Học sinh phổ thông:

Nghỉ Tết không yên

17:43 | 14/02/2013

866 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã thành “luật bất thành văn”: nghỉ Tết thì không giao bài tập về nhà bắt học sinh làm. Ngay ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội cũng phát biểu: “Tại sao người lớn đến Tết còn nghỉ làm thì lại bắt học sinh phải làm bài tập?”. Thế nhưng, vẫn có không ít trường dường như cố tình “quên” điều này và giao bài tập về nhà với số lượng còn hơn cả so với ngày thường để bắt học sinh làm trong dịp Tết.

Đón con ở cổng Trường tiểu học Thành Công A, Hà Nội vào ngày học cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chị Nguyễn Mai Hoa, ở khu tập thể Thành Công tưởng tượng sẽ bắt gặp gương mặt hân hoan, ánh mắt tràn ngập niềm vui của cậu con trai đang học lớp 2 ở trường này vì được nghỉ những 11 ngày để vui Tết. Ấy thế mà trái hẳn với hình dung của chị, bước ra khỏi cổng trường là nét mặt ỉu xìu như “bánh đa gặp nước” của con trai chị. Vừa nhìn thấy chị, con trai chị phụng phịu: “Mẹ ơi, mỗi ngày nghỉ Tết, con phải làm 1 phiếu luyện Toán hoặc Tiếng Việt vì cô giao về nhà cho con 12 phiếu bài tập ạ”. Nghe vậy, không những con mà ngay cả chị cũng thấy “choáng”. Chị chia sẻ: “Các cháu học cả năm cả đời chứ có phải chỉ học khoảng chục ngày ấy nữa là hết đâu mà cố nhồi nhét. Nhồi nhét cả năm học rồi giờ Tết lại còn giao cho học sinh hơn chục phiếu luyện tập. Cứ thế cho nên bảo sao trẻ con sợ học, hãi hùng khi nghĩ đến học…”. Chị nói tiếp: “Mà không cho con làm thì không được. Cho con làm thì thấy tội nghiệp nó quá. Thật là nghỉ Tết không yên”.

Ngày thường và ngày Tết có gì khác nhau.

Không chỉ lớp của con trai chị Hoa mà một số lớp khác ở Trường tiểu học Thành Công A cũng giao cho học sinh bài tập về nhà như vậy, như lớp 2A3, 2A5… với lượng phiếu luyện cũng ngót nghét hơn 10 phiếu. Mà mỗi phiếu luyện (Toán và Tiếng Việt đều như nhau) gồm khoảng 7 bài, như vậy tổng số ít nhất có 70 bài học sinh phải làm trong dịp Tết. Thế còn gì là nghỉ Tết. Khổ quá cho học sinh!

Giống như Trường tiểu học Thành Công A, học sinh Trường tiểu học Quang Minh B ở, Mê Linh, Vĩnh Phúc cũng giao cho học sinh bài tập về nhà trong dịp Tết. Một học sinh lớp 2 suốt trong dịp Tết chỉ đánh vật với bài tập mà không xong. Không xong không phải bởi lượng bài tập nhiều mà tính chất của bài toán nói chính xác là đánh đố học sinh. Bởi trong chương trình lớp 2 chưa học Toán biểu thức nhưng bài tập về nhà giao cho học sinh lại giải Toán biểu thức. Khó hơn nữa là loại bài đòi hỏi phải tư duy... của nhà toán học mới giải được. Ví dụ như: “Hãy tìm những số có tích và tổng bằng nhau”. Không biết Trường Quang Minh B có tham vọng biến học sinh của mình thành thần đồng hay không mà giao cho học sinh lớp 2 của mình những bài như vậy? Hay nhà trường muốn biến thời gian nghỉ Tết thành thời gian “khổ luyện” của học sinh?

Tương tự, học sinh THCS và THPT cũng “ngập đầu” trong bài tập Tết. Một học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội ca thán: “Được nghỉ khoảng chục ngày thì chúng em có gần 100 bài tập của các môn: Toán, Ngoại ngữ… Vì trung bình mỗi môn có từ 20 – 30 bài tập. Thôi thì Ngoại ngữ không kể đến bởi chúng em học chuyên, hơn nữa với đặc thù của môn này phải học liên tục nên làm bài tập của Ngoại ngữ cũng phải. Còn các môn khác nhiều quá làm chúng em thà không nghỉ Tết còn hơn”.

Nghỉ Tết vẫn phải lo làm bài tập.

Còn một học sinh lớp 9 thì phàn nàn: “Em phát “sốt” với các bài tập Tết, như Vật lý có 15 bài trong sách bài tập, Hóa cũng có 15 bài, Toán 12 bài, trong đó có 6 bài khảo sát hàm số dài lê thê, 6 bài hình học cực khó. Chưa kể Ngoại ngữ, Văn… Chỉ nghĩ thế thôi, em muốn “chết ngất”  trong dịp Tết”.

Thực ra, việc học sinh phải làm bài tập Tết nhiều và khó như trên trong dịp Tết không có gì là lạ, năm nào chả thế và đã là chuyện “biết rồi khổ lắm…”. Hơn nữa, giáo dục Việt Nam vẫn vậy, quanh năm ngày tháng, lễ Tết cũng như ngày thường nhồi nhét được bao nhiêu kiến thức là nhồi nhét, rất “duy ý chí” mà thiếu cân nhắc, suy xét một cách khoa học. Chả thế GS Hồ Ngọc Đại nói về ước mơ của một người làm giáo dục như ông rằng: “Điều đầu tiên và cũng giản dị tôi mong muốn ở ngành giáo dục là người lớn cần hiểu biết về trẻ em, ấy là nhìn thấy ở các em không phải là những người lớn thu nhỏ mà là nhìn thấy ở từng em một thực thể phát triển. Trước hết phải tôn trọng trẻ: Trẻ giỏi cái gì phải tôn trọng cái đó, thích cái gì ta tôn trọng cái tự nhiên đó. Đấy là nguyên lý căn bản của giáo dục…”.

Còn Nhà tâm lý Giáo dục Nguyễn Tùng Lâm đồng thời là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Dịp Tết không cần thiết phải giao bài tập về nhà, nhất là đối với bậc tiểu học. Tuy nhiên, các gia đình nên có kế hoạch cho con vui chơi có ý nghĩa như: tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, tìm hiểu truyền thống Tết. Tôi biết Bảo tàng Dân tộc học thường xuyên tổ chức các trò chơi mô phỏng sinh hoạt truyền thống Tết dân tộc. Nếu được tham gia học sinh sẽ thấy hấp dẫn, qua đó học được nhiều điều thú vị”. Và đó cũng là cách giáo dục học sinh hiệu quả và trọn vẹn.

Xuân Bách