Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam:

Năm 2030, 4 triệu đàn ông sẽ “ế” vợ

09:06 | 26/08/2012

2,592 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” (có một con trai là đã có con, có 10 con gái coi như vẫn chưa có con), tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vốn xuất phát từ nếp nghĩ phong kiến xưa kia vẫn còn “nặng” trong nhiều người Việt hiện nay. Phải có người nối dõi tông đường, phải có người “chống gậy”... nên bằng mọi giá phải có con trai. Chính quan niệm đó đã làm cho tỷ lệ mất cân bằng giới khi sinh của Việt Nam đứng ở hàng cao nhất thế giới.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Theo thống kê của Tổng cục Dân số & Kế hoạch hóa gia đình, năm 2000, tỷ lệ sinh là 106 bé trai/100 bé gái, đến năm 2008, tỷ lệ này tăng lên 112 bé trai/100 bé gái. Đến tháng 7/2011, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên, trong đó đáng kể nhất phải nói đến 10 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng... với tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao như: 115 bé trai/100 bé gái, 131 bé trai/100 bé gái...

Theo đánh giá của các chuyên gia dân số trong nước và quốc tế, có một sự thay đổi nhanh bất thường trong tỷ số giới tính khi sinh trong 5 năm trở lại đây làm cho Việt Nam ngang bằng với Ấn Độ, Gruzia, Pakistan... là những quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất thế giới. Thậm chí có những năm, sự gia tăng lên đến 1%/năm. Và đáng chú ý nhất là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh này diễn ra ngay ở lần sinh đầu tiên, chứ không cần phải chờ đến lần sinh thứ hai, thứ ba... nhất là ở khu vực thành thị. Người ta cũng thống kê: càng người có học thức cao thì sự mất cân bằng giới tính khi sinh càng cao.

Có một chuyện mà kể ra đây sẽ khó có người nào tin được: Ngay giữa thời hiện đại này, một nữ tri thức “chữ nghĩa đầy mình”, du học về, sống giữa lòng thủ đô Hà Nội lại khóc như mưa khi biết tin anh trưởng của gia đình cô không sinh được con trai mặc dù đã ở lần sinh thứ 3. Cô có hai anh trai, người nào cũng có 2 con. Mặc dù các con của anh trai thứ đều là trai, nhưng anh trai cả của cô chỉ có 2 “vịt giời” khiến bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà... sẽ không ai hương khói. Cô cùng anh em họ tộc khuyến khích người anh cả “liều” một phen để có được “thằng cu”, bỏ qua quy định, bị kỷ luật cũng chấp nhận. Đủ 9 tháng 10 ngày, lúc vợ anh đang nằm trong phòng sinh thì anh em họ tộc “rồng rắn lên mây” đứng chờ “tin vui” bên ngoài. Đến khi bác sĩ báo tin: “Con gái xinh lắm!”, cả đoàn người ấy ủ dột, lũ lượt kéo nhau về trong không khí căng thẳng. Anh trai cô chết đứng như trời trồng. Cô nói trong nước mắt: “Em thương anh quá mà không biết làm gì. Thôi dòng họ nhà mình “số” không có cháu đích tôn, không có người hương khói “chính thống” thì đành chịu vậy”. Mà đâu chỉ khóc với anh, mỗi lần nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp cô đều khóc như vậy vì thương thay cho anh trưởng và dòng họ nhà mình hình như “chưa có phúc”.

Người có học thức ở thành thị đã vậy, ở nông thôn quan niệm “có trai hơn gái” còn nặng nề hơn nhiều bởi nếp sống, nếp nghĩ theo phong kiến xưa kia còn đậm nét. Tôi có ông anh họ, quê ở miền Trung du Bắc Bộ, đã có đến 4 con gái rồi nhưng vẫn muốn kiếm “cái thằng chống gậy”. Khổ nỗi, tính toán từ cách ăn cách uống, từ chọn ngày thụ thai cho đến hướng nằm... mà chọn ngay từ lần sinh đầu tiên chứ không phải từ những lần sinh sau, vậy mà vẫn không được như ý. Thậm chí, có lần vợ anh có bầu, đi bắt mạch người ta bảo: “Con gái”, thế là anh bắt bỏ đi. Tôi bảo: “Thế thì anh còn đẻ nữa làm gì. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, đâu phải cứ tính toán là được. Nhưng anh nói, anh “ngấm” cái sự của người đàn ông chỉ có con gái lắm rồi, người ta coi không ra cái gì: Nào là “ông này sinh lực kém nên chỉ đẻ toàn gái”, nào là “họ nhà ông tiệt giống rồi vì cả họ chỉ trông vào ông mà ông không đẻ được con trai thì lấy đâu ra người kế tục”. “Đau” hơn nữa, mỗi lần họ hàng, làng xóm tổ chức hội hè hay cỗ bàn, anh toàn bị xếp ngồi “chiếu dưới” và bị chỉ trích, châm chọc: “Sau này, khi về với tổ tiên, ông phải đi ăn đậu ở nhờ”. Hay: “Ông làm để làm gì? Làm mà để cho thằng khác hưởng thì đừng làm”... Vì vậy, bằng mọi cách anh phải đẻ được con trai, kể cả phải bán cả cơ ngơi gồm nhà cửa, ruộng đất đi. Anh đã tính sang tận Thái Lan (chứ không thèm ra Hà Nội) để “cấy giống”, để làm “thằng cu” mặc dù có lẽ cả sản nghiệp nhà anh bán đi cũng không đủ tiền đi “cấy giống” như thế.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Kể những chuyện trên đây để thấy, tâm lý của người Việt thích con trai như thế nào và vị thế của người con trai trong xã hội ra sao so với con gái. Đúng như ông Bruce Campbell, đại diện của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) đã nhận định trong một hội nghị về mất cân bằng giới tính tại Hà Nội: “Nguyên nhân gây nên tình trạng mất cân bằng giới khi sinh ở Việt Nam chính là quan niệm truyền thống, sự ưa thích cố hữu có con trai để nối dõi tông đường. Đây là một quan niệm đã ăn sâu trong suy nghĩ, nếp sống của người Việt từ ngàn đời nay”.

Bên cạnh nguyên nhân cốt yếu đó, ông Bruce Campbell đồng thời cũng đưa ra những nguyên nhân làm cho tình trạng này ngày càng tăng là điều kiện kinh tế, học vấn, chẩn đoán giới tính trước khi sinh, nạo phá thai ngoài ý muốn... Trong đó, với nguyên nhân vì kinh tế, học vấn, ông Bruce Campbell đã chứng minh: Theo thống kê của UNFPA, ở các nhóm bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn: tỷ số giới tính khi sinh là 107,1; nhóm bà mẹ có trình độ THPT và học nghề là 111,4; ở nhóm trình độ cao đẳng trở lên chỉ số này cao nhất tới tận: 114. Và ở phía Bắc tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao hơn thành thị. Ở phía Nam lại ngược lại: thành thị cao hơn nông thôn.

Các chuyên gia Tổng cục Dân số & Kế hoạch hóa gia đình nhận định: Cùng với nguyên nhân chính là “sính” con trai thì nguyên nhân phụ trợ thứ nhất là do chúng ta chưa có chế độ an sinh tốt nên người già vẫn trông cậy vào sự nuôi dưỡng của con trai theo phong tục chung của người Á Đông. Nguyên nhân phụ trợ thứ hai là số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay đạt 2,08 con, là mức sinh thấp - kết quả của công cuộc giảm sinh của Nhà nước ta bao nhiêu năm qua - do đó dẫn đến mâu thuẫn: Muốn chỉ có 1-2 con nhưng phải có con trai nên một số người dân cố tình đẻ con trai. Nếu không phải là con trai mà là con gái được họ phát hiện trong thời kỳ thai còn nhỏ, họ sẽ tìm cách loại bỏ. Nguyên nhân thứ ba: Chúng ta chưa có chính sách ưu tiên rõ rệt cho nữ giới, dù đã có bước tiến trong bình đẳng giới. Nguyên nhân cuối cùng là một số ngành nghề vẫn đòi hỏi phải có lao động là nam giới nên nhiều người cần đẻ con trai, ví dụ như vùng biển.

Với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam như hiện nay, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cảnh báo nguy cơ mà tình trạng này mang lại: Sẽ thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai - thay đổi tỷ lệ giới tính ở các nhóm tuổi kéo theo sự thay đổi cơ cấu nghề; Thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình, dẫn đến tình trạng một tỷ lệ nam giới sẽ phải trì hoãn cưới xin, còn tồn thừa ở độ tuổi cao hơn; Cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể... Nhưng nghiêm trọng nhất là hệ lụy: Chỉ trong vòng 20 năm nữa, từ 2,3 triệu - 4,3 triệu nam giới Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ không lấy được vợ Việt Nam, thậm chí sống độc thân. Và từ nguy cơ này, tình trạng gia tăng tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục, buôn bán, bắt cóc bé gái, phụ nữ dưới hình thức hôn nhân sẽ gia tăng nhanh chóng, gây hỗn loạn an ninh trật tự xã hội...  

Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan hữu trách trong nước quả thực vẫn còn đang lúng túng trong việc thực thi các giải pháp. Bởi minh chứng cụ thể nhất là việc nghiêm cấm chẩn đoán giới tính bào thai trước khi sinh và chọn lọc giới tính mặc dù đã được áp dụng từ năm 2006, nhưng thực tế đến nay tại các cơ sở siêu âm, khám thai... của cả công lập và ngoài công lập vẫn diễn ra những hành vi này.

Theo đại diện của Tổng cục Dân số & Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Việc bắt quả tang những hành vi trên rất khó khăn bởi nó được nấp sau danh nghĩa hoạt động chuyên môn và không bao giờ để lại chứng cứ. Trong khi đó, lực lượng thanh tra lại mỏng nên việc xử lý, giám sát các cơ sở siêu âm, nạo phá thai... đang nằm ngoài tầm kiểm soát. “Cho nên phải tuyên truyền và nâng cao ý thức tuyệt đối của các cán bộ y tế trước tiên” đó là giải pháp chung mà các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề ra cho Việt Nam. Cùng với đó, phải tuyên truyền sâu, rộng trong xã hội về giới tính để có thể thay đổi hành vi toàn diện của mỗi cá nhân, đặc biệt là những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ (cả nam và nữ); Xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp vi phạm bằng cách rút giấy phép hành nghề của những cơ sở, nhân viên y tế cố tình làm sai quy định...

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn khẳng định: “Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế mà còn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tại 10 tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất. Bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước”.   

Tú Anh

Năng lượng Mới số 149, ra ngày 24/8/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc