Lớp học của những người thầy khuyết tật

11:00 | 20/11/2014

1,797 lượt xem
|
Dù thân thể không lành lặn, nhưng những tấm gương các thầy, cô giáo vẫn nỗ lực truyền đạt tri thức, thắp sáng ước mơ cho học trò nghèo.

Lớp học của cô giáo tí hon

Hơn 8 năm nay, căn nhà 3 gian của cô Đạm (tên thật Kiều Thị Ánh Thuyết, ở thôn Ngọc Bật, xã Cao Phong, Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã trở thành lớp học của gần 20 em học sinh. Cứ tới thứ 7, chủ nhật hàng tuần, các em học sinh lại đến nhà cô để được kèm cặp dạy phụ đạo thêm kiến thức. Vào dịp nghỉ hè sáng nào cô cũng mở lớp cho các em đến học bồi dưỡng thêm.

Cô Đạm không may mắn khi thân thể khiếm khuyết, đến bây giờ, khi đã gần 35 tuổi, cô chỉ cao chưa đến 1m, chân tay ngắn hơn so với mọi người rất nhiều. Do thể hình thấp bé, mọi sinh hoạt của cô Đạm đều khó khăn.

Vượt qua những khó khăn trong suốt quãng thời gian theo học, với sự nỗ lực của bản thân, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Năm 2005, cô tốt nghiệp, ra trường với tấm bằng giỏi trong tay nhưng khi đem hồ sơ đi xin việc cô luôn bị từ chối bởi ngoại hình “tí hon”.

Ở nhà, không nghề kiếm sống, nhưng cô không chấp nhận mình vô ích.  chứng kiến cảnh những đứa trẻ nghèo không được học hành đầy đủ, năm 2005, cô Đạm mở lớp dạy thêm tại nhà. Lớp học ban đầu chỉ có 7 người, dần dần tiếng lành đồn xa, bà con bảo nhau đưa con đến gửi cô kèm cặp dạy phụ đạo cho con em họ.

Lớp học của cô Đạm

Mở lớp dạy thêm cho các em nhưng cô không lấy bất cứ một đồng  tiền của học sinh. Căn nhà ba gian suốt gần 10 năm đã trở thành nơi nuôi dưỡng biết bao ước mơ con trẻ Ngọc Bật. Đến nay, lứa học sinh đầu tiên đã vào cấp ba. Nhiều em trở thành học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Thầy giáo cầm bút bằng miệng

Thầy Trường viết chữ bằng miệng

Mắc chứng teo cơ, với đôi chân bị khoèo, không di chuyển được bình thường, đôi tay cũng bị ảnh hưởng đã khiến thầy Phùng Văn Trường (Chương Mỹ, Hà Nội) phải dang dở việc học khi mới chỉ học hết lớp 8. Tuy nhiên, niềm đam mê học vẫn luôn thôi thúc thầy tự tìm đến với con chữ.

Với đôi tay ngày một co quắp, không thể cầm bút viết, chân thì bị liệt, thầy Trường đã quyết tâm tập viết chữ bằng miệng dù gặp muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu tập viết, nét chữ của thầy còn nguệch ngoạc, miệng mỏi rã rời nhưng thầy quyết không nản chí, tập viết trong nhiều tháng.

Thầy Trường ngồi trên xe lăn, tận tay chỉ bảo cho các em.

Với nghị lực, quyết tâm, chịu khó rèn luyện, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã làm chủ được chiếc bút để viết bằng miệng. Năm 2009, thấy nét chữ trên vở nhiều em nhỏ hàng xóm nguệch ngoạc, anh đã mở lớp giúp các em luyện viết chữ,  kèm cặp dạy phụ đạo cho con em trong làng.

Vậy là lớp học đông dần. Mỗi lần dạy các cháu học anh thường xuyên nhắc nhở các cháu phải viết chữ sao cho thật đẹp, cẩn thận. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, thầy đã miệt mài ngồi xe lăn uốn nắn từng nét chữ cho học trò.  Không dừng lại ở việc luyện chữ, thầy còn giảng dạy những kiến thức về toán học, địa lý, xã hội và kỹ năng sống…… cho các em.

Người thầy đưa đò trên xe lăn

Có một người khuyết tật đã thực hiện được những điều tưởng chừng như không tưởng chính bằng những nỗ lực, sự cố gắng không biết mệt mỏi.... Đó là thầy giáo Chu Quang Đức (giáo viên dạy Tin học Trường THPT Mê Linh – Hà Nội).

Sinh ra và lớn lên thầy Đức đã không đi lại được như các bạn cùng trang lứa khác. Chân tay và toàn thân teo quắt lại do bị di chứng chất độc da cam từ người cha đã từng một thời lăn lộn trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Lên 10 tuổi mà chỉ như đứa trẻ lên 5, đặt đâu, ngồi đó.

Sau những gian nan vất vả, bằng niềm tin sống, vượt lên những đắng cay nghiệt ngã của cuộc sống, bây giờ thầy Đức đã trở thành giáo viên dạy Tin học của Trường THPT Mê Linh – Hà Nội. Thầy bảo được đi dạy chính là nơi để mình viết thêm những giấc mơ cho các em học sinh. Thầy muốn các em học sinh nhìn vào mình để luôn có những ước mơ, khát khao vươn lên thành một người có ích trong xã hội.

Lớp học Toán tại nhà cho học sinh làng

Không chỉ là thầy giáo dạy tin học của Trường THPT Mê Linh, Đức còn mở một lớp học dạy Toán cho các em học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 tại nhà. Học sinh đến với Đức chủ yếu là các em ở trong thôn và các địa phương lân cận. Lớp học tuy còn sơ sài, thiếu phương tiện dạy học, thiếu bàn ghế và bảng viết nhưng không vì thế mà số lượng học sinh đến lớp ít đi mà ngày càng nhiều em đăng ký theo học.

Với sự tận tình dạy dỗ của người thầy giáo trẻ, với những kiến thức toán học chắc chắn, bám sát chương trình học phổ thông, nhiều học sinh của Đức đã bước chân vào giảng đường của các trường đại học danh tiếng như ĐH Sư phạm 1; ĐH Thương mại, ĐH Bách Khoa, ĐH Giao thông Vận tải…

Lớp học "Nghị lực sống"

Nếu có dịp đến với lớp học tình thương của Trung tâm Nghị lực sống tại khu bán đảo Linh Đàm (Hà Nội), bạn sẽ thấy nhiệt huyết của người thầy, sự nỗ lực của những học sinh khuyết tật, đang nỗ lực ngày đêm để vượt lên số phận mong chờ tương lai tươi sáng hơn.

Lớp học là toàn bộ tâm huyết mà hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng cùng với trung tâm Nghị lực sống lập ra. Liên tục đều đặn hơn 10 năm qua, Trung tâm Nghị lực sống đã mở nhiều lớp dạy miễn phí công nghệ thông tin cho học viên khuyết tật và tạo điều kiện công ăn việc làm cho các học viên.

Tiếp nối thành công của người thầy với mong muốn giúp những người khuyết tật có thể tự lo cho cuộc sống của mình, Nguyễn Văn Hùng, từng một thời ở bên thầy của mình, đã truyền những nhiệt huyết cho thế hệ trẻ kế tiếp, để chứng tỏ họ vẫn có ích cho xã hội, và làm được nhiều hơn thế.

 Một buổi học ở Trung tâm Nghị lực sống.

Đến lớp học, những ai chưa từng gặp Hùng, có thể sẽ bất ngờ vì chàng trai quê Nam Đàn, Nghệ An này năm nay đã 27 tuổi, nhưng lại mang hình dáng của cậu học sinh lớp một nhỏ nhắn. Hùng, với giọng nói chững chạc, đang giảng bài cho những học trò chăm chú lắng nghe.

Lớp có hơn chục người, tuổi đời đều còn rất trẻ. Mỗi người một quê, hoàn cảnh khác nhau, tuy không một ai lành lặn về thể xác nhưng đều chung niềm say mê tin học.

Thầy Hùng đang giúp học trò thực hành

Người thầy trực tiếp giảng dạy cho các học viên ở đây cũng là một người khuyết tật. Anh mãi mãi mang trong mình hình dáng của một đứa trẻ con chỉ mới lên năm, lên sáu (người thầy chỉ cao 114 cm và nặng 18 kg).

Dù có bị số phận ngược đãi đến nhường nào, những con người khuyết tật trong lớp học ấy chưa bao giờ bỏ cuộc. Họ miệt mài học tập ngày đêm để mong chờ vào một tương lai tươi sáng, có thể tự lập được, không phải phụ thuộc vào ai.

Thầy Hùng chia sẻ: “Trung tâm như là cánh cửa mở ra tương lai với nhiều hoạt động: giao lưu với các sinh viên, gặp gỡ và học tiếng Anh với người nước ngoài, được đào tạo nghiệp vụ bán vé máy bay, học các kỹ năng giao tiếp, bán hàng… Tôi hiểu ra, người khuyết tật cũng có thể đóng góp nhiều điều có ích cho xã hội”

Mình muốn gửi thông điệp đến tất cả mọi người, đặc biệt người khuyết tật, ở đời luôn có những ranh giới giữa sự tuyệt vọng và sự vươn lên, giữa sự sống và cái chết, muốn vượt qua ranh giới ấy cần phải có nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Cơ hội vượt lên số phận luôn có cho tất cả mọi người, điều quan trọng phải luôn biết tận dụng cơ hội và đừng bao giờ để mất cơ hội đó.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank