Lối thoát nào cho y tế tư nhân?!

06:48 | 23/04/2014

987 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi nhiều bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành tại TP HCM đang phải đối mặt với tình trạng quá tải trầm trọng thì hầu hết các bệnh viện tư và bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn lại hoạt động dưới công suất. Tình trạng này gây nên một sự lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng y tế thành phố.

Năng lượng Mới số 315

Tuyến trung ương quá tải

Tình trạng quá tải trong nhiều năm nay tại các bệnh viện tuyến cuối luôn là nỗi đau đầu cho ngành y tế, đặc biệt là ở các chuyên khoa: tim mạch, ung bướu, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình. Tại TP HCM, quá tải trầm trọng nhất có thể kể đến các bệnh viện như: Chợ Rẫy, Ung Bướu, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chấn thương Chỉnh hình... Tại các bệnh viện này, công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt mức 100%. Tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường bệnh xảy ra thường xuyên. Hành lang các phòng bệnh cũng được tận dụng để kê các băng-ca làm chỗ nằm cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Do là bệnh viện tuyến Trung ương, tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân khu vực phía nam và Tây Nguyên nên tình trạng quá tải trầm trọng đã xảy ra từ nhiều năm nay. Hiện nay, bệnh viện phải hoạt động với công suất trung bình 135%, có khoa công suất hoạt động lên đến 171%. Mặc dù bệnh viện đã tích cực tìm biện pháp giảm tải nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết được.

Tình trạng quá tải ở khu vực nội trú Bệnh viện Ung Bướu TP HCM

Còn Bệnh viện Ung Bướu TP HCM từ nhiều năm nay cũng luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng với hơn 1.500 bệnh nhân nội trú và hơn 11.000 bệnh nhân ngoại trú. Bệnh viện thường xuyên xảy ra tình trạng 3-4 bệnh nhân chung 1 giường bệnh. Phòng bệnh quá chật chội đến độ bệnh nhân phải tận dụng cả gầm giường làm chỗ nằm. Quá tải nhất có thể kể đến Khoa Nội của bệnh viện với mức độ quá tải lên đến hơn 300%, 560 bệnh nhân/160 giường nội trú. Bệnh viện có chỉ tiêu là 1.300 giường bệnh theo kế hoạch nhưng số giường thực kê chỉ khoảng 630 giường. Vì thế, mặc dù bệnh viện đã triển khai các phòng khám vệ tinh nhưng tình trạng quá tải vẫn chưa thuyên giảm.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết: Trong 10 năm qua, diện tích sử dụng, số giường điều trị tại bệnh viện không đổi, chưa kể sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng nhưng số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị đến nay đã tăng gấp 3 lần, các chỉ số hoạt động điều trị tăng trung bình 10%/năm, khiến tình trạng quá tải không những không giảm mà ngày càng trầm trọng hơn dù bệnh viện đã đưa ra rất nhiều biện pháp giảm tải.

Tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra tại một số bệnh viện tuyến trên trong nhiều năm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều trị, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân của các y, bác sĩ; làm cho tình hình an ninh trật tự trong bệnh viện cũng không được đảm bảo. Bên cạnh đó, quá tải bệnh viện còn gây ra tình trạng xuống cấp nhanh về dụng cụ, trang thiết bị, phòng bệnh, vệ sinh môi trường và tạo áp lực căng thẳng cho cán bộ y tế trong công tác khám và điều trị. Đặc biệt, khổ nhất là bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện này luôn phải chầu chực, chen lấn, chờ đợi. Bệnh nhân điều trị nội trú thì phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang rất khổ sở. Ngành Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm tải nhưng tình hình không mấy khả quan, vì các bệnh viện tuyến trên số lượng bệnh nhân đến khám năm sau đều cao hơn năm trước.

Y tế tư nhân “lao đao”

Dạo quanh một số bệnh viện tư trên địa bàn TP HCM, phóng viên ghi nhận tình hình khá khó khăn của các bệnh viện này.

Trường hợp bi đát nhất có thể kể đến là Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, đường Độc Lập, quận Tân Phú. Đầu tháng 4, khi chúng tôi đến thì thấy cổng chính của bệnh viện đã khóa, chỉ còn mở một lối nhỏ bên hông. Chúng tôi chạy xe vào trong, cả khuôn viên bệnh viện vắng lặng. Nhìn quanh chỉ có một người mặc đồng phục bảo vệ trực tại đây. Anh này cho biết bệnh viện đã ngưng hoạt động hơn nửa năm nay.

Hỏi thăm người dân ở khu vực lân cận chúng tôi được biết, vài năm trở lại đây bệnh viện này khá “ế ẩm”. Chủ đầu tư lâm vào cảnh nợ nần, không có tiền trả lương cho nhân viên và các y, bác sĩ. Các máy móc thiết bị của bệnh viện cũng bị mang đi cầm bán để trả nợ. Đến khi các y, bác sĩ đồng loạt nghỉ việc, trang thiết bị cũng không còn, bệnh viện buộc phải ngưng hoạt động.

Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ được thành lập từ năm 2005 với quy mô hơn 500 giường bệnh, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, chuyên thực hiện chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung bướu. Bệnh viện còn triển khai cả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị rất thưa thớt.

Đến Bệnh viện Vũ Anh, đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, một mô hình bệnh viện tư nhân theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 200 giường bệnh trên diện tích 10.000m2. Cả một bệnh viện lớn, trang bị hiện đại theo tiêu chuẩn 5 sao giờ như bỏ không, chỉ có vài bệnh nhân đến khám. Theo người dân ở khu vực này thì từ khi người đứng đầu của bệnh viện rơi vào vòng lao lý thì bệnh viện chỉ hoạt động cầm chừng.

Không riêng gì các bệnh viện trên, hầu hết các bệnh viện tư trên địa bàn TP HCM đều hoạt động dưới công suất. Một số bệnh viện tư khá có tiếng như: Hoàn Mỹ, An Sinh, Triều An cũng có công suất sử dụng giường bệnh dưới 100%. Bệnh viện Hoàn Mỹ có 228 giường bệnh, công suất sử dụng chỉ đạt hơn 70%. Bệnh viện Triều An, 355 giường bệnh, công suất sử dụng 60%. Bệnh viện An Sinh, 150 giường bệnh, công suất sử dụng cũng mới đạt 90%. Chưa kể, các bệnh viện tư không mấy tiếng tăm thì vắng cả lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú: Bệnh viện Gaya Việt Hàn công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 39%, Bệnh viện Ngọc Linh (13%), Bệnh viện Đức Khang (5%)...

Theo Sở Y tế TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 39 bệnh viện tư nhân, với 3.093 giường bệnh. Hầu hết các bệnh viện đều được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, thiết bị y tế hiện đại được trang bị khá đầy đủ nhằm phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, từ khi mở cửa đến nay, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tư nhân lại không cao.

Phối hợp các bệnh viện để giảm tải

Không chỉ các bệnh viện tư, các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện trực thuộc một số bộ, ngành tại TP HCM cũng hoạt động dưới công suất. Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện 1, đường Thành Thái, quận 10, phóng viên ghi nhận khu vực phòng khám lượng bệnh nhân đến khám tương đối đông nhưng dãy nhà 4 tầng khang trang dành cho bệnh nhân nội trú thì im lìm. Nhiều phòng bệnh cửa đóng then cài, các phòng khác chỉ “lèo tèo” 1 đến 2 bệnh nhân/phòng bệnh. Chưa kể, một số kỹ thuật như chụp CT, tán sỏi thì hầu như cả ngày không thấy có bệnh nhân nào đến thực hiện.

Các bệnh viện tuyến quận, huyện, phường xã trên địa bàn TP HCM cũng không khá gì hơn. Đặc biệt là bệnh nhân điều trị nội trú rất ít. Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện này trung bình mới chỉ đạt 60%, nhiều bệnh viện công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 30%. Đặc biệt, TP HCM có đến hơn 300 trạm y tế phường xã nhưng hầu như rất ít bệnh nhân đến khám và điều trị tại tuyến này.

Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân ở tuyến trên, trong nhiều năm qua, ngành y tế TP HCM đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM, ngành y tế thành phố đang tập trung giải quyết trước mắt tình trạng quá tải ở các chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản, nhi. Các giải pháp được triển khai như: đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng các bệnh viện quá tải; thành lập các bệnh viện, phòng khám vệ tinh của bệnh viện quá tải tại các bệnh viện tuyến dưới nhằm mang y hiệu của các bệnh viện tuyến trên về tuyến dưới để thu hút bệnh nhân; thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến dưới để thu hút bệnh nhân ở tuyến này...

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết: Để giảm tải, bệnh viện đã triển khai hai phòng khám vệ tinh đặt tại Bệnh viện huyện Nhà Bè và Bệnh viện quận Bình Thạnh. Bệnh viện còn mở rộng phối hợp xây dựng mô hình các bệnh viện vệ tinh ung bướu ở tuyến tỉnh tại các bệnh viện: Đa khoa Bình Định, Đa khoa Khánh Hòa, Đa khoa Kiên Giang, Đa khoa Đồng Nai. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân đến khám ung bướu tại các bệnh viện và phòng khám vệ tinh của bệnh viện cũng không cao. Có thể do người dân còn chưa biết đến hoặc vẫn chưa tin tưởng vào mô hình bệnh viện vệ tinh.

Thực tế cho thấy, chúng ta không hề thiếu bệnh viện, không thiếu giường bệnh. Còn hàng trăm bệnh viện tư nhân, bệnh viện tuyến dưới, trung tâm y tế với hàng chục ngàn giường bệnh đang hoạt động dưới công suất, bỏ không, gây lãng phí. Do đó, biện pháp giảm tải nhanh nhất, hiệu quả nhất là hợp tác công - tư, hợp tác giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới nhằm tận dụng cơ sở vật chất có sẵn để giảm tải ngay, không phải chờ cả chục năm nữa để các bệnh viện quá tải xây dựng mới, mở rộng cơ sở hạ tầng.

Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, việc hợp tác giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư có rất nhiều vướng mắc phải giải quyết chứ không đơn giản là thấy bệnh viện tư vắng khách thì đem chia bệnh nhân cho bệnh viện tư. Điều trước hết phải đặt ra là phải đảm bảo chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời, muốn phối hợp được Bộ Y tế phải ra một quy chế rõ ràng, trong đó có quy định về phối hợp nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, giá dịch vụ y tế, cơ chế quản lý tài chính, thu chi...

Ý tưởng về hợp tác công - tư, tuyến trên - tuyến dưới đã được ngành y tế đặt ra nhằm tận dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất có sẵn để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những ý tưởng ban đầu, việc thực hiện chắc chắn sẽ có nhiều vướng mắc cần phải giải quyết nên chưa thể triển khai ngay được. Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện đến đâu cũng là điều cần nói đến. Bởi, trong nhiều năm qua dù ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp giảm tải nhưng bệnh nhân vẫn đổ dồn lên các bệnh viện công ở tuyến trên để điều trị, trong khi nhiều bệnh có thể điều trị hiệu quả ngay ở tuyến dưới, ở các bệnh viện ngoài công lập. Điều này cho thấy, người dân vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, các cơ sở y tế tư nhân. Do đó, các bệnh viện tư, bệnh viện tuyến dưới muốn “đông khách” thì biện pháp hữu hiệu nhất là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để lấy được lòng tin của người dân, từng bước xây dựng y hiệu cho mình.

Nguyên Phương - Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc