Mưu sinh ở chợ đêm

13:40 | 23/12/2012

1,460 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời tiết Hà Nội bắt đầu rét đậm, kéo theo những gió lạnh len lỏi vào mọi ngõ ngách. Khi hàng triệu người dân Thủ đô đang ngon giấc thì cũng là lúc những người buôn bán bắt đầu một đêm làm việc cực nhọc tại nhiều chợ đầu mối như: chợ Ngã Tư Sở, chợ Hà Đông, La Khê, Mai Động.

Chúng tôi trò chuyện với anh Hoàng Tiến Hùng, 30 tuổi, là người đi buôn lâu năm ở chợ Hà Đông. Anh Hùng cho biết, hàng ngày, anh phải dậy từ 12h đêm, chuẩn bị hàng hóa, xe thồ khẩn trương tới chợ. Nhà cách chợ khoảng 20 cây số, đi đêm, hàng thồ lại nặng, thực sự không phải là công việc nhẹ nhàng.

“Có những hôm mưa gió, sấm chớp, quãng đường đi xuống cấp, không đèn, tối om như mực. Có lần tôi còn bị đâm xuống lề đường. Cả người, cả xe lộn nhào. Một mình lại thui thủi xếp lại hàng hóa. Hàng hóa thì toàn rau, củ, quả bị nát nhừ khiến ế ẩm cả phiên.”  Anh vừa kể, tay quệt ngang trán, mặt lấm láp bụi đêm, vừa rao hàng: "Mua rau đi chị ơi!"

Làm nghề này vất vả nhưng thu nhập không đáng là bao. Khi được hỏi về số tiền kiếm được, anh Hùng ngậm ngùi: “Số tiền kiếm được chỉ đủ sống qua ngày. Cực lắm! chẳng ai muốn theo nhưng tại hoàn cảnh mà ra. Ở làng, người già trẻ nhỏ thì trồng rau. Thanh niên khỏe mạnh đi làm công trường, xưởng máy. Trung niên như chúng tôi không đi buôn cũng chẳng biết làm cái gì. Cứ ở nhà bán mặt vào đất mãi lấy gì mà ăn. Mà có người làm ruộng thì phải có kẻ đi bán...".

Đêm thì anh Hùng đi bán hàng, sáng về ngủ chợp mắt, chiều anh lại làm ruộng. Ở nhà hết thứ bán thì đi mua nhà khác. Tối mò gia đình anh vẫn ở ao đình rửa rau.

Người bán buôn tại chợ đêm La Khê, Hà Đông

Anh tự ví mình như con "ma đêm", vất vả nhiều cũng thành quen. Đó là việc mà cha mẹ, ông bà anh trước đó cũng đã làm, muốn cho con đi ăn, đi học bằng bạn bằng bè phải lao thân mà kiếm sống thôi.

Những năm gần đây đi buôn còn đỡ vất vả, chợ cũng quy củ hơn. Chứ thời gian trước, anh còn phải thồ bằng xe đạp, trộm cắp rình mò, bán được đồng lãi thì vé đường, vé chợ… Khổ trăm bề!

Câu chuyện của vợ chồng nhà anh Vũ Văn Sáng và chị Nguyễn Thị Lan đi buôn chuối tại chợ La Khê còn cám cảnh hơn.

Nghe chị Bùi Thị Thành ở Hà Tây đi buôn cùng  kể lại, vì đi đêm thiếu ngủ, hai vợ chồng anh vừa đi xe vừa mắt nhắm mắt mở, bị xe cán. Chị Lan bị quăng ra ngoài, xe tải cán mất tại chỗ. Anh Sáng bị gãy một chân. Nói đến vậy, Chị Thành chỉ tay vào người đàn ông cuối chợ: "Anh Sáng đấy, tai nạn rồi vẫn đi chợ. Bây giờ không đi được xe máy nữa mà anh thồ hàng bằng con xe lam ba bánh...”.

Vết thương do tai nạn để lại đã lành sẹo nhưng những lúc trái gió trở trời vết thương lại nhức, tấy. Tiền mua thuốc chữa trị ngốn hết hai phần ba số tiền kiếm được sau mỗi phiên chợ. Anh còn phải đèo bòng nuôi hai người con học đại học. Tiền đóng học cho con cái, chu cấp cho con ở trọ thực sự là quá tải đối với một người đi buôn như anh.

Mua bán nhanh cho kịp chợ sáng

Chị Bùi Thị Thành, người trò chuyện với tôi cũng có hoàn cảnh không khá hơn. Một mình chị đi chợ nuôi mẹ già, con gái lớn đi làm xa, còn lại hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Bản thân chị lại mang bầu đứa thứ tư, ốm nghén suốt. Chị bị thấp khớp, nên mỗi khi thời tiết lạnh, bệnh lại dữ hơn. Vì chồng bắt có bằng được con trai nên mới vất vả như vậy.

Chồng chị bị hệnh hen suyễn, nhưng nghiện rượu, thất nghiệp. Mỗi lần con rượu vào người, anh lại đánh chửi vợ con. Chị đi chợ cũng vì thương đàn con, mẹ già.

Hôm nay phiên chợ đêm còn mất điện. Những ngày mưa gió chợ thường mất điện như thế. Chỉ có những người dân buôn vẫn lọ mọ rao hàng. Nước mưa nháp nhơ lẫn ánh đèn pin mập mờ.

Đâu đó nơi góc chợ vẫn thắp lên những ánh đèn để họ đủ biết sớm mai con cái họ sẽ áo ấm tới trường, mẹ già có thêm thức quà sáng. Họ lại tan chợ, trở về mái ấm, kết thúc một ngày mưu sinh chợ đêm.

Hoàng Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc