Người Arem khó trăm bề

07:00 | 27/01/2013

2,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Arem là tộc người bước ra từ rừng sâu muộn màng nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Khi được phát hiện vào năm 1956, tộc Arem chỉ có 18 người sống như thời hồng hoang trong rừng sâu Phong Nha - Kẻ Bàng, săn bắt, hái lượm để kiếm miếng ăn, lấy vỏ cây để che thân, lấy hang đá làm nơi cư trú và ra sức chạy trốn khi thấy người lạ.

Sáu năm sau thì bộ đội biên phòng và cán bộ huyện Bố Trạch mới có thể tiếp cận và thuyết phục họ ra sống gần cây số 14 đường 20, cấp phát áo quần, thuốc men, giúp họ dựng nhà, làm nương rẫy. Không lâu sau đó, khu vực đường 20 bị Mỹ - Ngụy thả bom bắn phá ác liệt, người Arem sợ hãi bỏ bản tìm về các hang đá cũ, lại sống thời hồng hoang  trong thế giới riêng của họ.

Mãi đến năm 1985, bộ đội biên phòng mới phát hiện dấu tích của họ và kiên trì vận động họ về định cư. Năm 2003 Thành ủy và Ủy ban nhân dân TP HCM đã giúp đỡ tỉnh Quảng Bình xây cho tộc Arem 42 căn nhà, lập bản mới tại cây số 39 ngay bên đường 20, đặt tên là Bản 39. Tại thời điểm đó tộc người Arem có 42 hộ với hơn 150 khẩu. Quá trình thay đổi cuộc sống của người Arem thật vô cùng gian nan. Khó khăn vẫn luôn bám riết tộc người này. Tính đến cuối năm 2012, người Arem đã có 60 hộ với 280 khẩu sống tập trung tại Bản 39, xã Tân Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Bên ngoài lớp học mới

Chúng tôi đi quanh bản một lượt. Mọi cái ở đây đều toát lên sự tạm bợ, mong manh và nghèo nàn. Nhà cửa của người dân dựng theo “Chương trình 135” của Chính phủ và một số chương trình hỗ trợ khác, cái mới cái cũ nhưng đều hao hao giống nhau: vài bậc thang gỗ khập khiễng dẫn lên sàn nhà chừng 20-25m2 , một nửa là gian thờ cũng là gian khách và nửa kia là một buồng con con chứa mấy bao thóc mới tuốt về và một mớ lộn xộn gọi là áo quần vắt trên vách gỗ. Có khác chăng là những căn nhà của 42 hộ đầu tiên xây từ năm 2003 đến nay phên gỗ đã mục nát và rời ra, gỗ sàn nhiều nơi cũng bị mục.

Chắc chắn những ngôi nhà này chẳng còn làm được cái chức năng che gió che mưa cho con người bao lâu nữa. Dưới sàn nhà và dọc đường trong bản thấy gà, lợn, chó, bò đang kiếm ăn bên những đứa trẻ gần như trần truồng chạy lui chạy lại nhìn khách lạ. Rất ít gặp đàn ông và thanh niên trong Bản. Nghe bảo hầu hết họ đã đi “tìm tiền” trong rừng đã mấy ngày nay.

Ghé thăm trạm y tế xã, chúng tôi bất ngờ gặp lớp mẫu giáo. Trong căn phòng rộng khoảng hơn 8m2, cô giáo trẻ nhỏ nhắn tên Niên cố gắng lách người để đến tận nơi, cúi lom khom cầm tay uốn chữ cho từng cháu bé. Cô cho biết xã có hơn 35 cháu từ 3 đến 6 tuổi; do bản không có nhà mẫu giáo nên trạm y tế xã cho mượn căn phòng này làm lớp học. Chỉ có điều là do phòng chật quá, chỉ đủ chỗ cho 25 cháu nên 10 cháu không có chỗ ngồi đành chạy loanh quanh bên ngoài. Vài ba đứa đang đứng tò mò quanh chúng tôi lúc này, hớn hở cười khi thấy máy ảnh đưa lên. Vài ba đứa nữa lấm lem bốc đất ném nhau phía sau nhà, bên một cái hồ nhỏ chứa một thứ nước vàng đục được người dân cho biết là hồ nuôi cá.

Xã Tân Trạch có diện tích rất rộng, hơn 354km², nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi cấm mọi hành vi khai thác. Vì vậy, mỗi năm cả bản chỉ canh tác khoảng 20ha trên các rẫy cũ đã canh tác gần 10 năm nay. Phần vì thời tiết khắc nghiệt, phần vì đất rẫy bạc màu và phần nữa do bị khỉ, chuột, lợn rừng phá hại nên năng suất và sản lượng cây trồng ở đây rất thấp. Vụ này gia đình chị Y Vơ trỉa 1 thúng giống nhưng chỉ tuốt được 10 thúng thóc, gia đình ông Đinh Rầu trỉa gần 2 thúng ngô nhưng hầu như không thu hoạch được bắp nào.

Trong bản có 54 hộ nhận hợp đồng chăm sóc bảo vệ 1.000ha rừng và được Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mỗi năm được trả tất cả 100 triệu đồng. Khoản tiền này được quy đổi ra gạo và phí vận chuyển đưa vào cấp cho đồng bào. Mỗi kỳ giáp hạt, Ủy ban Nhân dân huyện Bố Trạch cấp phát khoảng 10 tấn gạo. Ông Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho biết, tính chung cả 3 nguồn gồm sản xuất, bảo vệ rừng và trợ cấp của huyện, người Arem có đủ lương thực để ăn trong khoảng 5-6 tháng (tính bình quân 10kg/người/tháng) và 6-7 tháng, còn lại người Arem phải “tự vận động”.

Phải thừa nhận là ông Bí thư có tài dùng chữ, bởi vì “tự vận động” ở đây có nghĩa là trông chờ vào cứu trợ của Chính phủ và của các nhà hảo tâm mà trước khi chờ cứu trợ, họ tự cứu mình bằng cách khai thác lâm sản bất hợp pháp trong rừng di sản thiên nhiên thế giới. Trong hoàn cảnh đó, việc có được một trường học mẫu giáo đủ chỗ ngồi cho con cháu họ học hành hoàn toàn nằm ngoài tầm tay.

Chúng tôi rời Bản 39 khi chiều buông nặng trĩu trên những ngọn núi đá vôi, trên đó có quần thể bách xanh hơn 2.400ha mới được phát hiện gần đây được coi là kiểu rừng độc đáo duy nhất trên thế giới có ý nghĩa toàn cầu. Trong suốt mấy tiếng đồng hồ dập dềnh lắc lư trên chiếc xe U-oát nhảy chồm chồm trong bóng đêm mờ mờ suốt con đường 20 huyền thoại đang được thi công dang dở để về thành phố Đồng Hới, dường như mỗi chúng tôi đều day dứt với câu nói của một người mẹ trẻ Arem: “Con mềng hắn cũng ưng ngồi trong lớp nhưng hôm ni chưa tới lượt”.

Hồng Sen