Luật Lao động đang "bỏ quên" nông dân

06:07 | 24/12/2012

1,124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Số vụ tai nạn lao động đang tăng nhanh với tốc độ phi mã, từ 840 vụ năm 1995 lên hơn 6.300 vụ năm 2007, tỷ lệ tử vong cũng tăng gần gấp 3 lần từ 264 lên đến 621 người. Dự báo, đến năm 2020, mỗi năm sẽ có khoảng 170.000 người bị tai nạn lao động với khoảng 2.000 người chết, thiệt hại về vật chất ước tính hơn 2.000 tỉ đồng. Trong khi đó, Luật Lao động đang “bỏ quên” người nông dân Việt Nam.

Báo động đỏ về tai nạn lao động

Chỉ trong vòng 12 năm, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đã tăng gấp đôi với chiều hướng gia tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, TNLĐ có xu thế tăng nhanh từ 840 trường hợp năm 1995 lên 3.405 trường hợp năm 2000 và lên tới 6.337 trường hợp năm 2007. Tử vong do TNLĐ cũng tăng từ 264 trường hợp năm 1995 lên 406 trường hợp năm 2000 và lên tới 621 trường hợp năm 2007. Riêng năm 2011 đã xảy ra 5.896 vụ TNLĐ làm 6.154 người bị nạn, trong đó có 574 người chết.

Tổng Liên đoàn Lao động, Công đoàn Việt Nam lên tiếng cảnh báo và yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan vào cuộc đưa ra các biện pháp giảm TNLĐ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được thu thập chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn. Trong thực tế, tình hình TNLĐ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Ghi nhận từ hệ thống bệnh viện trên cả nước, các trường hợp tai nạn tử vong tại nơi làm việc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, bình quân giai đoạn 1992-2000, mỗi năm xảy ra 3.000 vụ TNLĐ làm chết 350 người. Giai đoạn 2001-2012, bình quân hàng năm xảy ra gần 6.000 vụ TNLĐ làm hơn 6.000 người bị nạn, trong đó có khoảng 500 vụ tai nạn chết người, làm gần 600 người chết. 

Ngành khai thác khoáng sản đang đứng đầu các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bùi Hồng Lĩnh cảnh báo TNLĐ đang tăng nhanh về số lượng trong công nông nghiệp. Trong đó, khai thác khoáng sản thường xảy ra TNLĐ với mức độ nghiêm trọng nhất như vụ cháy nổ khí mêtan tại mỏ than Mạo Khê năm 1999 làm 19 người chết, 12 người bị thương, vụ sập mỏ đá D3 công trình thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) năm 2007 làm 18 người chết và mới đây nhất là vụ tai nạn lao động do nổ xe bồn chứa gas tại Khu công nghiệp Bắc Ninh làm 32 người bị thương vào ngày 5/12/2012.

Trong sản xuất nông nghiệp, TNLĐ cũng ở mức báo động nghiêm trọng. Gần 40% nông dân không bao giờ đọc các hướng dẫn sử dụng thuốc các sản phẩm như thuốc diệt cỏ, thuốc diệt sâu bệnh, phân bón (đều mang những độc tố, thành phần hóa học cần lưu ý khi sử dụng).

Ước tính, cứ 100.000 lao động nông thôn thì có tới 799 người bị tai nạn về điện; 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc; 1.700 người bị ảnh hưởng sức khỏe do thuốc bảo vệ thực vật. Thống kê trên cho thấy, hàng triệu người Việt ở nông thôn đang bị mai một sức khỏe do ảnh hưởng của loại hóa chất độc hại kéo dài này.

Không chỉ gây hậu quả chết người, thương tật và các hậu quả xã hội, tổng số thiệt hại về của cải vật chất, tài sản do TNLĐ gây ra cũng rất lớn. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thiệt hại từ TNLĐ các đây 10 năm chỉ từ vài chục tỉ đồng hiện nay đã lên đến hơn 600 tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra, những thiệt hại do phải nghỉ việc là rất lớn, từ trung bình khoảng 60.000 ngày công lao động giai đoạn 2000-2006 đến 550.000 ngày công giai đoạn 2007-2011.

Luật lao động “quên” nông dân

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, TNLĐ ở mức báo động nguyên nhân trước hết là từ chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong các phương án để bảo vệ điều kiện lao động, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, bản thân người lao động kém hiểu biết về luật lao động. Nhà nước, các ban, ngành chức năng chưa xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không làm tốt quy định, giám sát chặt chẽ các công tác phòng cháy, chất lượng công cụ đảm bảo an toàn lao động… từ đó họ xem nhẹ hoặc chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về lĩnh vực này.

Một nguyên nhân khách quan là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ còn lạc hậu, thiết bị cũ nát, ý thức về an toàn lao động rất thấp, đặc biệt không chú ý đến an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Việc cho phép nhập khẩu và đưa vào sử dụng các máy móc, công nghệ, vật liệu mới hoặc đã qua sử dụng ngoài những mặt tích cực, còn tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn vệ sinh lao động không thể lường trước.

Có thể kể đến là kết cấu, hình thức máy không phù hợp với vóc dáng, sức khỏe người Việt Nam, khả năng làm chủ công nghệ, ý thức của người lao động Việt Nam còn rất kém. Mặt khác, xu thế phát triển mạnh các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, năng lượng, hóa chất và sự gia tăng sử dụng hóa chất sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường lao động.

Lực lượng lao động tăng nhanh cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Mặt khác, cơ chế quản lý doanh nghiệp hiện nay đang chuyển đổi rất đa dạng, chưa ổn định, đặc biệt quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa… làm cho công tác bảo hộ lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác quản lý, thực hiện luật pháp và các chính sách.

Hiện nay, đang tồn tại một vấn đề có tính xã hội đặc biệt nghiêm trọng là hơn một nửa người lao động Việt Nam không được hưởng các chế độ trong Luật Lao động.  Với lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 50% tổng số lao động trong toàn quốc, nhưng hiện nay Luật Lao động chỉ quy định đối tượng hưởng thụ chế độ TNLĐ là cán bộ, công nhân viên, người làm việc cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp. Lao động là nông dân, diêm dân, lao động tự do… không được bảo vệ, nếu không may xảy ra tai nạn thì không được hưởng bất cứ chế độ gì.

Ngoài ra, nhiều nội dung quan trọng về an toàn vệ sinh lao động như chính sách khuyến khích người sử dụng lao động cải thiện điều kiện lao động, chính sách khen thưởng, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động… lại chưa được quy định hoặc không quy định rõ ràng với các đối tượng này khi bị TNLĐ. Đã đến lúc cần phải bổ sung cho Luật Lao động và Nhà nước cần đứng ra bảo vệ người nông dân trước những rủi ro trong lao động sản xuất.

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, thời gian tới sẽ sớm ban hành văn bản luật về an toàn vệ sinh lao động để làm cơ sở pháp lý thực hiện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Bà cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Bộ cũng đưa mục tiêu cụ thể đến năm 2015, giảm 5% tần suất TNLĐ chết người; trung bình hằng năm giảm 5% tần suất TNLĐ chết người trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ.

Có thể nói, chúng ta đang đứng trước một quyết định quan trọng lựa chọn phát triển kinh tế và hạn chế TNLĐ. Trong đó, giải quyết bài toán kiểm soát TNLĐ không chỉ là việc riêng của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà còn là việc chung của các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP HCM, nơi đang có hơn 200.000 doanh nghiệp, kiến nghị nên thành lập quỹ bồi thường cho người lao động bị tai nạn để khắc phục tình trạng khi sự thỏa thuận giữa người lao động bị tai nạn và chủ sử dụng không thỏa đáng, gây thiệt thòi cho người lao động.


Thành Công

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc