Mở bể than sông Hồng: Những cảnh báo không thể bỏ qua!

09:16 | 12/10/2012

3,340 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù Đề án phát triển bể than đồng bằng sông Hồng vẫn đang trong giai đoạn khảo sát, đánh giá, tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại xung quanh việc tiến hành khai thác bể than này.

>> Kỳ 1: Trữ lượng bể than đồng bằng sông Hồng lớn cỡ nào?

>> Kỳ 2: Mở bể than đồng bằng sông Hồng bằng cách nào?

 

Từ yếu tố môi trường…

Bể than Đồng bằng sông Hồng nằm trên địa bàn vùng vựa lúa lớn thứ hai của cả nước là Thái Bình, Hưng Yên, là nơi địa chất rất phức tạp, nhất là vấn đề đất và nước. Nước ngầm ở đây có nhiều nhưng không ở trong tầng chứa than. Cụ thể, ở tầng đệ tứ từ mặt đất xuống chiều sâu 150- 200m rất nhiều nước nhưng lại không có vỉa than nào cả. Tầng neogen có hàng trăm vỉa than nhưng lại rất ít nước.

 

Đồng bằng sông Hồng là nơi địa chất rất phức tạp, nhất là vấn đề đất và nước.

 

Vấn đề lo ngại là là khi khai thác nước chảy từ tầng đệ tứ xuống neogen. Ngoài ra, đất đá ở sông Hồng rất mềm xốp khiến công tác đào bới dễ dàng nhưng khả năng chống giữ lò than lại rất khó. Ở Quảng Ninh khi đào lò, chúng ta chỉ chống hai bên nóc và hông. Nhưng ở sông Hồng, vừa phải chống trên nóc, hai bên hông lại và dưới nền.

Bên cạnh đó, vùng Đồng bằng sông Hồng rất nhạy cảm, gắn với nhiều dự án về quy hoạch xanh các đô thị trọng điểm, đây là vùng đất phù sa màu mỡ, nơi dự trữ tiềm năng an toàn lương thực quốc gia nên đặt vấn đề khai thác than phải không ảnh hưởng đến đất trồng lúa, không làm biến đổi khí hậu, sinh thái vùng.

GS.TS Trần Văn Trị (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: “Phải lưu ý nền địa chất ở ĐBSH là đất xốp. Nếu có sụt lún xảy ra sẽ không sụt thẳng mà giống một ngôi nhà bị sụt, nó sẽ kéo theo nhà bên cạnh, dù ít hơn và dẫn tới phản ứng dây chuyền sang cả khu vực xung quanh. Chúng tôi gọi hiện tượng này là sụt lan toả. Khi ấy, không lường hết được tác hại.

Nhìn lại quá trình khai thác mỏ than Đông Bắc trong nhiều năm qua, 70% mỏ than Quảng Ninh sử dụng phương pháp khai thác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, điều lo ngại nhất đối với bể than sông Hồng là sẽ lặp lại thực trạng như ở vùng than Đông Bắc? Đó còn chưa kể đến, những quan ngại liên quan đến vấn đề sụt lún. Ngoài ra còn vấn đề môi trường vì than tạo ra nhiều khí thải, gây ra biến đổi khí hậu. Nếu khai thác cấp tập quá, ồ ạt quá, nhanh quá chắc chắn phải trả giá bằng môi trường.

Than ở bể than Đồng bằng sông Hồng phân bố dưới sâu, nếu khai thác có thể phải khoan đến 2.000m. Khi than ở sâu, nó có khả năng ảnh hưởng đến nước ngầm. Ngoài ra, do tầng đá khu vực này không bền vững, dễ sụt lún, lại nằm dưới khu vực đông dân cư nên các dự án khai thác phải đi từng bước thận trọng, theo đúng trình tự: điều tra, thăm dò, khai thác thử nghiệm và khai thác nhằm đảm bảo không rủi ro, có lợi ích kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường sống.

 

…đến bài toán kinh tế

Nói về bài toán kinh tế, một số chuyên gia cho rằng khai thác ở độ sâu cả ngàn mét thì chắc chắn sẽ tốn kém hơn khai thác than các mỏ tại Quảng Ninh. Phí khoan thăm dò rất lớn, đặc biệt với yêu cầu khoan sâu như ở bể than Đồng bằng sông Hồng.

Qua tính toán sơ bộ, chi phí khảo sát này chia làm hai giai đoạn, từ 2010-2015 sẽ tốn khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng quá trình khảo sát đến 2020 ước cũng phải mất tới 6.000 tỉ đồng. Đó mới là chi phí để xác định trữ lượng than cụ thể là bao nhiêu, phân bố thế nào... để trả lời câu hỏi có nên đầu tư cho khai thác không, còn chi phí cho công nghệ, khai thác lại khác.

 

Khai thác than bằng phương pháp lộ thiên ở Quảng Ninh đã và đang để lại hậu quả rất lớn về ô nhiễm môi trường và công tác hoàn thổ.

 

Hoàn thổ sau khi khai thác cũng là yếu tố cần được quan tâm: Hiện thế giới đã có nhiều công nghệ, có thể là khoan, rồi đốt cục bộ than bên dưới, khí hóa tài nguyên than hoặc khoan sâu xuống làm lò rồi lấy than... Công nghệ nào cũng yêu cầu hoàn thổ, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Công nghệ hiện nay đã đảm bảo sau khi khai thác than, người ta có thể bơm trở lại bên dưới vật liệu khác thay thế, chống sụt lún.

Ngoài ra, công tác quản lý cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu cho khai thác thì công tác quản lý, kiểm soát phải rất chặt chẽ, không thể để doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, không hoàn thổ, gây nguy hiểm cho toàn vùng.

Trong điều kiện các thông tin về địa chất mỏ còn rất hạn chế, để tránh rủi ro, việc triển khai các dự án thử nghiệm là hết sức cần thiết nhằm mục tiêu lựa chọn được những công nghệ phù hợp và có hiệu quả nhất, tận thu tối đa nguồn tài nguyên có hạn của đất nước, bảo đảm mọi điều kiện để người dân trong vùng tài nguyên ổn định, phát triển.

 

Đúng là bể than Đồng bằng sông Hồng nhạy cảm về môi trường, môi sinh và liên quan đến vấn đề an ninh lương thực. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương hoàn thành quy hoạch phát triển bể than sông Hồng với bước đi thận trọng, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài.

Đầu tiên, ngành than sẽ lựa chọn các khu vực có tiềm năng về trữ lượng và có điều kiện khai thác thuận lợi, ít ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh để triển khai các dự án thử nghiệm. Trên cơ sở đó, sẽ mở rộng các nhà máy khai thác với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và an ninh năng lượng quốc gia.

Riêng về giải pháp bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương xác định: Phải đầu tư thỏa đáng cho vấn đề này, làm sao đến năm 2015 đạt chỉ tiêu về môi trường; mục tiêu tới năm 2020 đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường trong các vùng mỏ. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo ngành Than thực hiện một số giải pháp như tăng cường công tác bảo vệ môi trường; theo dõi, quan trắc đo đạc các tiêu chuẩn về môi trường; xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường

 

Văn Dũng