"Nhắm mắt" rao bán cả gầm cầu

17:07 | 26/07/2012

1,090 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phương tiện giao thông ngày càng một nhiều, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ngày càng bị thu hẹp - cuộc chiến giành giật từng mét vuông vỉa hè, lòng đường để làm nơi trông giữ xe trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Để có bãi đỗ xe, UBND TP Hà Nội thậm chí đã cho rao bán cả... gầm cầu dù Bộ GTVT đã ra sức khuyến cáo.

Nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, UBND TP Hà Nội đã ban hành lệnh cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố trong nội thành, bảo đảm hè thông, lòng phố thoáng, nhằm hạn chế tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông thì nhu cầu gửi xe của người dân lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Và, để có nhưng quỹ đất làm nơi trông giữ phương tiện, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã trưng dụng tất cả nhưng gầm cầu để làm điểm trông giữ xe.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại 6 cây cầu vượt thuộc khu vực nội thành hiện nay, gồm: Cầu vượt Mai Dịch, Ngã Tư Sở, Giải Phóng, Thanh Trì, Chương Dương, gầm cầu đã và đang được các đơn vị như Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội); HTX Thành Công... chăng lưới thép quây khung sắt thành từng điểm trông giữ xe an toàn và khá quy củ. Mỗi gầm cầu được tận dụng xếp hàng trăm xe máy, ô tô tùy theo diện tích của mỗi điểm.

Gầm cầu vượt Giải Phóng đầy ô tô và còn là nơi để ở và bán sim thẻ điện thoại.

Vô hình trung, hành lang an toàn giao thông bị xâm chiếm, những phương tiện qua đây bị hạn chế tầm nhìn bởi hàng rào bằng sắt và những phương tiện bị nhét vào đây.

“Hàng ngày tôi đều tham gia giao thông trên tuyến Phạm Hùng và đi qua cầu vượt Mai Dịch. Khi đi đến ngã tư dưới chân cầu, tầm nhìn quan sát các phương tiện khác bị ảnh hưởng rất nhiều. Nguyên nhân là dưới gầm cầu bị trưng dụng làm điểm trông giữ phương tiện, hàng rào sắt, xe ô tô đỗ ở trên đã che khuất tầm quan sát...” - anh Tuấn (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Theo quan sát, mặc dù được quy định, cấp phép là điểm trông giữ xe công cộng, nhưng hầu hết các bãi gửi xe dưới gầm cầu vượt vừa thiếu vừa yếu trong công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn, phòng chống cháy nổ - điều tối cần thiết cho bất cứ điểm trông giữ xe. Tình trạng thiếu phương tiện phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện nước không đảm bảo là hiểm họa khôn lường trong môi trường dễ cháy nổ, nếu như không được các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, kiểm sát.

Ghi nhận tại gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) cho thấy, gầm cầu này đã từ lâu được chia làm ba bãi đỗ xe với tổng diện tích lên cả nghìn mét vuông, do HTX Thành Công quản lý. Đơn vị này dựng hàng rào bằng thép hai bên mép chân cầu. Ôtô, xe máy gần như chật kín diện tích. Nhân viên trông giữ xe tận dụng luôn phần không gian còn lại làm nơi nấu nướng, ăn nghỉ, kéo dây điện chằng chịt... và làm luôn điểm bán sim thẻ điện thoại.

Gầm cầu vượt Mai Dịch, xe máy, biển báo che kín tầm quan sát.

Theo Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ký ngày 18/5/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thông tư quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”.

Đối với những hành vi vi phạm, Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ cũng nêu rõ về mức xử phạt: “Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ…”.

Như vậy, nếu dựa trên cơ sở này, việc xây dựng điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt là hoàn toàn trái với quy định.

Tuy nhiên, có cầu thì mới có cung, thực tế đòi hỏi cần rất nhiều quỹ đất cho giao thông tĩnh nên UBND TP Hà Nội "nhắm mắt" với chủ trương cho một số đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh bến bãi làm nơi trông giữ xe. TP Hà Nội giao cho Sở Giao thông Vận tải cấp giấy phép hoạt động từ 6 tháng đến 1 năm/lần cấp phép. Để rồi khi Thanh tra bộ Giao thông Vận tải vào cuộc thanh kiểm tra đã phát hiện ra sai phạm rồi tuýt còi.

Gầm Cầu vượt Ngã Tư Sở "nhét" đầy ô tô

Và, trong thời gian ngắn tới đây khi Hà Nội sẽ hoàn thành thêm nhiều cầu vượt, đường cao tốc trên cao, đường sắt trên cao… với không gian rộng lớn của gầm cầu, gầm đường này nếu không được quản lý bài bản, sẽ khiến các gầm cầu vượt trở thành những điểm đen, phá vỡ không gian cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Cầu vượt giao thông là công cụ hữu hiệu, có vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề ùn tắc, phân luồng di chuyển các phương tiện tại các nút giao thông. Tuy nhiên, việc điều tiết công năng, xử lý cảnh quan dưới gầm cầu vượt cũng có tác dụng tích cực để giải quyết công tác quản lý xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, văn minh đô thị.

Hy vọng, Sở Giao thông Vận tải và UBND thành phố cần tìm ra hướng đi về bài toán giao thông tĩnh...!

Văn Dũng - Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc