"Khói lửa" phim trường: Nghề nguy hiểm

14:18 | 26/02/2013

1,527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Xung quanh vụ nổ kinh hoàng làm 10 người thiệt mạng, PV Petrotimes đã phỏng vấn nhiều gương mặt trong lĩnh vực điện ảnh để giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về nghề làm “khói lửa”.

Họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải: “Tai nạn của anh Phương ‘khói lửa’ là lần đầu tiên trong ngành điện ảnh”.

Người phụ trách cháy nổ phải đảm bảo độ an toàn trên phim trường trong những cảnh cháy nổ, như việc sử dụng loại thuốc gì, cháy nổ như thế nào. Còn họa sĩ thiết kế sẽ thực hiện những cảnh trí tương quan sao cho sự phối hợp được an toàn nhất. Khu vực nổ chúng tôi sẽ làm những vật liệu nhẹ, không sát thương, khu cháy sẽ làm vật liệu cách nhiệt, cách điện, để bảo đảm an toàn cho diễn viên.

Người làm cảnh cháy nổ của ta chưa phải chuyên nghiệp như ở nước ngoài. Chất liệu cháy nổ cũng lạc hậu so với thế giới. Hiện thế giới người ta thực hiện cảnh cháy nổ bằng khí hơi, không dùng đến vũ khí, súng đạn nên không hề đụng chạm đến cơ thể diễn viên, mà hiệu quả lại cao.

Còn ở ta thì với vật liệu lạc hậu, anh em chỉ bảo đảm kíp nổ gắn trên người diễn viên không gây sát thương. Hiệu quả còn lại nhờ kỹ xảo phụ thêm vào. Phim trường cảnh cháy nổ ở ta hay gặp trục trặc vì dùng vũ khí thật, còn các nước thì dùng đạo cụ chuyên nghiệp dành cho phim ảnh.

Tôi đã tham gia làm rất nhiều cảnh quay dạng cháy nổ. Tôi nhớ trong một bộ phim của nước ngoài thực hiện ở Việt Nam, diễn viên thoa dung dịch chống cháy, chống phỏng khắp người, màn cháy nổ thực hiện nhìn rất đáng sợ nhưng rất an toàn vì họ làm bài bản, có kỹ thuật.

Với phim Việt Nam, cảnh quay cháy lửa đa phần không có diễn viên tham gia, do kỹ thuật của mình chưa cao. Tuy nhiên, 30 năm trong nghề thiết kế, tôi mới chỉ thấy tai nạn của một nhân viên cháy nổ của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu gặp phải khi pha trộn vật liệu nổ, đưa đi Thái Lan điều trị, nay vẫn khỏe mạnh.

Cascadeur Lữ Đắc Long: “Những cảnh quay cháy nổ lớn vẫn phải thuê các đơn vị nước ngoài”.

Để bảo đảm an toàn cho những cảnh cháy nổ trên phim trường, đường dây nối các kíp nổ phải được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cho nổ. Lâu nay chúng ta thường làm theo cách đào lỗ chôn kíp nổ xuống, còn nước ngoài, chẳng hạn như các chuyên gia cháy nổ Hong Kong thì dùng các khung sắt để có thể điều khiển được theo ý mình.

Thường thì trong những cảnh quay dạng này ở những phim lớn, chẳng hạn như Bẫy Rồng trước đây, luôn có hai ekip thực hiện. Nhóm của Việt Nam như anh “Phương cháy nổ” thực hiện những cảnh quay nhỏ, xa, còn những cảnh quan trọng hoặc đặc tả thì phải thuê chuyên gia nước ngoài, cụ thể là Thái Lan. Thuốc nổ có giá 100.000 đến 120.000 đồng/viên, nên những cảnh này chúng ta làm rất tiết kiệm, kỹ lưỡng, ngoài ra hậu kỳ kỹ xảo sẽ chế biến thêm.

Việc quản lý, vận chuyển đạo cụ cháy nổ đều theo quy trình xin phép xuất từ kho ra, vũ khí phải có người quản lý dù chỉ là đạn giả. Làm phim chiến tranh thì phải xin phép cơ quan chức năng trong những cảnh quay cháy nổ. Nhưng làm những phim chiến tranh, chúng ta hay bị sự cố này nọ vì đạo cụ thô sơ, kỹ thuật không nắm vững.

Đạo diễn Phương Điền: “Đồ nghề để thực hiện cảnh quay ‘khói lửa’ của anh Phương đã là hiện đại ở Việt Nam”.

Hiện việc thực hiện những cảnh quay khói lửa trên phim trường nước ta đã hiện đại hơn. Trước thì dùng dây điện nối kíp nổ, nay chỉ cần ngồi từ xa kích nổ bằng vô tuyến điện. Chính anh “Phương cháy nổ” là người chế tạo ra cách làm này, như đã chế loại đạo cụ bắn tạo ra hàng loạt lỗ đạn trên cánh cửa, bức tường phục vụ hiệu quả cảnh quay theo yêu cầu đạo diễn.

Khi làm phó đạo diễn cho phim "Những nẻo đường phù sa", tôi đã từng chứng kiến diễn viên trang bị mảnh vỡ của kíp nổ gắn trong người làm tóe máu, còn tôi đứng bên cạnh máy quay bị mảnh sáp nóng từ khối nổ bắn vào người làm sẹo cho đến giờ. Nhờ những cải tiến của anh em làm cháy nổ, nên các cảnh quay kiểu này giờ an toàn, hiệu quả hơn.

Các đoàn phim thường giao toàn bộ phần vận chuyển, lưu giữ đạo cụ cháy nổ cho người phụ trách. Như anh Phương có xe riêng để chở đạo cụ đến điểm quay theo lịch hẹn, sắp đến cảnh quay mới đem đạo cụ ra lắp ráp. Việc bảo hiểm cho anh em đoàn phim chỉ là mua một lần cho toàn bộ, các đoàn phim truyền hình tư nhân thường ít để ý việc này, còn mua bảo hiểm cho riêng cảnh quay cháy nổ còn hiếm hơn.

Trong đoàn phim của tôi, mới đây có một cảnh quay nhảy cầu, cascadeur đề nghị mua bảo hiểm riêng, tôi đã đề nghị nhà sản xuất. Nói chung tùy ý thức từng người.

Tôi với anh Phương quen biết nhau đã lâu, mới đây anh còn làm cảnh cháy nổ với tôi trong phim "Nữ cảnh sát tập sự" ở Vũng Tàu. Anh còn đóng một vai nhỏ trong phim này. Bộ phim của chúng tôi còn đang làm chưa xong thì nghe nhà anh bị cháy nổ.

 

Nguyễn Hiển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc