Xung quanh vụ việc "sữa dê Danlait" của Pháp:

Lỗi cũng tại các bà mẹ

07:00 | 03/03/2013

877 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vụ việc “treo đầu dê bán thịt chó” của Công ty TNHH Mạnh Cầm, số 13 ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội trong việc phân phối sản phẩm Danlait của Pháp vừa rồi mới thấy chính việc “sính ngoại”, “sính sữa dê” một cách thiếu khoa học của các bà mẹ nuôi con nhỏ đã trở thành cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn bất chính. Việc này giống như: Tiền bày trước mặt, dễ lấy quá làm nảy sinh lòng tham ở cả những người không phải kẻ gian. Cho nên trách nhiệm ở đây một phần cũng chính là do các bà mẹ không tìm hiểu cặn kẽ mà chỉ mua sữa theo thói quen “truyền khẩu”, đám đông, phong trào…

Nuôi con với tâm lý đám đông

Ngay như bà mẹ, người đã khởi nguồn cho phát hiện Danlait thực ra không phải sữa dê mà chỉ là thực phẩm chức năng là chị Cao Ngân Hà, ở Thụy Khuê Hà Nội cũng đã sử dụng “sữa dê” Danlait của Pháp theo “truyền khẩu” như vậy. Vì qua những thông tin nêu trên diễn đàn Lamchame hay webtretho… có thể hiểu, khi mua sản phẩm này chị được người khác “giới thiệu” và “đập vào mắt” chỉ là thông tin: đây là “sữa dê” do Tập đoàn FIT của Pháp sản xuất và được nhập khẩu nguyên lon về Việt Nam được in trên nhãn mác. Còn những thông tin khác, hay nói chính xác là những mâu thuẫn khác trong thông tin chị Hà không để ý.

Đến khi cho con sử dụng 2 tháng, thấy không tăng cân, chậm mọc răng chị mới bắt đầu vạch vòi, tìm hiểu bằng cách vào website danlait.fr in trên vỏ hộp sữa để kiểm tra thông tin về sản phẩm. Nhưng tiếc thay website của một “hãng” sản xuất sữa dê lớn như FIT lại được thiết kế rất sơ sài, thậm chí có nhiều lỗi. Và chính từ những lỗi ấy chị Hà đã sinh nghi về cái gọi là “sữa dê của FIT”.

Lỗi đó chị Hà đã chia sẻ trên Lamchame: “Điều tôi thắc mắc nhất là website của hãng sữa Pháp lại ghi tên file ảnh bằng tiếng… Việt. Cùng với đó là tên hóa học của một số chất ghi sai, hình ảnh thì được cóp nhặt từ nhiều hãng sữa khác chứ không phải của riêng Danlait…”.

Thu giữ 6.000 hộp "sữa dê” Danlait

Đến lúc này thì chị Hà không biết làm gì khác ngoài dừng hẳn việc cho con uống Danlait, đồng thời thông báo rộng rãi cho các bà mẹ nuôi con nhỏ như chị trên các diễn đàn. Chị vô cùng ân hận về việc đã không tìm hiểu thông tin trước khi sử dụng sản phẩm dẫn đến con chị chậm phát triển hơn so với các bé khác.

Như chị Hà, còn rất nhiều bà mẹ khác cũng nuôi con bằng “sữa dê” Danlait với hy vọng: “Hỗ trợ tối đa cho hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, phát triển trí não, chiều cao, khả năng hấp thụ và phù hợp cho trẻ bị dị ứng với sữa bò” như Công ty Mạnh Cầm đã quảng cáo trên vỏ hộp sữa. Mặc dù, sau này khi bị phanh phui “treo đầu dê bán thịt chó”, Công ty Mạnh Cầm thanh minh rằng, đây chỉ là sự sai sót trong tên nhãn mác khi bỏ chữ “thực phẩm bổ sung” thay bằng “sữa dê Danlait”. Nhưng chính những quảng cáo trên đã cho thấy Công ty Mạnh Cầm có thực sự sai sót không hay là một sự cố ý lừa đảo người tiêu dùng.

Bên cạnh nhóm các mẹ nuôi con bằng Danlait, cũng còn nhiều nhóm bà mẹ nuôi con bằng các loại sữa dê khác. Họ thừa nhận rằng chỉ nghe mách nhau mà họ nuôi con bằng sữa dê chứ không dựa trên một cơ sở khoa học nào. Họ nuôi con theo phong trào, thậm chí có bà mẹ “sính” sữa dê đến nỗi, chỉ mua cho con loại sữa dê được “xách tay” từ nước ngoài về, bất chấp giá cả có thể đắt hơn 100-200 nghìn đồng/hộp so với sữa bột ngoại nhập trong nước (khoảng 500 nghìn đồng/hộp 400g), bất chấp cả không có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng là Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Cho nên mới có chuyện xảy ra rằng: con đói và khóc ngằn ngặt cả một ngày trời vì đói sữa. Do mẹ chỉ sính một loại sữa dê trong khi sữa dê ấy không thể kiếm đâu ra ở các cửa hàng bán sữa phổ biến, chỉ có thể đến địa chỉ chuyên bán nó. Nhưng khổ một nỗi cửa hàng… hết sữa. Thế là con phải nhịn đợi đến khi mẹ lùng được sữa đó mới thôi (!?).

Chính bởi tâm lý “sính” ngoại, “sính” của lạ chẳng theo một phương pháp khoa học nào trên đây mà các bà mẹ vô hình trung đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho những loại sữa kém chất lượng, không xuất xứ, tên tuổi, không được kiểm duyệt của cơ quan chức năng; cho cả những hành động gian lận, lừa đảo người tiêu dùng… của những doanh nghiệp như Công ty Mạnh Cầm là một ví dụ.

Sữa dê tốt hơn sữa bò?

Cũng từ vụ việc này, một câu hỏi đặt ra là sữa dê có tốt hơn sữa bò?

Theo phân tích của TS Tống Duy Chinh, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, về thành phần cơ bản, sữa dê tương tự như sữa bò. Tính trung bình, sữa bò chứa khoảng 12,2% vật chất khô (3,2% protein, 3,6% chất béo, 4,7% đường lactoza và 0,7% nguyên tố khoáng. Trong khi sữa dê chứa 12,6% vật chất khô (3,4%protein, 3,8% chất béo, 4,1% đường lactoza và 0,8% khoáng chất). Nhưng như đã nói đây chỉ là tính trung bình còn giữa các giống, giữa các cá thể trong cùng một giống đều có sự khác biệt.

Dựa trên các chỉ số như vậy, phần lớn người ta cho rằng sữa dê dễ tiêu hóa hơn sữa bò do protein ở sữa dê tiêu hóa dễ hơn protein của sữa bò. Nhưng nhờ công nghệ thủy phân, một công nghệ tiên tiến trong sản xuất sữa bò hiện nay mà sữa bò có thể tiêu hóa dễ dàng như sữa dê. Còn so sánh về hàm lượng vitamin, mỗi loài có thế mạnh khác nhau như: nếu ở sữa dê hàm lượng vitamin A cao hơn sữa bò thì ở sữa bò hàm lượng vitamin B6 và B12 lại cao hơn nhiều so với sữa dê. Hay hàm lượng khoáng chất Ca, K, Mg, Mn, Cl… có trong sữa dê cao hơn sữa bò nhưng hàm lượng Na, Fe, S, Zn, Molypden của sữa dê lại thấp hơn sữa bò…

TS Tống Duy Chinh kết luận: Sữa dê sẽ không bao giờ có thể thay thế được sữa bò ở phương diện sản xuất sữa hàng hóa. Nhưng nó cũng có tiềm năng cho sản xuất và nghiên cứu để cải thiện năng suất và tiếp thị đối với sữa dê và sản phẩm làm từ sữa dê.

Còn bác sĩ Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Hiện nay chưa có một nghiên cứu tổng thể nào chứng minh sữa dê nuôi con sẽ tốt hơn sữa bò nên việc nuôi con bằng sữa dê chỉ là trào lưu của các bà mẹ. Với kinh nghiệm và kiến thức của một bác sĩ chuyên khoa sơ sinh nói riêng, trẻ em nói chung, trong trường hợp phải nuôi con bằng sữa công thức, tôi cho rằng các bà mẹ hãy chọn loại sữa đã được kiểm định chất lượng của Nhà nước, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và quan trọng phải phù hợp với khả năng hấp thụ của con trẻ chứ không phải cứ sữa đắt tiền, ngoại nhập là tốt. Đó là quan niệm sai lầm.

Để giúp người tiêu dùng tự đánh giá được chất lượng của các loại sữa có nguồn gốc từ các vật nuôi khác nhau và có cái nhìn tổng quát, so sánh, có quan điểm phản biện về chất lượng của các loại sữa này, có thể dựa trên bảng phân tích thành phần sữa dưới đây (tính trong 100g sữa tươi):
Các loại sữa Protein (g) Chất béo (g) Carbohydrate (g) Năng lượng (kcal)
Bò sữa 3,2 3,7 4,6 66
Người 1,2 4,2 7,0 72
Trâu nước 4,1 9,0 4,8 118
2,9 3,8 4,7 67
Lừa 1,9 0,6 6,1 38
Voi 4,0 5,0 5,3 85
Cá voi 10,9 42,3 1,3 443
Hải cẩu 10,2 49,4 0,1 502

Xuân Bách