Mang máy ghi âm, thu hình vào phòng thi:

Ngành giáo dục "cậy nhờ" học sinh để... chống tiêu cực!

07:00 | 24/01/2013

655 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trước thông tin Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi các vật dụng liên quan việc làm bài thi mà gắn linh kiện điện, điện tử, đại diện một số trường ĐH, CĐ đã bày tỏ sự lo ngại.

>> DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP THPT: Thí sinh sẽ được mang máy ghi âm, camera vào phòng thi?!

>> CHO PHÉP THÍ SINH MANG CAMERA, MÁY GHI ÂM VÀO PHÒNG THI: Bộ Giáo dục - Đào tạo đã bất lực?!

 

Các trường lo ngại

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT vừa ban hành cuối tháng 12/2012, Bộ GD-ĐT dự kiến cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi, và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. 

Và thí sinh chỉ bị đình chỉ thi khi mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi mà không đúng quy định, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi (dù chưa sử dụng).

Điều này được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi.

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường ĐH, CĐ đã bày tỏ sự lo ngại trước việc “thả” cho thí sinh sử dụng những thiết bị ghi âm, ghi hình trong quá trình làm bài thi.

Đại diện Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng không nên sử dụng thí sinh để tố cáo tiêu cực.

 

Đại biểu Trần Hữu Nghị (Hiệu trưởng trường DL Hải Phòng) cho biết: “Bộ GD-ĐT nên cân nhắc lại việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, bởi điều này có thể gây rối cho việc thi tuyển và lực lượng giám thị, cán bộ không thể kiểm soát được”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên chạy theo dư luận và tự làm khó mình trong việc “phân nhánh” lực lượng để kiểm soát việc sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình của thí sinh khi mang vào phòng thi.

Đồng quan điểm với các đại biểu, đại biểu Sở GD-ĐT Nam Định cũng cho rằng: “Việc tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử mà Bộ GD-ĐT đưa ra là rất đúng đắn. Tuy nhiên, thay vì sử dụng lực lượng học sinh để tố cáo tiêu cực, thì nên chăng lựa chọn lực lượng khác để kiểm soát tính trong sạch của kỳ thi”.

Bên cạnh đó, một số đại diện trường khối Nghệ thuật cũng chia sẻ quan điểm về việc ghi âm, ghi hình trong phòng thi. Đại diện trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW, ông Phạm Lê Hòa cho biết: “Việc mang máy ảnh, máy ghi âm vào phòng thi, Bộ GD-ĐT nên quy định rõ, nếu Hiệu trưởng trường nào tự nhận thấy đủ điều kiện để kiểm soát thì cho mang vào, nếu không thì thôi. Tuy nhiên theo tôi, việc mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng kỳ thi và tâm lý của thí sinh trong quá trình làm bài thi”.

“Hiện tượng Đồi Ngô nếu không phải thí sinh thì ai phát hiện được?”

Trước những lo ngại, băn khoăn của đại diện các trường ĐH, CĐ về việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Đây không phải là sáng kiến của Bộ mà là vấn đề của thực tiễn đã phát sinh. Chúng ta có quy định cấm nhưng thí sinh vẫn mang vào, ghi hình, ghi âm và phát tán lên mạng, gây ra hậu quả lớn. Và sau này chúng ta cũng không xử lý thí sinh vi phạm. Nếu chúng ta không cho mang vào nhưng thí sinh vẫn mang vào, quay phim và phát tán thì chúng ta xử lý ra sao? Thay vì ở thế bị động, chúng ta nên giành thế chủ động và cho phép”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ cũng đã có quy định rõ ràng về nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế thi là ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp trung ương và cấp tỉnh hoặc thanh tra giáo dục các cấp. Đồng thời, người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Phải gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Khi chúng ta cho phép việc ghi âm, ghi hình trong phòng thi một cách đàng hoàng mà thí sinh vẫn phát tán, gây dư luận xấu thì phải xử lý”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Đây không phải là sáng kiến của Bộ mà là vấn đề của thực tiễn đã phát sinh".

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra vấn đề, tất cả quy chế tuyển sinh từ trước đến nay đều dựa trên tiền lệ: cán bộ coi thi, giám thị, thanh tra … “đều rất chuẩn và đúng”. Bởi đó là những người đi giám sát, đảm bảo kỳ thi an toàn, đúng quy chế.

Tuy nhiên, ngoài bộ phận lớn các cán bộ giám thị, thanh tra làm tròn nhiệm vụ, thực tế chỉ ra, hiện tượng giám thị vi phạm, hiện tượng cán bộ quản lý nhà trường, lãnh đạo Hội đồng thi và lực lượng công an vi phạm không phải cá biệt.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việc cách lý khu vực thi là tốt nếu các lượng lượng trung thực, nghiêm túc. Và nó cũng sẽ vô tình trở thành “nối giáo cho giặc”, tiếp tay cho tiêu cực nếu trong nội bộ có sự biến chất, thoái hóa. Hiện tượng Đồi Ngô nêu không phải thí sinh thì ai phát hiện được?.

Chúng ta không bắt buộc các thí sinh mua các thiết bị ghi âm, ghi hình nên phần lớn các thí sinh sẽ không mang các thiết bị đó vào phòng thi. Nhưng nếu thi sinh nào không bằng lòng với sự không trung thực và tiêu cực của ngành giáo dục và mong muốn chung tay với chúng ta thì chúng ta phải đón nhận, vì học sinh cũng là một chủ thể trong nhà trường. Điều quan trọng nhất là nó “giăng” lên trên đầu tất cả chúng ta sự kiểm soát vô hình đối với toàn bộ lực lượng tham gia kỳ thi và buộc chúng ta phải thực hiện nghiêm túc”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 cũng sẽ bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi các môn tự luận. Đề thi năm nay được cho biết sẽ đổi mới theo hướng ứng dụng các thành tựu của khoa học đánh giá, ma trận đề thi; tiếp tục ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.