Người dân “méo mặt” vì bị... chặt chém ngày Tết

16:17 | 14/02/2013

1,412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  (Petrotimes) – Tranh thủ tết và lấy cớ “anh được nghỉ, tôi phục vụ”, nhiều quán ăn và cơ sở dịch vụ tăng giá vô tội vạ, thậm chí 3-4 lần ngày thường để chém đẹp người dân và du khách. Tổng hợp của Petrotimes trong dịp Tết nguyên đán Quý Tị 2013 tại thủ đô Hà Nội.

Chiều 30 Tết, những ai dắt xe đi rửa được một phen hết hồn. 120 nghìn đồng cho một chiếc ô tô, còn xe máy là 60 nghìn – cái giá phổ biến không làm nhiều người hài lòng. Tuy nhiên, do nắm được tình hình năm nay sát Tết công chức mới được nghỉ, thậm chí nhiều người bận bịu tiếp khách, quà cáp, đến ngày 30 mới có thời gian đi “làm sạch” lại con ngựa sắt của mình, dịch vụ quyết định “làm tới” trong ngày cuối cùng của năm. Tất cả khách hàng đều bấm bụng móc ví mà biết chắc, ngày 30 Tết tình trạng rửa vội, rửa dối là không tránh khỏi. Nhưng họ đâu có nhiều sự lựa chọn!?

50 ngàn đồng cho một chỗ để xe đêm Giao thừa

Đêm giao thừa, người viết chứng kiến một du khách người Tây Ban Nha bị chém đẹp 100 nghìn đồng khi gửi xe máy trên phố Nguyễn Xí. Hỏi chuyện mới biết, dù ở khách sạn mini khá rẻ ngay ngõ Bảo Khánh, nhưng anh bạn Cesc vẫn thuê một chiếc xe Honda Future với giá 17 USD/ngày để di chuyển khắp phố cổ. Trong đêm giao thừa, Cese cùng bạn gái lượn lờ để có thêm trải nghiệm về người Việt Nam đón Tết cổ truyền. “Mọi việc suôn sẻ cho đến khi chúng tôi bị tắc lại ở... phố Nguyễn Xí. Muốn có một trải nghiệm mới , bởi vậy 5 USD gửi xe không thành vấn đề, chỉ bằng 10 lon Pepsi thôi mà!” Cesc tếu táo trả lời. Bản thân người viết cũng bị quát tới 50 nghìn đồng cho 1 lần gửi xe. Đa số trong ngày Tết, giá gửi xe ở khắp nơi đều tăng đôi, ba lần so với ngày thường. Người dân thông cảm và chấp nhận việc giá cả dịch vụ tăng nhẹ, nhưng 50 nghìn/lượt trông xe (đắt gấp đôi so với Tết 2012 và 10 lần so với ngày thường) thì quả là khó nuốt trôi.

Sáng mùng 1, như một thói quen đẹp của người dân Thủ đô, mọi người đổ về Phủ Tây Hồ cầu mua may bán đắt. Tuy nhiên, giá một bán bún ốc “to” – loại ốc được quảng cáo đánh bắt từ Hồ Tây (?!) bán cho khách thập phương sau khi đặt xong lễ, với giá 90 nghìn, trong khi ốc lẫn là 120 nghìn đồng. Điều đáng nói là nếu khách có hỏi giá, thì các chị, các bà bán hàng đều càu nhàu, kiểu vừa đầu Xuân năm mới đã mặc cả. Chẳng ai muốn cãi cọ, nhưng thật khó giữ mình khi bị chém đẹp như vậỵ. Trên các tuyến phố, ngay từ chiều mùng 1 Tết, nhiều quán bún riêu, bún ốc vỉa hè đã mở hàng và rất đắt khách, nhưng mức giá tăng phổ biến khoảng 2 lần so với ngày thường (40-50 nghìn đồng so với 20-25 nghìn đồng).

Không hỏi giá, người đi phủ Tây Hồ bị chém 120 ngàn đồng/bát bún ốc lẫn

Tết năm ngoái, nhiều người dân Hà Nội chưa quên những cuốc taxi trị giá cao gấp 4-5 lần đồng hồ tính tiền. Ngày Tết, ai cũng muốn được việc cho mình, nên cắn răng tặc lưỡi cho qua. Chỉ giới "xế" taxi là hả hê sau 1 tuần tha hồ chặt chém không ai thanh tra, giám sát. Tuy nhiên, năm nay tình hình có vẻ đã khác. Gặp 10, thì đến 9 ông tài phàn nàn thu nhập Tết năm nay không được như mong muốn.

Đến hết chiều mùng 2 Tết, tài xế Châu của một hãng taxi khá danh tiếng kể anh mới kiếm được 2,1 triệu đồng cho 3 ngày chạy cật lực từ sáng ngày 30. Theo anh tài có hộ khẩu tận dưới Nhổn (Từ Liêm) thì số tiền trên chỉ bằng 1/3 so với cùng thời điểm năm ngoái, và chẳng bõ bèn so với cảnh người nhà gọi điện phàn nàn liên tục vì Tết chỉ thò mặt về đúng bữa ăn. Kinh tế suy thoái có thể là nguyên nhân đầu tiên khiến cước taxi đang trở về đúng vị trí của nó trong Tết Nhâm Thìn. Kể cả có tiền, nhiều gia đình cũng quyết định di chuyển bằng xe máy để hít thở không khí trong lành của đất trời trong thời khắc tân niên, và để cho... hợp với cảnh khó khăn. Tham khảo ý kiến một số tài xế, việc người dân Thủ đô sở hữu ô tô riêng tăng nhanh cũng là nguyên nhân khiến taxi mất “đất diễn”. Thống kê chưa đầy đủ của ngành GTVT Hà Nội cho thấy, trong năm 2012 có khoảng 4 vạn xe ô tô các loại được cấp biển mới. Theo PV Petrotimes quan sát thực tế trên đường phố Thủ đô mấy ngày vừa rồi, lượng xe biển trắng quả rất đông và luôn đủ ghế trên xe. Tức là cơ hội cho taxi kiếm tiền bị giảm sút đáng kể.

Tết - mùa kiếm ăn của Taxi "dù"!

Nguyên nhân cuối cùng là thái độ của người dân (chính xác là thiện cảm) với taxi ở Hà Nội đã sụt giảm nghiêm trọng sau năm 2011-2012, vấn nạn xe dù, cung cách phục vụ của lái xe xuống cấp khiến không ít người giảm tối đa việc sử dụng dịch vụ taxi. Họ cho rằng, taxi dù và taxi làm ăn nghiêm túc mà khách bị chém như nhau thì thôi “giải tán” cho đỡ mang cục tức vào nhà. Động tác tịch thu giấy phép, cho giải tán hàng chục hãng taxi trên cả nước của Bộ GTVT gần đây càng làm giảm niềm tin nơi loại hình dịch vụ vận tải cao cấp.

Ở một diễn biến khác, giá các trò chơi ở Cung thiếu nhi, Gò Đống Đa, vườn thú Thủ Lệ, các món beaf-steak, kem caramel, café... vỉa hè chỉ tăng nhẹ 10-20% với lí do không có người phục vụ.

Tùng Lê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc