Những năm Tỵ đáng nhớ trong lịch sử dân tộc Việt Nam

17:00 | 10/02/2013

2,614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lịch sử nước ta đã trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó có những năm Tỵ với nhiều sự kiện như thành lập nước, đánh tan quân xâm lược hay đưa ra nhiều quyết sách thay đổi đất nước là những mốc lịch sử quan trọng, đáng nhớ.

 

Năm con Tỵ có nhiều mốc lịch sử quan trọng của đất nước.

 

Năm Ất Tỵ (năm 225 TCN): Từ đời nhà Thục, nhân dân ta đã hoàn thành xây dựng Loa thành tại Cổ Loa, một công trình kiến trúc độc đáo làm nơi đóng đô của Thục An Dương Vương. Thành trì kiên cố này đã tạo thế cho vua Thục cố thủ, chống quân nhà Tần xâm lược ròng rã mấy chục năm trời.

Năm Quý Tỵ (năm 208 TCN): Thục Phán thống nhất các tộc người Âu Việt và Lạc Việt lập nên nhà nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). An Dương Vương cho đắp thành Cổ Loa rộng lớn, gồm nhiều vòng thành và hào kiên cố, tạo thành một căn cứ liên hoàn giữa thủy và bộ. Đây cũng là trung tâm kinh tế, chính trị của nước ta thời đó.          

Năm Tân Tỵ (981): Tháng 3 âm lịch, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ nhất. Quân dân nước Ðại Cồ Việt dưới sự lãnh đạo của vua Lê Ðại Hành đã phá tan thủy quân giặc Tống xâm lược do Lưu Trừng cầm đầu ở sông Bạch Ðằng, chém tướng giặc Hầu Nhân Bảo ở Bình Lỗ (Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội), phá tan giặc ở Tây Kết (Hà Bắc), đuổi tướng Trần Khâm Tộ chạy dài, bắt sống hai tướng Triệu Phụng Huân và Quách Quân Biện về giam tại kinh đô Hoa Lư. Nhà Tống hoảng sợ phải ra lệnh bãi binh. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống lần thứ nhất hoàn toàn thắng lợi.

Năm Ðinh Tỵ (1077): Nhà Tống rắp tâm báo thù, cử đạo quân hùng hậu do các tướng giỏi Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy tiến vào nước ta. Quân dân Ðại Việt dưới sự chỉ huy của tướng quân Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Cầu ngăn bước tiến của kẻ thù. Ngày 18-1-1077, trên sông Như Nguyệt (một đoạn sông Cầu) nơi có phòng tuyến quân ta đã vang lên bài thơ “Nam quốc sơn hà” ”, bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên trong lịch sử nước ta do Lý Thường Kiệt sáng tác.

Năm Ðinh Tỵ (1257): Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Chủ tướng Mông Cổ ở Vân Nam là Ngợp Lương Hợp Thai (Uryangkhadai) huy động ba vạn quân kỵ, bộ cùng nhiều tướng giỏi chia làm hai đạo theo đường sông Thao tiến vào nước ta. Vua Trần Thái Tông đem quân lên phía bắc đánh giặc.

Sau các cuộc giao tranh ác liệt, trước thế giặc mạnh, quân ta rút lui bảo toàn lực lượng và cả nước thực hiện "vườn không nhà trống", tiến hành chiến tranh du kích tiêu hao địch. Ðến 24 tháng Chạp, vua Trần phản công đánh tan giặc ở Ðông Bộ Ðầu (khu vực Long Biên - Hà Nội) thu phục kinh thành. Giặc Nguyên Mông phải tháo chạy về nước.

Năm Quý Tỵ (1473): Tháng Giêng, vua Lê Thánh Tông thân hành cày ruộng tịch điền và đốc suất các quan đi theo cùng cày. Tập tục này do vua Lê Ðại Hành khởi xướng từ gần 500 năm trước, nhân dịp xuân mới hằng năm nhằm động viên nông gia cày cấy. Tháng 2 âm lịch, vua Lê Thánh Tông ra lệnh cấm uống rượu để hạn chế nạn chè chén say sưa, bỏ bê công việc trong các quan.

Năm Quý Tỵ (1773): Tháng 8-1773, nghĩa quân Tây Sơn đánh thành Quy Nhơn (Bình Định). Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên hoảng sợ bỏ chạy. Nghĩa quân tiến công các phủ Quảng Ngãi, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận. Thế lực nghĩa quân ngày càng mạnh.

Năm Ất Tỵ (1785): Danh tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ đã mở cuộc phản công chiến lược, diệt gần bốn vạn quân Xiêm, lập nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút lẫy lừng. Thế lực của nghĩa quân ngày càng mạnh, phát triển thành phong trào nông dân Tây Sơn rộng lớn với các chiến công oanh liệt: lật đổ triều Lê - Trịnh - Nguyễn thối nát, đánh tan 20 vạn quân Thanh.

Năm Tân Tỵ (1821): Tháng Giêng, cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành bùng nổ với căn cứ Trà Lũ (Hà Nam Ninh cũ), nghĩa quân hoạt động khắp các tỉnh ven biển từ Quảng Yên đến Thanh Hóa, góp phần làm suy yếu triều đình nhà Nguyễn. Tháng 2 âm lịch, bắt đầu lập Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế. Tháng 4 âm lịch, nhà sử học Phan Huy Chú dâng triều đình bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển. Triều đình định lại thuế quan điền, quan thổ ở các dinh Quảng Ðức, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên và Nghệ An để nhằm an dân, mỗi mẫu được giảm 2/10.

Kỷ Tỵ (1869): Bắt đầu thành lập cơ quan địa chính và tiến hành đo đạc, phân định đất đai ở Nam Kỳ. Cuối năm, triều đình Huế xin đổi cho Pháp ba tỉnh miền Tây để lấy lại một tỉnh Biên Hòa.

Năm Ất Tỵ (1905): Phan Bội Châu bí mật đặt chân lên đất Trung hoa, rồi từ đó, sang Nhật, dẫn đầu Phong trào Đông Du, đưa những thanh niên yêu nước sang đất Phù Tang, mong dựa vào nước Nhật duy tân, tìm phương cứu nước.

Năm Đinh Tỵ (1917): Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh) rời Luân Đôn, trở lại Pháp. Hoạt động đầu tiên có tiếng vang lớn của Người trên đất Pháp là gửi tới Hội nghị Véc-xay của các nước đế quốc mới đánh bại Đức trong cuộc Chiến tranh thế giới I (1914-1918) bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam (ngày 18-6-1919).

 Năm Tân Tỵ (1941): Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã trở về và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày 25-10, Mặt trận Việt Minh ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Mặt trận Việt Minh đã xây dựng lực lượng quần chúng, tổ chức các đoàn thể cứu quốc ở cả nông thôn, thành thị, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở.

Nhiều tổ chức chính trị yêu nước đã tham gia làm thành viên Mặt trận Việt Minh, tất cả đều chung mục đích đánh đuổi thực dân đế quốc, giành độc lập, tự do cho nhân dân. Mặt trận Việt Minh là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.

Năm Quý Tỵ (1953): Tháng 11, Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Hội nghị toàn quốc của Ðảng đã nhất trí thông qua cương lĩnh ruộng đất và quyết định thực hiện cải cách ruộng đất ở vùng tự do nhằm thực hiện "người cày có ruộng", giải phóng sức sản xuất để phát triển mạnh kinh tế, bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc cải cách ruộng đất đã góp phần quyết định vào chiến thắng Ðông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến toàn thắng.

Năm Ất Tỵ (1965): Tại kỳ họp Quốc hội tháng 4-1965, Bác Hồ đọc Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đứng lên chống Mỹ, cứu nước.

Năm Đinh Tỵ (1977): Ngày 31-1-1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam Bắc (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam), lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua chương trình chính trị và điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân để cùng nhau phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa và tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Ngày 26-9-1977, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc.

Năm Kỷ Tỵ (1989): Ngày 3-2-1989, khánh thành tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ngày 14-9-1989, chính phủ ta tuyên bố về việc hoàn thành rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia. Ngày 31-10-1989, bàn giao công trình Thủy điện Trị An.

Năm Tân Tỵ (2001): Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 19 đến 22-4-2001) có ý nghĩa rất to lớn, mở ra một thời kỳ mới phát triển đất nước trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21.

 

Nguyễn Hoan (st)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc