Ngày xuân tung còn "đón" duyên

12:00 | 14/02/2013

1,101 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lễ hội tung còn thường chỉ thấy ở những bản, làng vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc – nơi có đông đồng bào các dân tộc anh em như: Thái, Mường, Nùng, Tày… sinh sống.

Người dân tộc Tày – Nùng khi vào những vùng đất đất mới như: Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước… để lập nghiệp, cũng đều mang theo những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc mình.

Cuộc sống trên vùng đất mới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân vẫn không quên những trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc mình. Đây là dịp để những cặp đôi nam nữ se duyên. Người Tày - Nùng thường tổ chức Lễ hội của mình vào ngày Mùng 3 Tết Nguyên đán.

Với dân tộc Thái, trò tung còn đưa tới thông điệp mong muốn âm – dương hòa hợp. Họ cầu mong con cái trong nhà đông đúc. Với người Mường, trò tung còn là dịp để nam thanh nữ tú có cơ hội gặp nhau, tìm hiểu rồi đến với nhau.

Riêng người Tày - Nùng trò chơi tung còn được hiểu như lời ước đầu năm, mong thiên nhiên thuận hòa, mùa màng bội thu, suốt năm may mắn.

Trò tung còn được chơi bằng cách dựng cột tre để tung còn cao từ 12 m – 15 m. Một đầu tre được vạt để buộc tấm ván ép hình tròn có đường kính khoảng 30 cm. Giữa tấm ván ép hình tròn có khoét thêm một lỗ tròn có đường kính khoảng 15 cm để người chơi ném quả còn chui vào.

Sau đó 2 mặt của tấm ván hình tròn được dán giấy màu vàng, xanh hoặc đỏ trang trí cho đẹp mắt và để thể hiện mặt âm – dương của trời đất, bên ngoài vành tấm ván ép còn gắn thêm những chùm lông gà, những sợi tua bằng giấy màu xanh đỏ trang trí khá đẹp mắt.

Tấm ván ép hình tròn được buộc vào đầu cây tre tàu, cột tung còn được dựng giữa một khoảng sân bằng phẳng. Hai đầu sân được vạch vôi nhằm làm mốc cho người đứng tung còn. Khoảng cách từ vạch vôi đến cột tung còn có độ dài 25 m.

Quả còn được thiết kế bằng 2 mảnh vải hình vuông có nhiều màu sắc, chu vi 10 cm x 10 cm. Sau khi khâu 2 mảnh vải vào nhau và chừa một lỗ nhỏ để bỏ thóc hoặc cát vào bên trong để quả còn có độ nặng (khoảng 100 gram – 150 gram) rồi may kín lại.

Quả còn được người chơi trang trí bằng cách “thắt nơ” bằng những sợi rua nhiều màu bắt mắt nhằm tạo cho quả còn có những múi hình vuông như bánh chưng.  Những người khéo tay, quả còn được may thành thành 12 múi gồm 12 màu. Hiện nay, đa phần người chơi tinh giản cách thức may quả còn nên chỉ may từ 4 đến 8 múi.

Sau khi may thành những múi còn, người chơi tạo những sợi dây vải dài khoảng 1 m đến 1,2 m và một đầu dây vào “nơ” quả còn. Trên sợi dây vải, cứ cách 20 cm lại được khâu thêm những sợi rua bằng vải dài khoảng 5 cm, với nhiều màu sắc để quả còn vừa đẹp vừa định hướng được đường bay khi tung lên không trung.

Người tham gia trò chơi phải là nam nữ thanh niên. Hiện nay, trò chơi được mở rộng ra nhiều tầng lớp trong xã hội từ thiếu niên, phụ nữ cho đến người già đều có thể tham gia cuộc chơi.

Sau khi đã chuẩn bị xong sân tung còn, người tham dự Lễ hội đông đủ, lễ chào cờ được ban tổ chức tiến hành trong không khí trang nghiêm, xúc động và phần hội tung còn bắt đầu.

Khi tung còn, đội nam và đội nữ được chia thành từng nhóm từ 5 đến 7 người. Nhóm nữ đứng riêng một đầu sân và nhóm nam đứng đầu sân tung còn phía đối diện. Lúc tung còn, người con gái đem theo một chiếc khăn tay, còn người con trai ai nấy để sẵn tiền trong túi mình.

Người con gái được chủ động chọn người bạn đời của mình và chỉ tung còn về hướng người con trai được chọn. Nếu người con gái tung quả còn lọt qua lỗ giữa mảnh ván tròn trên cột, người con trai phải buộc tiền của mình vào quả còn để ném trở lại.

Ngược lại nếu người con trai tung quả còn lọt qua lỗ thì người con gái phải lấy tiền bỏ vào khăn tay của mình buộc vào quả còn ném trở lại. Lễ hội tung còn cứ thế kéo dài đến Rằm tháng Giêng mới dừng.

Sau đó vào ngày 30 tháng Giêng âm lịch hội làng lại dựng cột để tung còn thêm một ngày nữa, sau đó trai làng nào trở về làng đó để bắt đầu mùa vụ mới.

Trò chơi tung còn chỉ dừng lại khi có 5 đến 10 người tung quả còn của mình xuyên qua vòng tròn được gắn trên ngọn tre. Người có quả còn ném xuyên vòng tròn sẽ nhận bao lì xì từ 50.000 đồng - 250.000 đồng từ ban tổ chức như một phần thưởng tượng trưng cho may mắn.

Sau khi phần thưởng được phát cho các đội, cho những người thắng cuộc trong các trò chơi của lễ hội tung còn. Ban tổ chức tiếp tục trò chơi “lày cỏ” (giống như trò “oẳn tù tì” trẻ con hay chơi - PV) để kết thúc lễ.

Phần thưởng của trò “lày cỏ” thường là những viên kẹo ngọt ngào kèm theo ly rượu “nước mắt quê hương” (loại rượu gạo của người Tày – Nùng được ngâm dưới giếng hoặc sông suối, khi uống vào mát lạnh như nước đá dù giữa trời nắng gắt – PV) dành cho người thắng cuộc.

Petrotimes gửi đến độc giả chùm ảnh Tung còn ngày Xuân của người dân tộc Tày – Nùng tại tỉnh Bình Phước.

Chuẩn bị cột.

Đào lỗ chôn cột.

Buộc vòng tròn vào cột tung còn.

 

Quả còn đã hoàn thành.   

Nam thanh, nữ tú tung còn.

Căn dặn “gà nhà” trong trò nhảy bao bố.

Người lớn cũng hồn nhiên chơi nhảy bao bố.

Trẻ con thích chơi trò kéo co.

Bế con đi chơi Lễ hội tung còn.

Ở đâu có trò chơi, ở đó có… quán giải khát.

Hào hứng tung còn.

Cùng tung nhé!

Người phụ nữ và quả còn do mình may để tung trong lễ hội.

Toàn cảnh trò chơi tung còn.

“Lày cỏ” trò chơi kết thúc Lễ hội tung còn.

Phương Ngọc 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc