Làm gì để hạn chế thực phẩm "bẩn"?

06:15 | 04/02/2013

1,644 lượt xem
|
(Petrotimes) - Chưa bao giờ chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như bây giờ. Bởi sờ đâu cũng thấy bẩn, nhất là những ngày giáp tết này do nhu cầu của người tiêu dùng lớn.

>> Thực phẩm 'bẩn' tràn lan trước Tết

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện trên cả nước chỉ có khoảng 22.000ha rau an toàn được công nhận trên tổng số 100.000ha rau trên toàn quốc, chiếm chưa đến 25% tỷ lệ rau an toàn. Như vậy là quá ít so với con số tuyệt đối cần phải có để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thịt, thủy sản cũng được đánh giá là những vấn đề bức xúc nhất trong an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khi chất cấm phát hiện với dư lượng cao, nhiễm khuẩn Ecoli, Coliforms… Có thể nói, chưa bao giờ chất lượng ATVSTP lại đáng báo động như bây giờ. Bởi sờ đâu cũng thấy bẩn, nhất là những ngày giáp tết này do nhu cầu của người tiêu dùng lớn.

Cái gì cũng… bẩn

Trong khi nỗi sợ hãi đang bao trùm lên tâm lý của người tiêu dùng trước vấn nạn ATVSTP thì như bị “giáng thêm một đòn” nữa khi họ phải chứng kiến: các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện những vụ nhập lậu gà thải loại, nội tạng đang phân hủy, thịt lợn thối… từ Trung Quốc vào Việt Nam... Tất cả những thực phẩm này đều được “tẩy” sạch trước khi tung ra thị trường bán cho người tiêu dùng thông qua các nhà hàng, quán ăn...

Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, phải thừa nhận đáng lo ngại vì trong tổng số 45 mẫu cá bán tại các chợ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có gần một nửa chứa hàm lượng histamine vượt ngưỡng cho phép, nhất là ở cá ngừ và thu. Trong khi đây là chất theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Nông lâm thủy sản chất này có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong nếu nồng độ cao và điều nguy hại nhất chất ấy rất bền nhiệt, nấu chín ở nhiệt độ cao vẫn tồn dư nên vô cùng độc hại cho người tiêu dùng. Còn đối với urê, thì 90% mẫu cá được kiểm tra đều nhiễm chất này.

Đối với thịt gia cầm, gia súc thì trong số 735 mẫu được Cục Thú y  kiểm tra, có tới 61% không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu là nhiễm vi sinh vật gây hại… Thực phẩm đã qua chế biến cũng như vậy khi 50% số mẫu thịt bò khô nhiễm Ecoli, chất tạo màu sudan, chất salmonella, tác nhân gây nên các bệnh về đường ruột... Măng khô “ngậm” hóa chất, lưu huỳnh với chỉ số vượt ngưỡng cho phép rất cao…

Thịt "bẩn" tràn lan những ngày giáp tết

Không chỉ thịt gia súc, gia cầm mà rau xanh cũng được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT khuyến cáo: tỷ lệ rau an toàn quá ít, nhất là đối với nhóm rau ăn lá. Trong đó dẫn đầu là rau ngót, rau cải, rau muống… với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép cao, nhiễm kim loại nặng… Điều đáng lưu ý trong số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phát hiện này, 25 hoạt chất được sử dụng với tần suất cao như: cypermethrin, acephate, permethrin… Mà những hoạt chất này đều thuộc nhóm độc hại, thậm chí có loại chỉ được phép sử dụng cho cây cà phê, cao su mà nghiêm cấm sử dụng trên rau. Như Cypermethrin là một ví dụ, thuộc loại độc nhóm II, chứa 25% lượng thuốc trừ sâu. Mặc dù không gây biến đổi gien, ung thư nhưng lại tác động mạnh tới hệ thần kinh và miễn dịch của con người.

Tương tự, hoa quả, đặc biệt loại nhập khẩu từ Trung Quốc, chất tồn dư bảo vệ thực vật rất cao. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, sau những đợt kiểm tra, nhìn chung cho thấy 50% mẫu rau quả nhiễm vi sinh vật, 25% có độc tố tự nhiên, 25% nhiễm các hóa chất (chủ yếu trong quá trình bảo quản).

Vậy tại sao thực phẩm bẩn có thể tràn lan và tung hoành như vậy trên thị trường?

Buông lỏng quản lý?

Hiện nay, ATVSTP đang được quản lý theo hình thức phân chia thành 3 giai đoạn: từ đồng ruộng, chuồng trại đến bày bán ngoài chợ và đến khi gây bệnh. Bộ NN&PTNT sẽ quản lý giai đoạn xuyên suốt từ sản xuất đến nơi tiêu thụ đối với thực phẩm tươi sống sản xuất trong nước và thực phẩm tươi sống nhập khẩu. Các thực phẩm khác thì chỉ quản lý ở khâu sản xuất thực phẩm ban đầu và sơ chế thực phẩm. Bộ Y tế quản lý thực phẩm nhập khẩu, trừ thực phẩm tươi sống; cơ sở chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm. Còn Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hai bộ trên để thanh tra, kiểm tra thực phẩm lưu thông trên thị trường, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng…

Để đơn giản hơn có thể hiểu: Bộ NN&PTNT quản lý thực phẩm từ ngoài cổng vào đến chợ. Bộ Y tế quản lý thực phẩm ở mâm cơm… Khâu ở giữa là của Bộ Công Thương. Với “cơ chế” quản lý như vậy có thể nhận thấy trách nhiệm ở đây của mỗi bộ, ngành dễ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, mặc dù, đã có sự phân chia rõ ràng, cụ thể. Nhưng sự rõ ràng, cụ thể ấy chỉ tương đối vì thực ra giữa các khâu vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau, thậm chí khâu này là quá trình của khâu kia. Chính vì vậy, vẫn có sự chồng chéo trong quản lý của các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: cùng một sản phẩm nhưng cả hai bộ kiểm tra đã là một chồng chéo, lại còn bất cập ở chỗ: nếu sản xuất sau đó mang ra thị trường tiêu thụ, lúc ấy mới kiểm tra thì không hiệu quả do chỉ kiểm tra được một phần mà không lấy được cả lô để kiểm tra. Cho nên trong trường hợp sản phẩm nhiễm bẩn không được phép lưu hành ngoài thị trường thì nhà chức trách chỉ giữ được mẫu mà không giữ được toàn bộ sản phẩm.

Do đó, vấn đề tiền kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông tại thị trường mới là quan trọng. Còn quản lý như Bộ Y tế quản lý hiện nay chỉ là  “phần ngọn”, không bảo đảm “triệt” tận gốc. Đã thế, sự phối hợp giữa các ngành không chặt chẽ, “việc ai người nấy làm” khiến cho công tác quản lý ATVSTP trở nên bị “buông lơi thả lỏng”. Ngay Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban cũng thừa nhận tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 địa phương về công tác này rằng: “Sự phối hợp của các bộ, ngành về công tác bảo đảm ATVSTP thực sự chưa chặt chẽ”.

Bên cạnh sự phối hợp yếu kém giữa các ngành thì Luật ATVSTP, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2011, vẫn còn chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện… và là lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATVSTP rất mỏng, chỉ 300 người trong khi địa bàn quản lý rộng toàn quốc!?

Nói chung, trong quản lý ATVSTP ở nước ta hiện nay khâu nào cũng  thấy khó khăn, bất cập. Ngay cả chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm cũng chưa nghiêm minh, không đủ sức răn đe, đặc biệt là tại các tuyến cơ sở như phường, xã. Bởi phần lớn họ chỉ nhắc nhở, thậm chí “lờ” đi cho qua một cách dễ dàng vì “người cùng làng, xã…” trong khi ý thức của người dân nói chung chưa cao. Nhiều người lại còn đề cao lợi nhuận trên cả sức khỏe của cộng đồng.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo bên cạnh phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong công tác quản lý, cần tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường chính thức và không chính thức. Năm 2013, từ mô hình xử lý gà nhập lậu mà ít nhiều đã đạt hiệu quả trong thời gian vừa rồi, phải mở rộng sang các sản phẩm khác và tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến việc truy tận gốc thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc; thực hiện tốt 3 không trong thực phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng đến thực phẩm không có phụ gia, xây dựng mô hình chợ an toàn.

Hướng đến Tết Nguyên Đán sắp tới và cả năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn phát động Tháng ATVSTP với chủ đề: “Hướng tới bữa ăn an toàn” bằng cách đẩy mạnh sản xuất thực phẩm theo chuỗi an toàn và dán tem sản phẩm an toàn trước mắt đối với rau, thịt… Đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo ATVSTP từ Trung ương đến cấp huyện; Thành lập 8 đoàn thanh tra liên ngành về thực phẩm tại 24 tỉnh, thành phố trên toàn quốc để kiểm tra từ trung tuần tháng 1 đến trung tuần tháng 2…

Xuân Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc