Nguy cơ bùng phát dịch sởi

05:00 | 17/04/2014

613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 90 ngày qua, bệnh sởi có dấu hiệu trở thành dịch bệnh nghiêm trọng với số lượng bệnh nhân ngày một tăng, nhiều biến chứng khôn lường. Hiện trạng quá tải nặng nề của các bệnh viện tuyến Trung ương như Viện Nhi, Bạch Mai… đã xuất hiện “lây chéo” từ các bệnh nhi mắc sởi khiến trẻ em bị bệnh thông thường cũng trở nên nguy hiểm. Bệnh sởi có thể bùng phát thành dịch nếu không có những biện pháp quyết liệt của Bộ Y tế và sự cộng tác của người dân.

Năng lượng Mới số 313

Biến chứng khôn lường

Trong suốt tháng 3/2014, số lượng bệnh nhân nhập viện do virus sởi tăng đột biến. Nguy hiểm hơn nữa là các biến chứng khôn lường của bệnh sởi đã khiến nhiều bác sĩ đầu ngành điều trị các bệnh truyền nhiễm phải lên tiếng lo ngại. 

Đầu tiên là 2 ca bệnh sởi tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai với hội chứng ban đầu là suy hô hấp cấp. Một trẻ đã nhanh chóng tử vong, trường hợp còn lại vẫn đang được thở máy trong tình trạng có viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, biến chứng thông thường của bệnh sởi sẽ gây viêm phổi do virus sởi gây suy giảm miễn dịch khiến trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn. Hai bệnh nhân có diễn biến viêm phổi nhanh bất thường. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân có các triệu chứng sốt, phát ban, viêm đường hô hấp. Chỉ sau vài giờ đồng hồ đã tiến triển thành viêm phổi, phổi của trẻ trắng xóa, tim, gan phình to… là những biểu hiện rất điển hình của tình trạng suy hô hấp cấp tính tiến triển. Dù được đặt máy thở nhưng trẻ hầu như không có đáp ứng. Với những ca bệnh này chúng tôi đang nghĩ đến có khả năng virus sởi tấn công ngay vào phổi chứ không phải bị viêm phổi vì bội nhiễm vi khuẩn như thông thường.

Điều trị bệnh sởi tại Viện Nhi Trung ương

Hiện nay, nhận định chung của các bác sĩ điều trị là diễn biến bệnh sởi không bình thường. Bệnh diễn biến rất lạ khi gây biến chứng viêm phổi nặng. Bệnh nhi nhập viện được điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên trông thấy và nhiều cháu tử vong rất nhanh. Đặc biệt nguy hiểm khi bệnh sởi không chỉ tấn công những trẻ chưa tiêm đủ vắc-xin mà ngay cả các bé dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm phòng) cũng bị virus sởi tấn công với những biến chứng nặng, tử vong nhanh chóng.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Viện Nhi TƯ) khẳng định, trong 40 năm qua chưa bao giờ dịch sởi diễn biến phức tạp và nặng nề như hiện nay: “Vào những năm 70 của thế kỷ trước tôi từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng... nhưng năm nay, dịch sởi diễn biến còn đặc biệt hơn, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Dù các bác sĩ đã điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn rất nguy hiểm, nhiều diễn biến bất thường”.

Bệnh viện tuyến Trung ương được mệnh danh là “tuyến phòng thủ cuối” của ngành y. Hơn 3 tháng qua, bệnh sởi đã khiến rào chắn cuối cùng lâm vào tình trạng sụp đổ bất cứ lúc nào. Vừa qua, lãnh đạo Viện Nhi TƯ đã phải lên tiếng bày tỏ sự lo ngại vì sự quá tải đã lên đỉnh điểm. Lượng bệnh nhi đăng ký nội trú tại bệnh viện đã tăng vọt gấp 3 lần bình thường, từ 1.400-1.700 cháu. Bệnh nhân phải nằm ghép 3-4 cháu/giường. Viện Nhi TƯ đã dành riêng khoa truyền nhiễm chỉ điều trị bệnh nhân sởi, tiếp tục mở rộng thêm một khoa cấp cứu lưu mà vẫn liên tục quá tải nghiêm trọng. Thậm chí, đã có gia đình bệnh nhi gửi đơn kiện vì cho rằng con của họ tử vong do nhiễm sởi tại bệnh viện khi đang điều trị một bệnh khác. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, khoảng 1 tháng trở lại đây, ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhi sốt phát ban nghi sởi, ngày nhiều nhất lên đến 50-80 ca, phần lớn là các cháu ở Hà Nội.

Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, đã có 40 mẫu được xác định dương tính với sởi. Vẫn còn hằng trăm trẻ đang được xét nghiệm, ước tính khoảng 50-70% bệnh nhân sốt phát ban do virus sởi. Toàn thành phố hiện có khoảng 700 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi, sẽ có khoảng 35-40 nghìn trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi. Có thể nói, Hà Nội đang là nơi tập trung lượng bệnh nhân sởi lớn nhất cả nước. Nói cách khác nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Hà Nội cũng cao nhất hiện nay.

"Chia lửa" để dập dịch

Để có thể nhanh chóng dập dịch sởi trên diện rộng, ngăn chặn bệnh sởi tán phát trong toàn quốc, phương pháp tối ưu nhất là phải chia sẻ gánh nặng từ các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thành phố đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế chuyển bệnh nhân mắc các chứng bệnh thông thường lên các tuyến Trung ương vào thời điểm này.

Đặc trưng của virus sởi có thể lây truyền nhanh chóng qua không khí, lây truyền mạnh ở các tập thể chưa có miễn dịch như nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học. Chính vì vậy, các bác sĩ tuyến Trung ương đã đưa ra khuyến cáo, tình trạng quá tải, nằm ghép đôi, ghép ba như hiện nay sẽ dẫn đến các bệnh nhi dễ bị lây nhiễm chéo các bệnh lý khác, khả năng chăm sóc của y, bác sĩ cũng không bảo đảm, ảnh hưởng đến an toàn của người bệnh. Theo TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Viện Nhi TƯ, hiện nay có nhiều gia đình mong muốn lên điều trị ở các bệnh viện Trung ương để điều trị tốt nhất cho con. Tuy nhiên với hiện trạng quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương, phụ huynh nên đặt niềm tin vào bệnh viện và bác sĩ tuyến dưới, vì nếu các cháu có tình trạng bệnh viêm phế quản phổi thông thường thì chúng tôi đã cập nhật, hướng dẫn phác đồ điều trị cho tuyến dưới.

Trong thông tư hướng dẫn chuyển tuyến bệnh nhân của Bộ Y tế, chỉ khi cần thiết bệnh nhân mới chuyển lên các bệnh viện tuyến Trung ương. Nhưng trong thực tế, tại các bệnh viện phải thực hiện cơ chế “mềm dẻo”, “tư vấn” cho người nhà bệnh nhân để khi xảy ra sự cố mới có được sự thông cảm. Nhấn mạnh việc cần ngay lập tức “chia lửa” của bệnh viện tuyến dưới với các bệnh viện Trung ương để đối phó với bệnh sởi, ông Cao Hưng Thái - Cục phó Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư về chuyển tuyến, nếu khi người bệnh, người nhà người bệnh yêu cầu chuyển lên tuyến trên thì người nhà người bệnh phải viết giấy ủy quyền, có khi lên tuyến trên bệnh nhẹ, lại bị chuyển về tuyến dưới”.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ Y tế luôn nhấn mạnh số ca mắc sởi diễn ra rải rác tại các địa phương, không bùng phát thành dịch lớn và nguyên nhân là do người dân chưa cho con trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi. Thông báo mới nhất của Bộ Y tế cũng chỉ nói rằng đã ghi nhận trên 6,6 ngàn trường hợp nghi mắc sởi tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó 2.492 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi nhưng mới chỉ tiết lộ có 25 ca tử vong. Có thể thấy rằng, bệnh sởi đã và đang có nhiều dấu hiệu trở thành một đại dịch. Đã đến lúc Bộ Y tế cần phải công bố dịch sởi, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để người dân cùng ngành y tế nhìn nhận đúng tình trạng khẩn cấp có thể bùng phát dịch bệnh. Chỉ có sự phối hợp tốt giữa ngành y tế cùng người dân mới có thể dập tắt nguy cơ dịch sởi, căn bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao.

Có dịch hay không?

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã qua đỉnh dịch sởi được 2 tuần, hiện số trẻ mắc sởi giảm mạnh, hết tháng 4 sẽ kiểm soát được dịch sởi trên địa bàn thủ đô.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Chúng tôi cho rằng dịch sởi năm nay bất thường vì viêm phổi diễn biến nhanh, virus tấn công trực tiếp vào phổi gây biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao hơn các năm trước. Ngoài ra có trẻ chỉ 24 ngày tuổi đã bị sởi là bất thường”.

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Viện Nhi TƯ: “Viện đang điều trị cho 10.000 bệnh nhân (tăng 30%), trong đó hơn 50% là bệnh viêm đường hô hấp, bệnh nhân sởi. Khoảng 4 tháng qua bệnh viện đã điều trị nội trú gần 1.000 ca sởi bị biến chứng nặng”.

Tùng Dương