Những bữa ăn ấm áp tình người

10:30 | 20/01/2013

1,373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với mong muốn góp một phần nhỏ bé trong công việc thiện nguyện, Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm đã nấu và phát cơm, cháo, sữa, mì... ở Bệnh viện Ung Bướu hơn 23 năm nay.

3 giờ 18 phút, thành phố Hồ Chí Minh còn thưa thớt xe qua lại nhưng hành lang trước cổng Bệnh viện Ung Bướu rất đông bệnh nhân đứng xếp thành hai hàng ngay ngắn, trên tay mỗi người đều cầm một cái bát.

Không khí hơi se lạnh, khó chịu hơn khi áp thấp nhiệt đới làm ảnh hưởng nên có vài hạt mưa, các bệnh nhân đang xếp hàng phải co ro trong những chiếc áo khoác mỏng manh. 3 giờ 23 phút, chiếc xe chuyển bệnh nhân cũ kỹ đỗ xịch bên đường. Người đàn ông lái xe và những người đi cùng vội vã khiêng những chiếc nồi lớn xuống và bắt đầu múc những muỗng cháo nóng hổi chia cho mọi người.

Người thanh niên không cho chúng tôi biết tên vì ngại lên báo, sau này chúng tôi mới biết anh tên Phạm Hữu Thoại và người chia phần cháo cùng anh là bà Xuyến. Anh Thoại vừa múc cháo vừa trò chuyện: “Để kịp giờ ăn sáng cho bệnh nhân, chúng tôi chuẩn bị và nấu cháo từ lúc 1 giờ”. Thao tác của anh rất nhanh và gọn “phải làm thật nhanh để những người xếp hàng phía sau dùng được cháo còn nóng”.

Tay thì làm, miệng thì nói nhưng thái độ của anh rất ân cần với bệnh nhân. Theo nhận xét của nhiều người thì anh Thoại nấu cháo rất ngon, vì gia đình anh đã có ba thế hệ làm nghề bán cháo. Họ đều đặn những buổi sáng thứ Ba đến thứ Bảy đến đây để chia sẻ phần cháo cho các bệnh nhân nghèo với mong muốn được sẻ chia, cảm thông với nỗi đau của từng người bệnh.

Bệnh nhân xếp hàng nhận phần ăn sáng ở Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh

Bệnh nhân Hồ Thị Thu (quê ở Đắk Nông) mang bát cháo ngồi vội bên vệ đường thưởng thức khi hơi nóng của bát cháo bốc lên nghi ngút, bà chia sẻ: “Tôi ở đây lâu rồi, sáng nào cũng nhận thức ăn do những người làm từ thiện chia cho nên cũng đỡ phần nào chi phí chữa bệnh”. Trong ánh sáng của những bóng đèn ven đường, chúng tôi nhận ra những nếp nhăn rõ rệt trên khuôn mặt chỉ ngoài 50 tuổi. Bà co ro trong chiếc áo khoác mỏng vì “không nghĩ thành phố Hồ Chí Minh lạnh như vậy”.

Giơ bàn tay gầy guộc kéo chiếc mũ len để che bớt phần tóc chỉ còn lưa thưa do căn bệnh ung thư quái ác, bà Thu cho biết: “Qua mấy lần xạ trị, tiền bạc từ rẫy cà phê đã đội nón ra đi, điều trị thì tốn kém, làm khổ con cháu nhưng không biết ngày mai như thế nào”.

Những người nhận phần ăn sáng đều là những bệnh nhân nghèo, tất cả tiền bạc đều dồn hết cho những lần xạ trị với mong muốn kéo dài thêm khoảng thời gian sống với gia đình. Bệnh nhân Lê Thị Hồng (quê Trà Vinh, 56 tuổi) chậm rãi bước đến nhận bát cháo với bàn tay run run, không quên cảm ơn, bà khó nhọc bước về cổng bệnh viện để vào phòng nghỉ ngơi.

Bà chậm rãi dừng bước, kể: “Ngày tôi dưới quê lên đây, phải bán hết đàn heo còn chưa đủ lớn để có tiền chạy chữa, giờ tiền hết rồi, mấy đứa con ở nhà cũng không biết đào đâu ra tiền để gửi lên nữa. Thôi thì sống được ngày nào hay ngày đó, cũng nhờ có mấy chú phát cơm, phát cháo từ thiện mà đỡ được qua ngày”. Cuộc sống đã túng quẫn lại phải đối mặt với những căn bệnh biết trước cái chết nên những người bệnh ở đây rất hiếm khi nở nụ cười. Bà Thu cũng vậy, nét mặt khắc khổ chẳng còn cười được nữa, đến lời nói cũng đứt quãng, phải dừng lại nhiều lần để nói hết câu.

Những khuôn mặt khắc khổ vì bệnh tật và cái nghèo đeo đuổi

Trong hàng người chờ tới lượt nhận phần ăn sáng, có một cô gái khá trẻ tên Nguyễn Thị Linh (quê ở Đồng Tháp) lên nuôi mẹ đang bị bệnh ung thư, cô rất ít nói, chỉ cho biết rằng, cô lên thành phố Hồ Chí Minh đã lâu. Cuộc sống ở quê rất vất vả, mẹ lại mang bệnh nặng nên cô phải nghỉ học từ năm học lớp 10. Bây giờ lên đây cùng mẹ để “bên cạnh cho mẹ an tâm chữa bệnh” mà cũng không biết làm gì khác.

Dòng người từ từ ngắn dần, hơi ấm từ những nồi cháo và hơi ấm tình người lan tỏa đến từng gương mặt khắc khổ của những bệnh nhân mang trọng bệnh. Anh Thoại và bà Xuyến cùng bác xe ôm nhanh nhẹn dọn dẹp những nồi cháo đã phát hết lên xe và vội vàng về lúc 4 giờ 46 phút, bắt đầu cho công việc thường ngày để nuôi sống bản thân và gia đình. Những buổi sáng phát cơm từ thiện, họ làm không lương!

Mỗi buổi sáng ở Bệnh viện Ung Bướu, anh Thoại và mọi người phát khoảng 1.200 phần cháo, mỗi phần dao động mức 2.500 đồng. Trong buổi sáng chúng tôi đến, Hội Chữ thập đỏ còn phát thêm cháo đậu chay, mì và một tờ báo. Chỉ là những nghĩa cử nhỏ thôi nhưng đằng sau đó là cả một quá trình: Sáng 1 giờ mọi người dậy để chuẩn bị cho bữa cháo ở Bệnh viện Ung Bướu, trưa chuẩn bị gần 300 phần cơm chay cho người nghèo ở Bình Thạnh. Nhiều bệnh nhân không có tiền mổ, tiền điều trị... thì Hội Chữ thập đỏ, cụ thể là ông Nguyễn Đăng Hoàng, Chủ tịch Hội thường xuyên bỏ tiền túi ra hỗ trợ, giúp đỡ.

Ngoài những bữa ăn phát miễn phí cho các bệnh nhân nghèo vào các sáng từ thứ Ba đến thứ Bảy ở Bệnh viện Ung Bướu, Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm còn có tiệm cơm chay miễn phí buổi trưa cho người nghèo từ thứ Hai đến thứ Bảy, bữa cơm trưa đầy đủ hơn vào ngày Chủ nhật trên đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh và những địa điểm khác. Với mong muốn góp một phần nhỏ bé trong công việc thiện nguyện, Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm đã nấu và phát cơm, cháo, sữa, mì... ở Bệnh viện Ung Bướu hơn 23 năm nay. Được biết Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm được thành lập 25 năm rồi. Trung bình mỗi tháng chi phí cho các công việc từ thiện khoảng hơn 50 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm ông Nguyễn Đăng Hoàng (57 tuổi) cho biết: “Từ những ngày đầu đến với Bệnh viện Ung Bướu, tôi thấy xót lòng vì những bệnh nhân như biết trước cái chết. Tôi trăn trở tìm cách giúp đỡ họ và trong suốt 23 năm qua chúng tôi đều đặn mang những phần cơm, phần cháo thật ngon để đến chia cho mọi người”. Ông Đăng Hoàng vừa nói chuyện vừa chuẩn bị phần cơm từ thiện cho bữa trưa của những bệnh nhân, người nghèo ở Bình Thạnh.

Ông cho biết thêm, ngoài những bữa cơm từ thiện, ông cùng bạn bè và nhóm người hỗ trợ còn có chiếc xe chuyển bệnh nhân miễn phí cho các trường hợp những bệnh nhân nghèo không có chi phí đi lại. Vị Chủ tịch Hội này cũng tham gia xây trường học, xây cầu, xây nhà... cho những vùng quê nghèo, đó cũng là một phần công việc của ông, một chuyên viên dự toán kiến trúc.

Mặc dù làm từ thiện nhưng những nhóm người hảo tâm gặp rất nhiều trở ngại, vì phải phát phần ăn vào sáng sớm nên các đối tượng nghiện hút, tội phạm hay tới quấy nhiễu nhưng “dần dần họ hiểu được công việc của chúng tôi nên không tới quấy phá nữa”, ông Hoàng chia sẻ. Còn ở tiệm cơm chay trưa, ông Đăng Hoàng cho biết: “Lúc mới thành lập, có rất nhiều đối tượng tới quậy phá, nhưng rồi họ biết tới cái tâm của chúng tôi nên họ tự rút lui để mình làm”. Vị Chủ tịch Hội tâm sự: “Mỗi tối tôi chỉ ngủ được 2 tiếng, vừa làm từ thiện lại vừa phải đi làm để kiếm tiền. Nhiều lúc muốn từ bỏ vì sức khỏe không đảm bảo nhưng nó như một cái nghiệp, không bỏ được, bỏ thì những người cần giúp đỡ biết gọi ai?”.

Cuộc sống đối với những người nghèo là chuỗi ngày trăn trở với miếng ăn, với căn bệnh không thể chạy chữa. Có người đành gắn nửa cuộc đời còn lại vào bệnh viện, vào những bữa ăn từ thiện. Trong khi đó, còn biết bao nhiêu người tiêu xài hoang phí, vung tiền cho những thú chơi vô bổ. Họ chỉ cần bớt một phần nhỏ nhoi cho các hoạt động từ thiện thì đó cũng là một phần lớn lao giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo.

Nguyễn Hiển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc