Không thể phục dựng hoàn toàn chùa Trăm Gian

08:56 | 31/08/2012

829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chiều 30/8, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo chính thức do Giám đốc Sở - ông Phạm Quang Long chủ trì. Trong cuộc họp báo, rất nhiều vấn đề đã được các cơ quan thông tấn, báo chí đề cập tới, đặc biệt là câu hỏi về khả năng phục dựng ngôi chùa nghìn năm tuổi.

Tham dự cuộc họp báo về việc vi phạm trong tu bổ, tôn tạo nhà Tổ và gác Khánh di tích chùa Trăm Gian có rất nhiều đại diện của các cơ quan truyền thông, lãnh đạo Sở VH -TT&DL Hà Nội; ông Vũ Văn Đông- Phó chủ tịch huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ông Vũ Văn Doãn - Chủ tịch xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) và TS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích.

Các câu hỏi được các phóng viên quan tâm nhiều nhất là: Chùa Trăm Gian bị xâm hại đến đâu? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Và liệu lãnh đạo Xã Tiên Phương có định từ chức hay không?..., đã được các nhà báo đặt ra khiến không khí buổi họp báo nóng ran.

Chờ, cứ chờ

Theo Sở VH-TT&DL, ngày 24/8/2012, sau khi nhận được thông tin phản ánh trên báo chí, Sở đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng về kiểm tra trực tiếp tại di tích chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Đoàn kiểm tra có  Thanh tra Bộ VH-TT&DL; Cục Di sản văn hóa; UBND xã Tiên Phương, sư thầy Thích Đàm Khoa - trụ trì chùa Trăm Gian. Sau khi kiểm tra, Sở VH-TT&DL nhận thấy: Tại di tích chùa Trăm Gian có hai hạng mục bị hạ giải là gác Khánh và nhà Tổ. Hai hạng mục này đã đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ.

Cuộc họp báo diễn ra vào chiều 30/8 thu hút sự chú ý của đông đảo phóng viên

Trước đó, ngày 13/4/2010, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội đã có quyết định số 162/ QĐ- KHĐT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ và giao cho Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch làm chủ đầu tư dự án. Các thủ tục chuẩn bị cho đầu tư đã được Sở hoàn thành, gồm cả hồ sơ thiết kế thi công, tổng dự toán đã được Cục Di sản văn hoá thoả thuận tại văn bản số 425/DSVH-DT ngày 12/7/2010 và được Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch phê duyệt tại quyết định số 1190/QĐ- VHTTDL ngày 27/10/2010.

Cuối năm 2011, liên sở gồm: Sở VH-TT&DL; KH&ĐT; Tài chính; UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản đồng trình UBND Thành phố Hà Nội cho phép hạ giải ngay các hạng mục trên và đề nghị UBND Thành phố đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư.

Và đến ngày 29/6/2012, UBND thành phố Hà Nội mới ban hành quyết định số 2960/QĐ- UBND về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch vốn thực hiện các chương trình Mục tiêu Quốc gia và một số mục tiêu thành phố Hà Nội năm 2012, nhưng chưa giao vốn để thực hiện dự án.

Ông Phạm Quang Long cũng khẳng định, trong các hạng mục của Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian được phê duyệt năm 2010 có tổng kinh phí 10,2 tỉ đồng; sau đó- năm 2012 được Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán lại, cộng trượt giá lên thành 10,4 tỉ đồng.

Thế nhưng, vì… thực hiện Nghị quyết 11, và sau đó là… rất nhiều lý do mà dự án đã không được cấp kinh phí, và Sở VH-TT&DL đã… chấp nhận chờ, chờ cho tới tận khi chùa Trăm Gian bị phá huỷ “một phần” - như lời của Giám đốc Sở.

Quan không làm thì dân tự làm, và tất nhiên, họ làm sai. Nhà chùa đã tự ý hạ giải và thi công hai hạng mục nhà Tổ, gác Khánh trong sự thờ ơ của các cấp lãnh đạo, và đáng tiếc là họ đã vi phạm Luật Di sản văn hóa cùng các quy định hiện hành.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc bao giờ sẽ có kết luận về vụ việc và ai sẽ phải chịu trách nhiệm (?), lãnh đạo Sở  VH-TT&DL cho hay không thể vội vàng và phải chờ kết luận của Thanh tra mới xác định được trách nhiệm của từng người đến đâu. Trước mắt đã đình chỉ chức vụ Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian đối với ông Tống Bá Lương- Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phương.

Như vậy, mặc dù tổ chức thanh tra, thị sát rất hoành tráng, nhưng việc quy trách nhiệm, sai phạm trong quản lý di tích lịch sử, văn hóa chúa Trăm Gian vẫn chưa được làm rõ.

Không thể phục dựng nguyên trạng

Ông Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện bảo tồn di tích không dám chắc chắn phục hồi 100% di tích chùa Trăm Gian

Đó là khẳng định của ông Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện bảo tồn di tích về khả năng phục dựng ngôi chùa cổ Trăm Gian của huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Là đơn vị được giao khảo sát để phục dựng lại nhà Tổ và gác Khánh, bệ đá của chùa Trăm Gian, theo ông Vinh, tuy vẫn còn giữ được cấu kiện chính nhưng việc dỡ công trình ra mà không đánh số khiến cho việc phục dựng vô cùng khó khăn và “rõ ràng không thể phục hồi 100% như những gì đã phá” bởi 2 hạng mục chính là gác Khánh và nhà Tổ cùng đá bậc cấp đã bị xâm hại rất trầm trọng.”

Người dân đang bức xúc, xót xa trước cảnh “bức tử” di tích văn hóa, lịch sử thì lý giải của lãnh đạo Sở VH-TT&DL lại quá thờ ơ, vô cảm. Theo lý giải của lãnh đạo Sở, thì việc phá hoại ở chùa Trăm Gian chỉ là “một phần” chứ không phải là toàn bộ chùa, chỉ là phá hoại cảnh quan xung quanh chứ chưa phải là chùa. Vì vậy không phải đã… mất chùa. Vị lãnh đạo này có dùng hình ảnh ví von “Nửa cái bánh mì là cái bánh mì, nhưng nửa sự thật không thể là sự thật”- chính vì vậy theo vị lãnh đạo này, phải nói cho đúng là chùa Trăm Gian chưa bị phá hoại hoàn toàn. 

Bên cạnh đó, cũng chính những người chủ trì buổi họp báo 30/8 cho rằng, thực ra các công trình này của chùa Trăm Gian cũng không phải nguyên gốc, “gỗ dù là gỗ lim cũng chỉ tồn tại được vài trăm năm”, rằng trong quá trình tồn tại của mình, chùa Trăm Gian đã rất nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, đã mang đủ cả dấu ấn của kiến trúc thời Lê, thời Trần…

Và nếu cứ theo cách nói của các lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội thì những di tích đã qua trùng tu, không còn là nguyên gốc nữa thì người ta thoải mái đập đi làm mới bởi nó đâu còn nguyên gốc, đâu còn tính lịch sử. Thế nên, việc một số ngôi chùa cổ tại Hà Nội, và gần nhất là ngôi chùa Trăm Gian này, nếu có bị “khai tử” để “khai sinh” thì chúng ta có lẽ cũng đành nhắm mắt bởi… lẽ thường!

Vương Tâm