Mở bể than đồng bằng sông Hồng bằng cách nào?

17:39 | 09/10/2012

4,684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc có rất nhiều than ở đồng bằng Sông Hồng thì không cần bàn cãi. Vấn đề cần được bàn là liệu có công nghệ nào cho phép chúng ta khai thác có hiệu quả than mà vẫn bảo vệ được đất canh tác lúa và đất thổ cư của bà con nông dân?

>> Kỳ 1: Trữ lượng bể than đồng bằng sông Hồng lớn cỡ nào?

 

Tiềm năng lớn, khó khăn nhiều

Kết quả điều tra của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho thấy, bể than đồng bằng Sông Hồng có phạm vi phân bố chủ yếu thuộc các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, một phần tỉnh Nam Định, trong đó 90% tập trung tại tỉnh Thái Bình; 8,5% tập trung tại Hưng Yên; 1,5% tập trung tại Nam Định. Trữ lượng than hiện vào khoảng 210 tỉ tấn.

Diện tích chứa than chung toàn vùng khoảng 2.500 km2. Độ sâu của các vỉa than từ khoảng - 150m đến - 2.500m.

Tổng diện tích điều tra là 2.765 km2 thuộc địa phận các tỉnh: Thái Bình (1.521 km2), Hải Dương (435 km2), Hưng Yên (398 km2), Nam Định (272 km2), Hải Phòng (106 km2), Hà Nam (33 km2). Diện tích đánh giá tài nguyên than cấp 333 là 782 km2, trong đó diện tích thực hiện đến năm 2015 là 265 km2.

 

Khai thác bể than đồng bằng Sông Hồng sẽ ảnh hưởng đến vựa lúa miền Bắc.

 

Cũng theo Vinacomin, vỉa than đồng bằng Sông Hồng có trữ lượng tài nguyên rất lớn, phân bố tương đối đồng đều trên một diện tích tương đối lớn, dễ tiếp cận và gần các điểm tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, các vỉa than đều thuộc loại thoải, có góc dốc nhỏ, rất phù hợp cho việc áp dụng cơ giới hóa khai thác.

Ngoài ra, than vùng đồng bằng Sông Hồng thuộc loại than năng lượng – than á - bitum, khá đồng nhất về thành phần vật chất cũng như các tính chất hóa học, công nghệ. Than có hàm lượng chất bốc cao (trên 40%), ít lưu huỳnh (khoảng 0,5%), độ tro thấp, nhiệt lượng tương đối cao (khoảng 5.500-6.000 kcal/kg). Những tính chất này rất có lợi cho công nghệ chế biến, hóa chất, làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng.

Tuy nhiên, theo cac chuyên gia, bể than Đồng bằng sông Hồng có điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình rất phức tạp, lại nằm dưới vùng đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc, có truyền thống văn hóa lâu đời, việc khai thác và phát triển bể than Đồng bằng sông Hồng nhất thiết phải có những bước đi thận trọng và chắc chắn, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực về sau.

 

Bể than nằm phân bố rộng khắp nhiều tỉnh của đồng bằng sông Hồng.

 

Khai thác hầm lò hay Khí hóa?

Trong điều kiện các thông tin về địa chất mỏ còn rất hạn chế, các nhà khoa học Việt Nam và những người có kinh nghiệm về khai thác mỏ đang đề xuất xem xét 2 phương án công nghệ khai thác là: Khai thác hầm lò và khí hóa than ngầm. Cho đến thời điểm này, cả hai phương án khai thác trên vẫn đang được tranh luận, vì điều kiện đầu vào của các vỉa than tại đây vẫn chưa rõ ràng nên chưa thể lựa chọn phương án nào là tối ưu cho việc khai thác than?

 

Khai thác thanh theo công nghệ hầm lò ở Quảng Ninh.

 

Để duy trì được mặt đất, không phải di dân và không chiếm đất canh tác lúa chúng ta chỉ có thể áp dụng công nghệ khai thác hầm lò (hay thường gọi là công nghệ truyền thống). Công nghệ hầm lò thực ra không cần thử nghiệm, vì đây là công nghệ truyền thống của ngành than Việt Nam, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong khai thác than tại vùng than Quảng Ninh. Tuy nhiên khi áp dụng phương án này cần xem xét đến các đặc điểm riêng của bể than đồng bằng Sông Hồng như: Điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ hết sức phức tạp, độ sâu khai thác lớn. Nói như vậy nghĩa la phương án này cũng còn rất nhiều điều phải bàn.

Công nghệ thứ hai cũng có thể áp dụng cho đồng bằng Sông Hồng là khí hóa than ngầm dưới lòng đất. Đây là một công nghệ hoàn toàn mới, được các nhà khoa học Nga đã thử nghiệm thành công từ đầu thế kỷ 20, cho phép thay thế sự lao động nặng nhọc và không an toàn của thợ mỏ dưới lòng đất.

Về nguyên lý công nghệ này rất đơn giản: Từ mặt đất, người ta khoan các lỗ khoan tới vỉa than, đưa ô xy xuống để đốt cháy than trong điều kiện yếm khí, biến than thành khí tổng hợp. Sau đó, cũng thông qua các lỗ khoan, khí tổng hợp được đưa lên mặt đất dùng cho phát điện hay để chế biến tiếp thành dầu diesel. Công nghệ này áp dụng hiệu quả cho các vỉa than nằm sâu từ 600-1200m dưới lòng đất, rất thích hợp với điều kiện của bể than Đồng bằng sông Hồng.

 

Mô hình công nghệ khí hóa than ngầm.

 

Nhược điểm lớn nhất của phương án này là sự phụ thuộc rất lớn vào điều kiện địa chất của từng khu vực khai thác. Do đó, trên thế giới đã có một số nước thành công với công nghệ khai thác này, nhưng cũng có nhiều thử nghiệm thất bại hoặc không đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, với công nghệ khí hóa than ngầm, chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm.

Một yếu tố rất quan trọng khi áp dung phương án thứ 2 là công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất cần được thử nghiệm để xác định 2 yếu tố: khả năng hóa khí của than (sẽ có ảnh hưởng đến các thông số thiết kế công nghệ) và chất lượng của khí thu được từ than (sẽ quyết định mục đích sử dụng của khí- dùng để phát điện hay dùng để chế biến tiếp thành dầu diesel).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực khai thác mỏ, trong cả hai phương án, cần xem xét ảnh hưởng sụt lún, biến dạng bề mặt, hoặc thay đổi chế độ nước mặt, nước ngầm, gây tác động có hại đến môi trường xung quanh và đời sống xã hội của người dân vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo quy hoạch ngành than đến năm 2020, có xét đến 2030, sản lượng than thương phẩm sản xuất của toàn ngành dự kiến năm 2012 đạt 45-47 triệu tấn. Năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn và năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Các hoạt động này của toàn ngành đến năm 2020 cần khoảng 317.736 tỉ đồng, bình quân mỗi năm ngành than cần 35.304 tỉ đồng để đầu tư khai thác, phát triển. Bể than Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng sẽ là nơi cung cấp chủ yếu lượng than trên.

Dự kiến, chương trình phát triển bể than sông Hồng sẽ chia thành hai giai đoạn chính: Giai đoạn 1 sẽ thử nghiệm các loại hình công nghệ khác nhau có triển vọng khả thi nhất gồm: Khai thác hầm lò phần nông (-450/-600m); Khai thác hầm lò phần dưới sâu (-600/-1.200m); Khí hóa than vỉa mỏng – vừa nằm nông (-300/-450m); Khí hóa than vỉa mỏng – vừa và dầy nằm sâu (-450/-900m); Thăm dò bổ sung vùng than Khoái Châu và các vùng than còn lại.

Giai đoạn 2 sẽ căn cứ kết quả thử nghiệm của giai đoạn 1 để lựa chọn loại hình công nghệ hợp lý. Trên cơ sở kết quả thăm dò địa chất chính thức sẽ tập trung phát triển các mỏ với các công nghệ đã được thử nghiệm thành công với quy mô và số lượng phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu than của nền kinh tế.

 

Văn Dũng

(còn nữa)

Cả hai phương án nói trên cần được xem xét lựa chọn một cách thận trọng. Việc tiến hành thử nghiệm phương án không chỉ cần làm rõ được tính khả thi của công nghệ, mà còn đánh giá được các nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Còn về thời điểm, chúng ta chỉ khai thác sau khi thử nghiệm công nghệ thành công và thăm dò đầy đủ.

 

Kỳ 3: Những cảnh báo không thể bỏ qua