Lò luyện thi “ế” học sinh

12:10 | 02/03/2013

1,621 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 sắp đến gần, không khí học tập, ôn luyện của các thí sinh đã bắt đầu căng thẳng. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, các “lò” luyện thi ĐH tại Hà Nội vẫn khá ế ẩm và ảm đạm.

“Lò” luyện tiếp tục ế ẩm

Đóng vai học sinh lớp 12 đi tìm nơi học tại các “lò” luyện thi có tiếng tại Hà Nội khu vực ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi ở các lò luyện năm nay là không khí học tập ảm đạm, vắng vẻ học sinh.

Khu vực trường ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội là địa điểm luyện thi tất cả các khối có tiếng tăm và được nhiều thí sinh tin tưởng, gửi gắm “sự học”.  Nhác thấy bóng chúng tôi, một người phụ nữ chạy ào đến hỏi han tận tình, chìa cho chúng tôi lịch học kín đặc chữ với các môn Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa …

Tại trung tâm luyện thi Trí Đức, người phụ nữ nhiệt tình tên Thúy đưa chúng tôi đi, luôn miệng quảng cáo về các giáo viên ở đây như cô Thủy, thầy Phương, thầy Thành … Nơi học là một khu nhà 3 tầng nằm trong khuôn viên trường đại học Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia, phòng học thoáng với số học sinh chưa đến 50 người.

Lịch học chi tiết tại trung tâm luyện thi Trí Đức.

Theo lời quảng cáo của cô Thúy thì lớp nhận ít học sinh, do đó ưu tiên những học sin đăng ký trước và đã học ở Trung tâm. Một lớp có khoảng 30-35 học sinh được ngồi học trong phòng thoáng mát, có điều hóa, amply, máy chiếu, trợ giảng với trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, nếu học sinh có nhu cầu học thử 1 buổi là 70.000 đồng/1 ca và học chính thức là 60.000 đồng/1 ca. Theo quan sát của chúng tôi, lớp học luyện thi môn Toán khá đông học sinh và giáo viên giảng có đầu tư và nhiệt tình.

Cô Thúy cũng cho biết: “Các lớp luyện thi dài hạn bắt đầu học từ sau tết, còn các lớp ôn cấp tốc phải chờ đến tháng 6 mới khai giảng. Lúc đấy thi tốt nghiệp xong rồi, ôn thi đại học mới đông, lúc ấy cháu không tìm được chỗ đẹp, ca học đẹp như thế này đâu”.

Tại trung tâm luyện thi tại tầng 2, nhà A10, Kí túc ĐH Sư phạm, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh tượng tương tự. Mặc dù cô Hoàn - người phụ nữ tư vấn rất nhiệt tình, luôn miệng quảng cáo về độ “hot”, độ “đông” của lớp học và giục chúng tôi mau mua vé tháng để khỏi “mất lượt, lỡ kiến thức”; thế nhưng khi chúng tôi đến tầng 2 của trung tâm thì chỉ thấy phòng học đóng cửa. cô Hoàn cười trừ và nói: “Ít khi phòng này mở cửa lắm, phải gọi điện liên hệ, hẹn gặp với số điện thoại trên tờ rơi trước thì mới có người đến mở của phòng. Bây giờ đang đầu năm, làm gì có nhiều học sinh mà mở cửa lớp?!”.

Cử nhân cao đẳng cũng… luyện thi đại học

Trong các lớp luyện thi ĐH năm nay, ngoài đối tượng học sinh THPT còn có nhiều sinh viên CĐ và TCCN cũng đang học ôn để tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Trong lớp học luyện thi môn Toán tại Trung tâm luyện thi đai học Trí Đức (21H Tập thể ĐH Sư phạm Hà Nội), chúng tôi trò chuyện với một bạn học viên tên là Nguyễn Thị Hồng. Hồng cho biết, bạn đã tốt nghiệp CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội năm vừa qua và đang ôn thi tại trung tâm để chuẩn bị cho kỳ thi vào tháng 6 tới. Hồng chia sẻ: “Mình chọn học CĐ rồi sau đó liên thông từ từ lên để lấy bằng ĐH Kinh tế. Nhưng khi nghe quy định về liên thông mới, mình và nhiều bạn cùng lớp lập tức đăng ký ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi”.

Hỏi việc luyện thi, Hồng băn khoăn cho biết ba năm học CĐ chủ yếu học chuyên ngành, hiện kiến thức phổ thông không nhớ nhiều nên phải học lại từ đầu rất khó khăn. “Kiến thức lớp 12 rất nhiều, giờ luyện lại trong vòng bốn tháng không biết sao. Nhưng vì muốn lấy bằng ĐH nên không còn cách nào khác phải đi luyện thi trở lại. Nhiều bạn trong lớp cũng bức xúc công sức học ba năm nay phải học lại kiến thức phổ thông nhưng không biết sẽ thi thế nào, xét tuyển ra sao” – Hồng nói.

Trong số các học viên, có khá nhiều bạn đã tốt nghiệp CĐ.

Bạn Phùng Quốc Khánh cũng cho biết bạn đang là sinh viên hệ CĐ ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Bạn cho biết: “Trước đây mình thi vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân được 18 điểm, thiếu 0,5 điểm. Mình có nguyện vọng vào CĐ rồi sẽ liên thông lên ĐH. Cách này sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với luyện thi lại một năm để có bằng ĐH. Mình dự định sau khi tốt nghiệp sẽ liên thông lên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng vướng quy định mới nên trở lại luyện thi”. Vừa thực tập, vừa ôn thi, nhưng Khánh vẫn khá lạc quan: “Năm nay quy định còn mới nên nhiều bạn chưa dự thi. Do đó hi vọng cơ hội trúng tuyển của mình cũng tăng lên chút ít”.

Khi được hỏi, cô Thúy – người tư vấn cho chúng tôi cho biết: “Sau tết, một vài em đến hỏi luyện thi để thi vào hệ liên thông. Nhiều em cũng bối rối khi vẫn muốn giữ chân ở CĐ vừa muốn ôn thi ĐH trở lại để thi liên thông nên chưa biết sao”.

Về vấn đề này, TS Vũ Thị Phương Anh (Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) cũng bày tỏ băn khoăn: “Việc siết chặt chất lượng của liên thông là một điều cần làm, nhưng khi thực hiện phải lường trước những tác dụng phụ không tốt. Khi quy định thi chung với học sinh phổ thông thì đương nhiên những thí sinh liên thông phải đi luyện thi để có thể thi được. Câu hỏi đặt ra là: một người đã có bằng CĐ, lớn hơn những thí sinh khác đến 3 tuổi, đã ngưng học phổ thông ba năm, nay phải bỏ thời gian đi luyện thi thì có làm cho chất lượng tăng lên hay không? Tôi không tin vào điều đó, vì chương trình học phổ thông không trực tiếp liên quan đến những gì sinh viên ĐH sẽ học ở năm 3 (tức tương đương với sinh viên học liên thông ĐH).

Đặc biệt cần quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp (đã cấp bằng như nhau thì phải thi tốt nghiệp như nhau). Như thế chắc chắn sẽ có tác động tốt về chất lượng, chứ không phải là siết chặt đầu vào nhưng khi vào được rồi thì vẫn đào tạo theo hình ống (vào bao nhiêu ra bấy nhiêu) như hiện nay. Vì như thế chất lượng vẫn sẽ thấp chứ chẳng tốt hơn chút nào”.

Nhã Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.