Lúng túng về vốn trong Đề án bệnh viện vệ tinh

11:10 | 12/10/2012

973 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bộ Y tế đang chỉ đạo một số bệnh viện tuyến trên xây dựng Đề án thành lập bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho các bệnh viện này và nâng cao năng lực y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, với số kinh phí thực hiện được dự trù khá lớn thì điều mà nhiều bệnh viện băn khoăn hiện nay là lấy kinh phí từ đâu để thực hiện?

Tại hội thảo “Phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh khu vực phía Nam” ngày 11/10, một số bệnh viện đã trình bày dự thảo đề án thành lập bệnh viện vệ tinh của đơn vị mình để Bộ Y tế và các đơn vị xem xét góp ý.

Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất xây dựng 8 chuyên khoa vệ tinh ở 6 bệnh viện đa khoa tỉnh như: BVĐK Đồng Nai (Ngoại thần kinh, Ngoại tiêu hóa), BVĐK Tiền Giang (Chấn thương Chỉnh hình, Nội tim mạch), BVĐK Bình Dương (Tim mạch can thiệp), BVĐK Sóc Trăng (Thận nhân tạo), BVĐK Long An (Nội thần kinh), BVĐK Khánh Hòa (Phẫu thuật tim). Thời gian thực hiện đề án từ năm 2012 – 2017, với tổng kinh phí dự kiến là 120 tỉ đồng.

Bệnh viện Ung bướu TP HCM dự kiến lập khoa vệ tinh và bệnh viện vệ tinh ở 4 bệnh viện tỉnh, thực hiện trong 2 giai đoạn 2013 – 2015 và 2016 – 2020, tổng kinh phí thực hiện khoảng 300 tỉ đồng. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng dự kiến thành lập bệnh viện vệ tinh tại 3 bệnh viện tỉnh với tổng kinh phí khoảng 450 tỉ đồng,...

Hội thảo “Phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh khu vực phía Nam”

Dự toán kinh phí của các bệnh viện đưa ra phần lớn là chi cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị bổ sung tại các bệnh viện vệ tinh.

Các bệnh viện dự kiến nguồn kinh phí để thực hiện đề án này sẽ từ ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ Y tế và địa phương ngoài ngân sách chi thường xuyên, cùng với vốn đối ứng từ các bệnh viện địa phương.

Tuy nhiên, với số vốn quá lớn mà các bệnh viện đưa ra, một số chuyên gia cho rằng sẽ khó khả thi để thực hiện, vì nguồn ngân sách khó đáp ứng được số vốn này, Bộ Y tế chỉ hỗ chi phí cho công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật (chi phí không lớn), các địa phương cũng khó đáp ứng được số vốn này vì còn phải lo rất nhiều việc… Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nguồn thu ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương cũng giảm sút, rất khó có thể đáp ứng một số vốn quá lớn cho đề án.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện xem xét và xây dựng đề án với mức kinh phí hợp lý hơn. Đồng thời, các bệnh viện phải có trao đổi, thỏa thuận với chính quyền và sở y tế ở địa phương để đảm bảo kinh phí thực hiện đề án.

Ngoài ra, đại diện các bệnh viện cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét lại 3 chương trình: Chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 và bệnh viện vệ tinh. Vì theo các chuyên gia, về cơ bản những công việc của 3 chương trình này giống nhau, cũng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới… Chỉ khác nhau là chương trình sau phát triển trên cơ sở của chương trình trước. Cụ thể như: việc thành lập bệnh viện vệ tinh chỉ khác với Đề án 1816 một điểm là kinh phí của bệnh viện vệ tinh do trung tương hỗ trợ!

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét lại các chương trình trên để có thể gom chung lại thành một chương trình, tránh hiện tượng chồng chéo, tốn nguồn kinh phí lớn và nguồn nhân lực y tế cũng khó đáp ứng khi cùng lúc phải thực hiện quá nhiều chương trình.

Tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên đã được nói đến nhiều trong thời gian qua, Bộ Y tế chủ trương xây dựng bệnh viện vệ tinh để giảm tải là một ý kiến hay. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó chương trình còn những vấn đề bất cập cần giải quyết. Đặc biệt, việc xây dựng Đề án bệnh viện vệ tinh cần phải tính toán thật kỹ lưỡng để đề án thực sự thiết thực khi đưa vào áp dụng, tránh sự đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, làm lãng phí công sức, tiền của của xã hội.

Mai Phương