Người thừa kế gia tài của Phương "khói lửa" có phải chịu trách nhiệm bồi thường?

18:06 | 06/03/2013

1,167 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trường hợp vụ cháy nổ làm 11 người chết, ông Phương “khói lửa” đã tử vong nên chỉ xử lý vấn đề theo trách nhiệm dân sự.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết, điều bất hợp lý trong vụ việc cháy nổ làm 11 người thiệt mạng đã cho thấy cơ quan chức năng buông lỏng quản lý nên xảy ra vụ việc nghiêm trọng như trên. Trước hết, cơ quan các cấp các ngành cần phải xem xét lại trách nhiệm hành chính để xảy ra vụ việc.

Về vấn đề bồi thường, người gây ra hậu quả phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đối vụ việc này, người gây ra hậu quả nghiêm trọng là ông Lê Minh Phương (SN 1955, tức Phương “khói lửa) đã qua đời cho nên trách nhiệm chính thuộc về cơ quan chức năng và cần phải rút ra bài học kinh nghiệm một cách sâu sắc. Đây là ngành nghề cấm kinh doanh nên các đoàn làm phim cần phải kết hợp với cơ quan có chức năng hỗ trợ trong những phân cảnh có hiệu ứng cháy nổ.

Vụ cháy nổ kinh hoàng làm 11 người thiệt mạng.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi người trực tiếp gây ra tai nạn trên đã qua đời thì những người kế thừa di sản của ông Phương khói lửa phải chịu thay là không đúng. “Bộ Luật Dân sự 2005 của Việt Nam, không có điều nào quy định vấn đề này cả”, luật sư Hậu cho biết.

Xét đến năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, người gây thiệt hại từ đủ mười tám tuổi trở lên phải tự bồi thường. Song, người gây thiệt hại ở đây đã tử vong và pháp luật chỉ quy định là trích phần di sản để lại của ông Phương (nếu ông Phương có lỗi gây ra vụ nổ) để bồi thường các khoản mai táng, tiền cấp dưỡng, tiền trợ cấp và tiền công lao động theo quy định tại Điều 683 của Bộ luật Dân sự 2005.

Luật sư Hậu nói: “Tôi xin nhấn mạnh, đây là vụ việc liên quan đến dân sự. Nếu kết luận của cơ quan chức năng xác định được rằng, ông Phương mang thuốc nổ về nhà không nhằm mục đích để khủng bố, đe dọa hay những vụ việc liên quan đến hình sự”.

Trong buổi họp báo với cơ quan báo chí vào ngày 24/2, Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Công an TP HCM đã cho biết, bước đầu cơ quan chức năng xác định đây là một tai nạn. Dựa vào yếu tố này, các hàng thừa kế thứ nhất, thứ 2… không có trách nhiệm phải bồi thường trong vụ cháy nổ trên.

Đồng thời, những người được kế thừa di sản của ông Phương “khói lửa” cũng nên chứng minh rằng, họ hoàn toàn không có lỗi trong vụ cháy nổ làm 11 người tử vong thì người bị thiệt hại phải gánh chịu. Xin nhắc lại, lập luận này dựa trên điều tra ban đầu của cơ quan chức năng đưa ra, vụ nổ trên là một tai nạn.

Qua vụ viêc này, cơ quan chức năng cần thiết phải có những quy định đi kèm những chế tài cụ thể để tránh những trường hợp xảy ra. Nhất là đối với những cơ sở kinh doanh bình gas, cần thiết phải ký quỹ hay tạm gọi là thế chấp tài sản để phòng ngừa những hậu quả tương tự. Với những cơ sở chiết ga trái phép, cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan chức năng nếu xảy ra hỏa hoạn hoặc cháy nổ trên địa bàn, mà từ lâu đã bỏ ngõ vấn đề này.

Hiện nay, tại TP HCM, chợ Kim Biên là nơi mua bán các loại vật liệu, hóa chất nổ này, cần phải quản lý một cách chặt hơn nữa và xử nghiêm minh đối với những người sử dụng trái phép, chế tạo không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đây là trách nhiệm của cơ quan các cấp và trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương cần phải có sự phối hợp hậu kiểm, kiểm tra thường xuyên đối với những đơn vị này.

Việc quản lý vật liệu nổ của cơ quan các cấp chưa tốt đã gây sự mất an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM và gây hậu quả nghiêm trọng. Các loại hóa chất trên đã gây đe dọa khu dân cư mà hiện nay, các cấp chính quyền cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ.

Hưng Long