“Ngắc ngoải” vì khí độc (!)

07:03 | 15/09/2014

1,060 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã vài năm nay, cuộc sống của nhiều người dân thuộc hai xã Bích Hòa và Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị ảnh hưởng bởi mùi cao su và nhựa tái chế khét lẹt bốc lên nồng nặc từ một cơ sở sản xuất, tái chế nhựa. Khí thải vẫn đang bủa vây cuộc sống những người dân nghèo mà chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết.

Năng lượng Mới số 355

2.000 người hít khí độc

Cuộc sống của nhiều người dân thuộc 2 xã Bích Hòa và Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực từ khi cơ sở sản xuất, tái chế nhựa Đồng Thành (do hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nhất và bà Nguyễn Thị Huệ làm chủ) hoạt động cách đây khoảng 6-7 năm. Nhiều người dân sinh sống gần cơ sở này phản ánh họ thường xuyên ngửi thấy mùi nhựa, cao su cháy bốc lên nồng nặc từ cơ sở này khiến cho họ cảm thấy rất khó thở, cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để tìm hiểu thực hư nguồn tin, chúng tôi tìm đến xã Bích Hòa, nơi cơ sở Đồng Thành hoạt động. Cơ sở sản xuất, tái chế nhựa Đồng Thành thường thu gom các loại dây nhựa, ống nhựa, ống cao su và các loại nhựa phế thải khác để tái chế để sản xuất loại xô nhựa màu đen chuyên đựng vôi vữa xây dựng, các loại khung tranh ảnh nhựa, ống nhựa, dép xốp...

Tuy cơ sở này nằm trên phần đất của xã Bích Hòa nhưng cứ mỗi khi lò nấu nhựa hoạt động thì khí thải, mùi nhựa, cao su khét lẹt từ đây lại theo gió lan tỏa đến xã Cự Khê ở bên cạnh.

Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Mỹ, xã Cự Khê) bức xúc: “Mùi nhựa rất kinh khủng, cứ mỗi lần cơ sở này hoạt động là khói và mùi hôi khét của nhựa lại theo gió tạt xuống nhà tôi và một số nhà bên cạnh khiến cho chúng tôi cảm thấy rất khó chịu. Ban ngày đã khổ, buổi tối lại càng khổ hơn, không sao ngủ nổi. Gần chục năm nay chúng tôi đã phải sống trong cảnh này rồi. Dân đã có ý kiến gửi lãnh đạo xã mà chẳng thấy có chuyển biến gì, nhắc nhở mấy lần xong đâu lại vào đấy. Sản xuất mà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh như thế thì thật sự là khiến người dân cảm thấy rất khốn khổ và bức xúc”.

Cùng chung quan điểm, bác Phạm Văn Lực (xã Bích Hòa) - một người dân sống gần cơ sở Đồng Thành cho biết: “Nhà tôi cũng làm nhựa tái chế nên không lạ gì những mùi khét do việc đốt nhựa để sản xuất gây ra. Thế nhưng quả thực, tôi cũng không thể ngửi được mùi hôi khét nồng nặc từ cơ sở Đồng Thành (chỉ cách chưa đầy 100m). Có thể, do tiết kiệm chi phí nên họ đã thu mua những loại nhựa rẻ tiền, chất lượng kém, lò đốt lại không đảm bảo vệ sinh nên khi đốt đã tạo nên những mùi khét kinh khủng ấy”.

Khí thải kinh khủng đến nỗi một số nhà xung quanh phải đóng kín cửa, người dân phải bịt khẩu trang để tránh hít phải làn khí độc hại này. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè, trời oi bức thì đây đúng là một “cực hình”. Trong khoảng 6-7 năm nay, số người cao tuổi và trung niên bị mắc bệnh ung thư, trẻ nhỏ nhiễm các bệnh về đường hô hấp tại hai xã Cự Khê và Bích Hòa ngày càng nhiều và theo một số người dân thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này có thể do do họ hít phải khí độc trong thời gian dài.

“Ngắc ngoải” vì khí độc (!)

Hàng đống ống cao su, dây nhựa phế thải chờ tái chế được thu gom và chất ngổn ngang phía sân bên trái của cơ sở Đồng Thành

Huyện, xã làm ngơ

Mặc dù người dân bức xúc vì việc cơ sở sản xuất Đồng Thành gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân đã nhiều năm và họ đã có nhiều lần có ý kiến gửi lãnh đạo xã để mong muốn chính quyền địa phương có phương án can thiệp nhằm giúp người dân khắc phục được tình trạng khốn khổ vì hít phải khí độc này, thế nhưng kết quả vẫn không được như phần lớn người dân mong đợi.

Một điểm đáng chú ý là cơ sở Đồng Thành là do hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nhất và bà Nguyễn Thị Huệ làm chủ. Ông Nguyễn Hữu Nhất từng là Chủ tịch xã Bích Hòa và hiện giờ đang là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Oai. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch xã Bích Hòa lại nói rằng ông không hề nhận được bất kỳ lá đơn khiếu nại, phản ánh nào của người dân về tình trạng này, chính vì thế rất khó có căn cứ để giải quyết.

Và trong khi nhiều người dân hai xã Bích Hòa và Cự Khê chịu đựng ô nhiễm không khí do hoạt động nấu nhựa của cơ sở Đồng Thành gây ra thì UBND huyện Thanh Oai lại có văn bản trong đó cho biết cơ sở Đồng Thành đã tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đáng ngạc nhiên là từ đầu đến cuối văn bản này không hề có một dòng nào đề cập đến tình trạng ô nhiễm và hậu quả mà người dân đã phải hứng chịu do nguồn khí thải độc hại từ cơ sở này gây ra.

Cụ thể, trong Văn bản số 96/UBND - TNMT ngày 26-2-2013 do Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai - ông Lê Tuấn Anh ký, đã khẳng định cơ sở sản xuất nhựa Đồng Thành “qua kiểm tra và báo cáo của chủ cơ sở sản xuất thì trong quá trình hoạt động, cơ sở đã thực hiện nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo giải pháp bảo vệ môi trường…; đồng thời đã thực hiện chương trình giám sát môi trường”.

Trong khi đó, ngày 25-1-2013, UBND TP Hà Nội lại có Văn bản số 920/UBND-TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Thanh Oai yêu cầu UBND huyện này kiểm tra, xử lý sự việc. Ngày 27-2-2013, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Công văn số 1528/UBND-TNMT “đốc” Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì với UBND huyện Thanh Oai xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Phát, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho biết: “Chuyện cơ sở sản xuất Đồng Thành sản xuất, tái chế nhựa thải gây ảnh hưởng đến người dân là có thật. Tuy nhiên, khoảng đầu năm nay chúng tôi đã kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiểm tra và nhắc nhở cơ sở này. Cơ sở của ông Nhất đã có báo cáo giải pháp bảo vệ môi trường và đã được phê duyệt”.

“Ngắc ngoải” vì khí độc (!)

Nhựa sau khi đốt được cơ sở này mang ngay ra đường để phơi khô

Trong khi đó, nhiều người dân hai xã Bích Hòa và Cự Khê vẫn đang từng ngày, từng giờ mong mỏi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, thực tế kiểm tra khách quan để chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống dân sinh mà cơ sở nhựa kia đã và đang gây ra trong những năm qua.

Ông Phạm Văn Lực (xã Bích Hòa) cho biết: “Người làng người nước với nhau cả, chúng tôi không muốn kiện cáo làm gì cho phiền phức, mất tình nghĩa xóm giềng ra. Người dân chúng tôi chỉ muốn sống trong một môi trường yên bình, không độc hại, thế nhưng quả thực cơ sở sản xuất nhựa của vợ chồng ông Nhất - bà Huệ gây nhiều tác động lớn đến cuộc sống của chúng tôi. Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

Đăng Đức

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc