“Lô cốt” Metro khiến tiểu thương điêu đứng

07:02 | 19/09/2014

799 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hơn một tháng triển khai thi công nhà ga Metro tại TP HCM, nhiều tiểu thương đã không thể trụ nổi vì buôn bán ế ẩm do ảnh hưởng bởi rào chắn thi công công trình.

Từ ngày 21-7, khi “lô cốt” được dựng lên ở tuyến đường Nguyễn Huệ giao với Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thiệp và góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ để đảm bảo an toàn cho việc thi công nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố - nhà ga đầu tiên của tuyến tàu điện Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) thì hàng loạt cửa hàng ở đây rơi vào tình trạng “đóng băng”.

Chị Vân, chủ cửa hàng Lập, bán máy ảnh, phụ kiện máy ảnh, mắt kính... ở số 86 Nguyễn Huệ than vãn: “Lượng khách mất đến 80, 90%. Từ sáng đến chiều mới bán được có 40.000 đồng hỏi làm sao sống nổi khi mà cửa hàng có đến 6 nhân viên, chỉ riêng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng đã ngót 100 triệu đồng, chưa tính các chi phí khác. Hiện chúng tôi đang xin chủ nhà giảm tiền mặt bằng nhưng chưa được vì hợp đồng đã ký đến hết năm”.

“Lô cốt” Metro khiến tiểu thương điêu đứng

Các tiểu thương treo bảng thông báo để khách biết cửa hàng vẫn hoạt động

Cửa hàng này lâu nay là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Vân. Nếu các cửa hàng khác buôn bán ế ẩm còn cho nhân viên nghỉ việc để giảm bớt chi phí thì cửa hàng của chị Vân chủ yếu là con cháu trong nhà làm nên không biết giải quyết thế nào. Nhìn những rào chắn chạy dài trước cửa hiệu, chị lo lắng: Khách nước ngoài nhìn thấy rào chắn như vậy chắc chắn không dám vào vì sợ nguy hiểm, còn khách trong nước cũng hạn chế bởi đường cấm xe du lịch và hạn chế các loại xe khác lưu thông. Xe có vào cũng không thể quay đầu ra được vì phía trước đã bị chắn thành ngõ cụt. Kinh doanh ở đây đã trên 20 năm, giờ phải tính chuyện chuyển đi nơi khác thật sự rất khó khăn với gia đình chị.

Còn anh Trần Công Vy, chủ cửa hàng tranh Việt Hưng bức xúc: “Bán hàng mà đường không có người đi thì bán cho ai. Ế quá nên tôi phải cho nhân viên nghỉ hết chỉ còn một mình tôi làm, nhưng cả tháng nay chỉ dọn hàng ra rồi dọn hàng vào không bán buôn được gì. Tôi cố gắng duy trì thêm một, hai tháng nữa xem tình hình có cải thiện không. Phòng thuế quận 1 cũng đã xem xét và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50%, chủ nhà cũng giảm tiền mặt bằng nhưng với tình hình kinh doanh như vậy buộc phải nghỉ vì không có doanh thu”.

Tương tự như phòng tranh của anh Vy, phòng tranh cạnh bên của chị Lâm cũng không một bóng khách, cô nhân viên rảnh rỗi lau dọn, sắp xếp lại tranh. Ngồi phía trong, chị Lâm mặt mày ủ dột: “Tiểu thương phản ảnh cũng nhiều, báo chí cũng đã nói nhưng việc kinh doanh của chúng tôi đột nhiên bị ảnh hưởng nặng nề như vậy thì chỉ có chúng tôi chịu thiệt. Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền thuế vài trăm ngàn đồng/tháng, không thấm vào đâu. Biết rằng, có ăn có chịu, trước đây buôn bán được thì chúng tôi cũng lấy những khoản tích góp để cố gắng cầm cự thời gian lỗ này. Nhưng cứ kéo dài như vậy thật sự đẩy tiểu thương vào chỗ chết!”.

“Lô cốt” Metro khiến tiểu thương điêu đứng

Các cửa hàng vắng khách từ khi rào chắn công trường Metro dựng lên

Tại đây, các công ty du lịch đã nhanh chóng “bỏ chạy”. Những văn phòng giới thiệu tour, xúc tiến du lịch của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) trước kia đặt san sát nhau, lúc nào cũng nườm nượp khách vào ra giờ không một bóng người. Theo những người ở đây thì họ đã dọn đi từ những ngày đầu khi rào chắn công trình được dựng lên.

Cách đó vài cửa tiệm, nhân viên văn phòng du lịch Asiana Link cũng đang thu dọn đồ đạc để dời văn phòng qua đường Đồng Khởi. Anh Tiến, nhân viên ở đây phân trần: Các xe buýt chở khách du lịch hoàn toàn không thể vào được, xe taxi cũng không thể đưa khách đến, không có khách du lịch thì làm sao làm hoạt động xúc tiến, giới thiệu tour buộc chúng tôi phải dời đi vì nếu duy trì hoạt động càng lâu sẽ càng lỗ nặng.

Góc đường Nguyễn Huệ sầm uất ngày nào, là nơi giao thương thuận lợi bởi thu hút đông đảo du khách tham quan, mua sắm giờ trở nên đìu hiu. Các cửa hàng lâu nay vốn hút khách là thế thì giờ đây thi thoảng mới có một vài khách quen tìm đến. Những tiểu thương ở khu vực này ví rào chắn công trường như một chiếc hộp nhốt hàng chục cửa hàng kinh doanh vào đây chịu cảnh “cá chậu chim lồng” khiến họ không buôn bán gì được. Họ đã cùng nhau treo bảng thông báo “Các hộ kinh doanh vẫn giao dịch bình thường, xin mời quý khách đi xe vào” ngay đầu đoạn rào chắn, nhưng tình hình không mấy khả quan.

Theo các tiểu thương, ở đây mặt bằng kinh doanh đắt đỏ vào hàng bậc nhất ở Sài Gòn nên buộc các cửa hàng phải làm ăn hiệu quả mới trả nổi. Phía nhà thầu thi công thông báo, các rào chắn công trình sẽ được gỡ bỏ vào tháng 4-2015, nhưng với chi phí mỗi tháng quá lớn không biết có còn ai trụ nổi đến ngày đó. Một số tiểu thương mong muốn được chính quyền thành phố hỗ trợ thêm về thuế và tiền thuê mặt bằng để họ cố gắng cầm cự, bám trụ; một số khác đang lên kế hoạch để chuyển địa điểm kinh doanh, hoặc nghỉ ở nhà chờ cho xong công trình. Tất cả đều buồn, lo lắng cho tiền đồ tương lai vì việc kinh doanh đang ổn định, thuận lợi đột nhiên lại bị ảnh hưởng nặng nề.

Ít nghiêm trọng hơn ở tuyến đường Nguyễn Huệ vì không bị rào chắn bít đường nhưng tình hình kinh doanh của các cửa hàng ở đường Lê Lợi từ khi rào chắn dựng lên cũng giảm sút nghiêm trọng. Chị Lan, nhân viên cửa bán đồ lưu niệm gần Thương xá Tax rầu rĩ: Lượng khách đến cửa hàng giảm 40-50%. Dù rào chắn có chừa đường lưu thông nhưng các xe lớn không vào được, mất đi một lượng khách theo các tour du lịch ghé đến. Và việc ngăn đường cũng khiến xe cộ qua lại khó khăn, đi qua đoạn đường này ai cũng muốn đi thật nhanh để tránh ùn tắt thì còn mong buôn bán được gì. Không chỉ vậy, hàng loạt các tuyến đường lân cận cũng hạn chế xe qua lại, cấm ôtô… để phục vụ thi công, khiến lượng khách hàng tham quan, mua sắm ở khu vực này bị giảm sút.

Theo ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào ngày 30-4-2015. Đây là công trình ngầm, phức tạp ở độ sâu 40m dưới lòng đất. Để đảm bảo an toàn cho người dân và xe cộ lưu thông buộc phải làm rào chắn. Ban Quản lý cũng cố gắng chừa phần đường rộng nhất có thể nhằm tạo thuận lợi cho giao thông và việc buôn bán của người dân, nhưng ở một số đoạn bắt buộc phải chắn hết theo yêu cầu thi công bởi đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi cũng ray rứt về tình trạng khó khăn của các hộ kinh doanh, đang tìm giải pháp tháo gỡ nhưng vì bộ mặt của thành phố nên rất mong các hộ kinh doanh thông cảm”, ông Huỳnh nói.

Tuy nhiên, không thể chỉ nói “thông cảm” và những ý nghĩa dân sinh to lớn của công trình tàu điện Metro mà để các tiểu thương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Bởi việc buôn bán, kinh doanh gắn liền với đời sống, cơm áo của người dân. Rất mong chính quyền, Ban Quản lý dự án sẽ có những giải pháp tích cực hơn, kịp thời hỗ trợ tiểu thương trong giai đoạn khó khăn này nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho họ, giữ vững lòng tin của người dân đối với chính sách an sinh, xã hội của thành phố.

Mai Phương