành trình” tiếp theo của những khúc gỗ sưa được thu giữ. Câu trả lời luôn là cái lắc đầu và giới thiệu sang cơ quan sẽ tiếp nhận bàn giao tang vật: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên - Công viên cây xanh. Nhưng khi đặt vấn đề được trao đổi với lãnh đạo công ty này về các khúc gỗ sưa bị thu hồi thì cánh phóng viên chúng tôi thường bị từ chối. Tuy vậy, có một thực tế được chia sẻ một cách dè dặt, rằng có rất nhiều “tang vật được thu hồi” - là gỗ sưa trị giá bạc tỉ đang chịu cảnh xếp xó và mục nát theo thời gian, thời tiết.

Không chỉ có vậy, nhiều thông tin không rõ thực hư cho rằng, “họ bắt tay nhau thanh lý” những khúc gỗ sưa giá trị ấy để lấy tiền bỏ túi cá nhân. Cũng bởi thế mới có chuyện người dân ở xóm Mới, thôn Bàu Sen, Phúc Trạch, Quảng Bình cứ xôn xao về 366kg gỗ sưa trị giá khoảng 10 tỉ đồng bị lực lượng kiểm lâm tỉnh bắt giữ. Bởi theo họ, số gỗ sưa bị bắt giữ phải nhiều hơn thế, những “người trong cuộc” đã phải bỏ lại 7 tấm gỗ sưa khi chạy trốn kiểm lâm nhưng “các cán bộ lại bảo chỉ có 5 tấm”. Người dân trong xóm này được đầu nậu thuê gùi 10 tấm gỗ sưa từ rừng ra, nhưng chặng đường gian nan hơn họ tưởng. Từ trong rừng họ đã bị một nhóm người chặn cướp mất 3 tấm. Đến khi ra khỏi rừng thì bị kiểm lâm phát hiện nên phải bỏ gỗ chạy thoát thân.

Theo ông Nguyễn Văn Huyên - Phó giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có thể do đêm tối, lại làm gấp nên đội kiểm lâm đã bỏ sót 2 tấm gỗ!? Ấy vậy nhưng người dân trong khu vực chẳng chịu tin điều này, họ đặt nghi vấn về sự “cố tình để lọt 2 tấm gỗ sưa tiền tỉ”. Và lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thì trăn trở trước sự “không phục” của người dân.

Phát hay lụi bởi cây sưa

Ở Vĩnh Phúc, nhiều gia đình ở Tam Đảo, Vĩnh Tường đã bán cả đàn trâu bò, thậm chí là vay lãi cao để lao vào ươm trồng cây sưa giống. Nhưng không phải ai cũng đạt được ước vọng đổi đời nhờ cây sưa. Sau sự kiện 300kg lõi gỗ sưa tịch thu từ cây sưa bị đốn hạ trong sân UBND xã Tuân Chính (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bán đấu giá công khai và được một người mua với giá 1,3 tỉ đồng; rồi cây sưa trong trụ sở thị xã Vĩnh Yên được một đầu nậu gỗ trả giá tới 1,5 tỉ đồng… khắp vùng núi Tam Đảo chìm trong “cơn sốt” gỗ sưa. Dạo cuối năm 2006, nửa đầu năm 2007, hầu hết các hộ gia đình ở huyện Tam Đảo và Vĩnh Tường do không đủ vốn làm vườn ươm sưa nên tính cách đi buôn hạt sưa, họ lùng kiếm rồi đem bán cho các chủ vườn ươm sưa giống.

Nổi tiếng nhất phải kể tới anh Nguyễn Văn Thành ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, người kiếm được cả trăm triệu đồng từ vụ hạt cây sưa cuối năm 2006. Anh kể: “Năm anh em tôi lên Hà Nội, vào các công viên có cây sưa để kiếm hạt. Nhiều thân sưa to, chi chít hạt ở tít trên ngọn, không thể leo lên hái, anh em tôi phải thuê xe nâng chuyên dụng thì mới hái được hạt sưa… Chưa đầy một tuần chúng tôi kiếm được 12kg hạt, về bán lại cho các chủ vườn ươm ngay trong huyện với giá đúng 10 triệu đồng/kg hạt sưa”.

Người Tam Đảo còn lặn lội tới các khu vực vùng núi cao như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… để kiếm tìm hạt sưa. Thông thường mỗi kg hạt sưa đỏ sau khi bóc tách được bán với giá 12 triệu đồng. Điển hình là vợ chồng ông Trần Văn Thắng ở xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường vốn là công nhân về hưu, chỉ sau 4 tuần lăn lộn ở vùng núi rừng Tây Bắc, trừ chi phí ăn ở, tiền xăng xe, cũng kiếm được hơn 200 triệu đồng từ hạt sưa.

Phong trào trồng cây sưa cứ lan rộng dần ở Vĩnh Phúc. Không chỉ trồng sưa trong vườn nhà, nhiều hộ đem sưa lên núi lên đồi trồng. Anh Đoàn Văn Trường, chủ một trại cung cấp sưa giống tại xã Hợp Châu (huyện Tam Đảo) từng bán cả một đàn trâu và bò để lấy tiền mua sưa về ươm giống. Và cũng sớm thu hồi được vốn. Còn anh Lăng Văn Bắc, chủ một vườn ươm sưa giống rộng tới 8.000m2 thì từng liều đi vay nặng lãi đến 400 triệu đồng để ươm sưa.

Anh kể, vườn của mình đều ươm cây sưa đỏ, việc làm không xuể nên phải thuê thêm người. Sau hơn 2 tháng, dân từ các tỉnh vùng núi như Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang... nườm nượp kéo về vườn ươm của nhà anh mua cây sưa giống. Số tiền từ việc bán sưa giống không chỉ trang trải được khoản vay lãi, công thợ, mà còn giúp anh nhân số sưa giống lên thành 200 vạn cây rồi xây mới ngôi nhà rộng hơn 200m2. Sau đó anh còn mua được cả ôtô để tiện đi giao dịch.

Tuy nhiên, số người gặp thời không nhiều. Rất nhiều hộ dân khóc dở mếu dở khi nháo nhào chạy theo các “tấm gương làm kinh tế” của vùng. Nhiều nhà cũng bán trâu bò, bán đất, hoặc lấy sổ đỏ vay thế chấp với lãi suất cao để có tiền đầu tư các vườn ươm sưa giống. Nhưng bẽ bàng thay, đến thời điểm sau thì chẳng mấy ai mua sưa giống nữa. Đến khi quá nản lòng với cảnh trắng tay, nhiều hộ bỏ hoang vườn sưa, không được chăm sóc nên sưa giống chết rũ. Dân trong vùng cho biết, nếu kể số hộ mất dưới 100 triệu đồng cho việc ươm sưa thì… không đếm xuể, mất trên 200 triệu đồng thì cũng phải liệt kê đến mấy trang giấy. Trong khi đó, số ít chủ vườn ươm sưa làm ăn có lãi đã chuyển sang tách cây ươm để trồng lấy gỗ. Chẳng ai ngờ, hơn 2 năm ế ẩm, đến năm 2010, sau sự kiện 35 “sưa tặc” ở làng Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội) bị xét xử, “cơn sốt” gỗ sưa lại “nóng” lên. Người dân khắp nơi lại ùa về Tam Đảo, Vĩnh Tường tìm mua sưa giống. Những cây sưa đỏ tách trồng lấy gỗ tại một số vườn ươm trước đây, thân thẳng có đường kính trên 10cm được dân buôn gỗ trả giá từ 2-3 triệu đồng/cây.

Cứ chìm nổi bất thường như vậy, cây sưa khiến nhiều người dân rơi vào cảnh khốn khó và càng khó hơn bởi nhiều người chỉ biết đầu tư theo phong trào, không đủ kiến thức và sự kiên nhẫn trong mỗi quyết định, lựa chọn đầu tư của mình.

“Sưa đỏ - sưa trắng - một trời một vực”

Hà Nội hiện có hàng nghìn cây sưa, trong đó có hơn 600 cây sưa đỏ, số còn lại là sưa trắng (còn gọi là cây thàn mát). Cây sưa đỏ (còn gọi là trắc thối, huê mộc) mới là đối tượng săn lùng của “lâm tặc” vì có giá trị kinh tế cao. Còn cây sưa trắng, giá trị kinh tế không cao. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, không phải ai cũng phân biệt được đâu là sưa đỏ, đâu là sưa trắng.

Thức thời bỏ vốn đầu tư những vườn ươm giống cây sưa, nhưng không ít chủ vườn còn chẳng phân biệt nổi giữa hai loại cây sưa. Buôn bán là thế nhưng khi được hỏi về cách phân biệt sưa đỏ, sưa trắng, ai cũng chỉ ừ ào cho qua chuyện.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Hanh, Phó giám đốc Xí nghiệp Ươm cây, thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Khi cây nhỏ, rất khó phân biệt sưa trắng, sưa đỏ. Tuy nhiên, căn cứ vào màu sắc của thân cây, màu lá cây. Thân cây sưa trắng thường có màu xanh, thân cây sưa đỏ không có màu này. Lá hai loại cây này giống nhau nhưng lá sưa đỏ dày hơn. Khi trưởng thành, dễ dàng phân biệt hai loài cây này hơn vì thân cây sưa đỏ mốc, sù xì, quả chùm. Cây sưa trắng thân xanh, nhẵn, quả đơn”.

Gỗ sưa linh thiêng?

Gỗ sưa là loại gỗ tốt nhưng nó có giá trị đến mức nào thì chưa có nghiên cứu nào khẳng định. Tất cả chỉ là những lời đồn thổi vô căn cứ. Thế nhưng cơn sốt gỗ sưa lại rõ ràng là thật. Chẳng thế mà từ dân thường đến các cơ quan, đơn vị không khỏi đứng ngồi không yên vì gỗ sưa. Nơi thì chia ca để mắc võng canh cây sưa, nơi lại đầu tư kinh phí lắp đặt lồng sắt bảo vệ cây sưa, nơi khác lại ráo riết kiểm tra ngăn chặn phá rừng chặt lấy gỗ sưa…

Trong khi đó, có những người thiết tha mua bằng được gỗ sưa để đóng ban thờ, bởi nghe nói loại gỗ này linh thiêng ghê gớm lắm. Có lẽ đó chỉ là chuyện “một đồn thành trăm”. Trong dân gian, gỗ sưa thường được dùng để tiện làm đồ trang trí như bộ lư hương, bình hoa, đĩa chưng hoa quả trên bàn thờ…

Một thương lái gỗ sưa và trầm hương có thâm niên gần 10 năm trong nghề tại Quảng Bình nói: “Chúng tôi chỉ biết các đầu nậu Trung Quốc gom hàng (gỗ sưa) với giá cao để kiếm lời. Còn thực tế, họ dùng loại gỗ này để làm gì thì tuyệt nhiên chúng tôi không biết. Thực tế loại gỗ này có mùi thơm và rất nặng (nặng hơn gỗ lim). Người ta còn bảo ngoài chức năng trang trí gỗ này còn có công năng làm thuốc chữa bệnh viêm xoang hay… gì gì đó. Nhưng đó chỉ là sự đồn đoán trong giới đầu nậu buôn bán loại gỗ này mà ra thôi. Còn giá trị thực tế thì hầu như chưa ai biết tường tận. Nhưng nói chung chúng tôi nghe đồn nó thiên về hướng tâm linh”.

GS Phùng Tửu Bôi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) cho biết: Cây gỗ sưa là loại gỗ quý, tốt, chỉ đứng sau các loại gỗ nhóm 1 như đinh, lim, sến, táu… Phát triển lõi nhanh là đặc tính nổi trội của cây gỗ sưa, khoảng 20 năm đã cho đường kính lõi từ 15-20cm là có thể sử dụng được. Từ xưa đến nay ở Việt Nam chỉ dùng gỗ sưa làm tủ thờ, bàn ghế, sập, gụ, đồ nội thất… vì tính chất bền, mùi thơm, vân đẹp, màu sắc gỗ đẹp, dùng càng lâu gỗ sẽ chuyển đỏ sang đen bóng. Về mặt giá trị tâm linh thì tùy mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc, còn yếu tố trị bệnh tốt cho sức khỏe thì các nhà khoa học đã nghiên cứu nhưng chưa có kết quả gì chứng minh điều đó.

GS Bôi cho biết, việc đồn thổi giá trị gỗ sưa đã xảy ra nhiều năm trước. Các nhà lâm nghiệp đã thành lập đoàn sang Trung Quốc tìm hiểu thì thấy bên đó họ cũng trồng, rào sắt bảo vệ cây nhưng gỗ chuyển đến đâu, làm gì thì bí mật. Nhiều tin đồn cho rằng Trung Quốc mua về làm đồ nội thất sẽ mang lại may mắn, giàu có, rồi mua cả rễ, lá, đất xung quanh cây sưa để chiết hoạt tính, vi lượng quý trị bá bệnh… “Những thông tin nói bột gỗ sưa đỏ có dược tính đặc biệt, trị được căn bệnh viêm xương chỉ là những lời đồn đoán vô căn cứ. Cho đến nay tôi chưa nghe ai nói, chưa từng thấy có tài liệu hay công trình khoa học nào nói đến điều này cả”.

Trong khi đó, một số “đại gia buôn gỗ” lại cho rằng mua bán gỗ sưa chẳng khác gì trò lừa đảo đồng đen. Người Trung Quốc tung tin về giá trị của gỗ sưa rồi thổi giá và thu mua với giá cao, sau đó lại bí mật chuyển gỗ sang Việt Nam bán cho giới buôn gỗ với giá cao hơn.

TS Trần Huy Thái, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là một trong số rất ít nhà khoa học có công trình nghiên cứu về cây sưa, cho biết: “Chúng tôi cũng có một đề tài nhỏ nghiên cứu về một số đặc điểm sinh học sinh thái và hóa học của cây sưa. Về hoạt tính sinh học thì chúng tôi mới làm ở lá, cũng chưa thấy có một hoạt tính sinh học gì trong việc kháng vi sinh vật, gây độc tế bào hay chống ôxy hóa. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục làm về thân, rễ hoặc quả để xem nó ra làm sao…”.

Thành Huy

(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc