Lực lượng Kiểm ngư có nhiệm vụ gì?

09:42 | 17/04/2014

3,488 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Là lực lượng dân sự nhưng kiểm ngư có thể phối hợp với hải quân, biên phòng, cảnh sát biển. Lực lượng này đủ sức để thực thi bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển".

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi lễ ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, ngày 15/4 tại Đà Nẵng.

Bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ hàng đầu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đây là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trực thuộc Tổng cục Thủy sản. Lực lượng này được tổ chức từ Trung ương đến các Vùng gồm: Cục Kiểm ngư có trụ sở chính tại Hà Nội và 4 Chi cục Kiểm ngư Vùng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên các vùng biển Việt Nam.

Kiểm ngư là lực lượng dân sự nhưng có thể phối hợp với hải quân, biên phòng, cảnh sát biển… để bảo vệ an toàn cho ngư dân

“Việt Nam là quốc gia biển, có vùng đặc quyền kinh tế, trong đó thủy sản là một nguồn lợi lớn. Hoạt động khai thác thủy sản ngày đêm bám ngư trường của hơn 1 triệu ngư dân với 120.000 tàu thuyền lớn nhỏ góp phần hết sức quan trọng trong khai thác nguồn lợi kinh tế cho đất nước. Với việc ra mắt lực lượng kiểm ngư, một lần nữa chúng ta khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước CHXHCN Việt Nam trên biển Đông”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Ông cho biết thêm: Lực lượng kiểm ngư có chức năng thứ nhất là tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm; thứ hai là thanh ra chuyên ngành về thủy sản và xử lý theo pháp luật về thanh tra. Lực lượng chuyên trách này hoạt động thường xuyên, liên tục (khác với thanh tra chuyên ngành làm theo đợt).

Khi thi hành công vụ, kiểm ngư viên được sử dụng các phương tiện, công cụ hỗ trợ và các thiết bị chuyên dùng. Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được hưởng chính sách thương binh, liệt sĩ.

“Lực lượng này đủ sức để thực thi bảo vệ luật thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phối hợp để bảo vệ ngư dân, tìm kiếm cứu nạn, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không chỉ tàu nước ngoài, mà tàu trong nước vi phạm đến nguồn lợi thủy sản thì kiểm ngư cũng sẽ xử lý theo pháp luật”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Ngư dân yên tâm bám biển

Đón nhận thông tin lực lượng kiểm ngư ra mắt, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam vui mừng cho biết, đây là một lực lượng vô lượng quan trọng giúp ngư dân yên tâm bám biển. Trong nhiều năm qua, ngư dân của chúng ta đã bị lép vế rất nhiều trong quá trình đánh bắt trên biển, cũng như sự thiệt hại không nhỏ về nguồn lợi thủy sản. Có lực lượng này, ngư dân sẽ vưng tin hơn vì phía sau họ luôn luôn có người bảo vệ.

Tuy nhiên, hiệu quả như thế nào thì còn phải chờ thực tế chứng minh.

Với việc ra đời của lực lượng kiểm ngư, ngư dân Việt Nam sẽ yên tâm, bám biển

Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Chúng tôi cùng những ngư dân miền Trung rất phấn khởi và vui mừng khi lực lượng Kiểm ngư Việt Nam chính thức được thành lập. Việc thành lập lực lượng Cảnh sát biển cũng như lực lượng Kiểm ngư, cộng với các phương tiện, trang thiết bị được đầu tư hiện đại và luôn có mặt ở mọi vùng biển của Việt Nam sẽ giúp ngư dân miền Trung yên tâm vươn khơi bám biển. Hiện đa số là tàu cá của chúng ta có công suất nhỏ, hơn nữa các phương tiện hỗ trợ cần thiết khi đánh bắt lại rất nghèo nàn. Vì vậy, trước đây mỗi khi vươn khơi, tàu cá của chúng ta cảm thấy rất “cô đơn” bởi không ít lần tàu cá của ta bị tàu cá của nước ngoài xâm phạm, rượt đuổi táu cá của ngư dân trên vùng biển của Việt Nam mà chưa thấy lực lượng chức năng ứng cứu”.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Trường, chủ tàu ĐNa 90082 TS có công suất 350 CV, cho biết ông rất vui mừng vì từ nay ra khơi sẽ có thêm một cơ quan chức năng quan tâm, bảo đảm an toàn cho ngư dân đánh bắt, nhất là vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Tôi đã đi biển 30 năm, không lạ gì các ngư trường khu vực miền Trung này. Dẫu vậy, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa luôn là ngư trường chính của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Hiểm nguy không thiếu, trong đó ngoài bão tố, tai nạn trên biển, nhiều “tàu lạ” thường xuyên quấy nhiễu, gây khó dễ cho mình. Mình đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình thì không sợ. Dẫu vậy, có thêm lực lượng kiểm ngư thì yên tâm hơn nhiều, nhất là các trường hợp ứng cứu nhanh trên biển khi tàu bị tai nạn”.

Sẽ thành lập Chi hội ngư dân Hoàng Sa

Cũng theo ông Lĩnh, để hỗ trợ ngư dân miền Trung đánh bắt ở khu vực ngư trường Hoàng Sa, Hội Nghề cá TP Đà Nẵng cũng đã đề nghị với Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa về việc thành lập Chi hội ngư dân Hoàng Sa trực thuộc Hội Nghề cá Đà Nẵng.

Chi hội ngư dân Hoàng Sa sẽ bao gồm ngư dân Đà Nẵng (sau đó mở rộng ra các địa phương khác) hành nghề đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa với các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Và theo dự kiến, Chi hội sẽ chính thức được thành lập vào quý 2/2014.

Tuy nhiên, khó khăn để thành lập chi hội hiện lại vướng mắc về thủ tục pháp lý. Vì vậy, mong sao thành phố cũng như lãnh đạo huyện Hoàng Sa sớm có chủ trường cho phép thành lập để chi hội cùng lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư… hỗ trợ tốt nhất cho ngư dân bảm biển.

 

Đoàn Nguyên