"Lớp Vip trường công" - đầu tư cho tương lai hay đi mua sĩ diện?

17:23 | 04/10/2012

1,502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người dân Thủ đô đang râm ran bàn tán về cái gọi là "lớp Vip", “lớp học tương tác” được mở tại nhiều trường công lập trong năm học 2012 – 2013. Giáo dục Thủ đô đã bước sang một trang sử mới hay chỉ đơn thuần là các bậc phụ huynh đã tìm ra thêm một cách để thể hiện mình?

Học sinh các lớp Vip liệu có thể trở thành nhân tài cho đất nước?

Theo tìm hiểu của Báo Petrotimes thì những lớp học này được các trường giới thiệu là mô hình lớp học rất thông minh, kích thích sự sáng tạo của học sinh, tránh tình trạng đọc – chép… Lớp học được trang bị nào là máy vi tính, máy chiếu, bảng tương tác, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án, tích hợp sẵn thư viện tài nguyên…

Ngoài ra, như để tương xứng với những thiết bị được trang bị trong lớp học, sàn nhà cũng được làm bằng sàn gỗ, bàn ghế của học sinh và cô giáo được thay toàn bộ mới. Lớp học cũng được trang trí lại bằng những hình ảnh vô cũng bắt mắt, ngộ nghĩnh nhằm tạo một môi trường giáo dục vừa hiện đại nhưng hết sức gần gũi với các em học sinh.

Và theo tính toán của nhiều trường thì khoản đầu tư cho những lớp học như thế sẽ giao động từ 120 – 300 triệu đồng và khoản đóng góp này sẽ được tính trong vòng 5 năm. Như vậy, mỗi lớp học sẽ phải đầu tư từ 25 – 60 triệu đồng/năm.

Nếu đứng là như vậy thì có vẻ như cái gọi là "lớp Vip", "lớp học tương tác" hóa ra cũng không đến nỗi là quá đắt, quá 'Vip" như người ta tưởng.

Trong một lần trả lời báo chí gần đây, TSKH Đoàn Hương – Giảng viên khoa Báo chí (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) từng chia sẻ: Xã hội Việt Nam trong cơ chế thị trường hôm nay, người ta vẫn lấy vật chất để bù vào tinh thần và trí tuệ. Nhiều bố mẹ ở thành phố lo chạy điểm, chạy thầy cô cho con mà không biết rằng đứa trẻ cũng như một cái cây. Ngoài sự chăm sóc, hỗ trợ còn phải tự lớn lên.

“Vì sao con nhà nghèo thường học giỏi? Vì họ hiếu học, hiếu thảo. Các em hiểu được giá trị của sức lao động, của đồng tiền, mồ hôi nước mắt cha mẹ. Càng thương cha mẹ các em càng cố gắng học hơn”, TSKH Đoàn Hương nhấn mạnh.

Nói vậy có nghĩa là trò giỏi, con ngoan đâu đã phải là do những cái gọi là trang thiết bị hiện đại, môi trường giáo dục hiện đại… quyết định hoàn toàn.

Kỳ thi đại học năm nào cũng vậy, thủ khoa đại học phần lớn là ai? Là con nông dân! Là con phụ hồ! Là con nhà nghèo! Là những bạn sáng đi học, chiều đi phụ hồ hay đi đội than kiếm tiền phụ gia đình!... Đâu phải cứ phải xe đưa xe đón, sàn gỗ, máy lạnh, máy chiếu… mới thành tài cơ chứ.

Thực tế nhiều năm nay là vậy nhưng người ta vẫn cứ lờ đi để mà “chạy” và “chạy”. Xã hội cứ nói mãi đến chuyện lạm thu, đến tiêu cực trong giáo dục nhưng có một điều mà chẳng ai nói, chẳng ai thừa nhận là chính bản thân họ lại đang cố  chạy theo những giá trị hão. Tại sao cứ phải “chạy” vào trường nọ, lớp kia, tại sao lại cứ phải “cầu cạnh” thầy cô để con cái được điểm cao, để cuối năm được cái danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc?

Tất cả có phải là vì sĩ diện!

Kỳ thi đại học năm nào cũng vậy, thủ khoa đại học thường là con nhà nghèo.

 

"Lớp Vip", "lớp học tương tác" hiệu quả đến đâu thì phải nhiều năm nữa mới có thể khẳng định nhưng ngay tại thời điểm này, cái gọi là môi trường giáo dục hiện đại mà người ta cố gắng xây dựng lại đang tạo lên thói quen rất xấu cho chính con cái họ.

Chẳng biết tự bao giờ, người ta không nói với nhau rằng “cháu nhà tôi cố gắng”, “cháu nhà tôi nỗ lực”… nên đã được chọn vào lớp chọn, lớp tuyển của trường cả mà thay vào đó là những chuyện “chạy” trường, “chạy” lớp.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chương trình cải cách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nhưng liệu rằng, với kiểu cách, với cái tư duy “chạy” như vậy của các bậc phụ huynh thì mục đích đó sẽ đi đến đâu? Có là học trò ngoan, trò giỏi thì cũng chỉ cái... danh hão mà thôi.

Vẫn biết con cái là tài sản quý giá nhất và bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng muốn giành cho con cái những điều tốt đẹp nhất nhưng nó cần phải làm đúng cách. Không phải cứ đầu tư tiền bạc là yêu con, là quý con, là sẽ mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất, sẽ là điều kiện, sẽ là tiền đề cho một tương lai tốt đẹp cho con cái.

Chúng tôi không phản đối việc hình thành lên các "lớp Vip", các "lớp học tương tác" nhưng nó cần phải được tổ chức, phải được xây dựng phù hợp. Và tất nhiên, những trường học hiện đang mở lớp Vip, lớp học tương tác đừng có mang so sánh với các lớp học quốc tế. Chúng ta không chỉ thay đổi cái bàn, cái ghế hay thêm vào đó một vài dụng cụ học tập hiện đại là đạt “tiêu chuẩn quốc tế” ngay được!

Thanh Ngọc