Những thiệt hại đầu tiên do siêu bão Sơn Tinh gây ra

09:46 | 29/10/2012

869 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sáng ngày 29/10, bão số 8 đã đi vào ven biển các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh gây mưa lớn diện rộng, rồi suy yếu dần. Tối 28/10, bão Sơn Tinh đã hoành hành khắp các huyện ven biển từ Ninh Bình tới Hải Phòng. Ít nhất 3 người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, tháp truyền hình cao nhất miền Bắc đã bị quật đổ...

Do đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đất liền trong ngày 28 và rạng sáng ngày 29/10, cơn bão này đã gây ra những thiệt hại đầu tiên về người và của, bất chấp những nỗ lực di dân, sơ tán, bảo vệ tài sản... tại các địa phương.

Thanh Hóa: Tai nạn giao thông làm ba người thiệt mạng

Cơn bão diễn ra chủ yếu ở các huyện ven biển, sáng 20/10, tại địa phương này mới chỉ có một số cây cối và biển quảng cáo, bạt che chắn nhà dân và một số nhà tạm ở một số địa phương bị gió làm gãy đổ, hư hỏng. Trường Tiểu học Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) bị sập 50 m tường rào, rất may đúng vào ngày nghỉ nên không có học sinh đi học. Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho hay, do ảnh hưởng bão nên ngày 29/10, hàng nghìn học sinh các huyện ven biển của Thanh Hóa phải nghỉ học vì mưa bão. Toàn huyện Nga Sơn đã bị mất điện từ 9h ngày 28/10, nhiều diện tích nuôi ngao của địa phương này cũng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão.

Do mưa to gió lớn, khoảng 11h ngày 28/10, trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe khách mang BKS: 34M - 4684 chạy hướng Thanh Hóa - ĐăkLăk với xe tải mang BKS: 37V - 3169 chạy hướng Nghệ An - Thanh Hóa. Hậu quả làm ba người chết và nhiều hành khách khác đi trên xe khách bị thương.

Công tác di dời dân tại Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành, hàng ngàn hộ dân đã được di dời đến các trường học, công sở và các nhà dân ở khu vực cách xa mép nước. Tuy nhiên, một số người vẫn cố thủ ở nhà, chưa chịu vào nơi tránh, trú bão, chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục thuyết phục. Trước mắt người dân được cung cấp mì tôm và nước sạch để ăn tạm trong thời gian sơ tán.

Nam Định: Đổ tháp truyền hình cao nhất miền Bắc

 Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho hay: Gió bão đã giật đổ tháp truyền hình cao 180m ở thành phố Nam Định. Cột tháp trị giá hàng chục tỉ đồng vừa đi vào hoạt động từ 2010. Đây là tháp truyền hình cao nhất và hiện đại nhất ở miền Bắc, là hạng mục chính trong dự án xây dựng trung tâm phát thanh, truyền hình cấp vùng tại thành phố Nam Định, theo quyết định số 109 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thành phố Nam Định, thành thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tháp được lắp dựng trong 7 tháng bằng hệ thống khung thép do Malaysia sản xuất, Công ty TNHH một thành viên công trình Viettel đảm nhận thi công.

Tháp truyền hình cao nhất miền Bắc bị bão quật đổ.

Còn ông Lê Xuân Thủy - Giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định cho hay: Bão số 8 mạnh nhất từ 2005 tới nay. Dù tâm bão chưa cập bờ, song, trong đê biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã có gió mạnh tới cấp 11, ngoài đê cấp 12. Nhiều huyện sâu trong nội địa, thậm chí cả thành phố Nam Định gió mạnh tới cấp 10, mưa lớn. Mưa gió kéo dài nhiều giờ chưa dứt, cây cối đổ ngổn ngang khắp nơi. Toàn bộ tỉnh đã bị mất điện, ngay cả văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt báo ở thành phố Nam Định cũng phải chạy máy phát. Mưa gió và cây đổ cũng ngăn cản các lực lượng chống bão đi kiểm tra các khu vực xung yếu. Đến sáng ngày 29/10, điện lưới ở nhiều huyện vẫn chưa được cấp lại, cây cối gãy đổ nhiều khiến công tác thống kê, báo cáo thiệt hại chưa thể thực hiện.

Hải Phòng: Nhiều ngư dân bị mất tích.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ là địa phương chịu ảnh hưởng rõ nhất từ cơn bão số 8 với mưa to, gió cấp 10, giật trên cấp 10. Các địa phương khác có mưa nhỏ và vừa. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng nhận được tin tại khu vực cửa Đông, Bến Bèo, thị trấn Cát Bà có năm bè nuôi trồng thủy sản với 25 người (trong đó có 10 cháu nhỏ) bị trôi ra phía ngoài cửa vịnh Bến Bèo do sóng và gió to.

Đến 21 giờ 30 ngày 28/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa tiếp cận được các bè đang bị trôi dạt còn lại. Dù đã cứu được sáu người nhưng hiện tại vẫn còn ít nhất 10 người trên các lồng bè bị trôi dạt ở khu vực vịnh Cát Bà (Cát Hải).

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: Khoảng 19 giờ ngày 28/10, có bốn lồng bè cùng 11 người dân đang neo đậu bị gió lớn cuốn trôi dạt ra khu vực vịnh Cát Bà. Hiện các lồng bè và người dân bị trôi dạt này đang trong tình trạng nguy hiểm vì lực lượng tìm kiếm cứu nạn chưa thể tiếp cận được. Huyện đang tìm mọi biện pháp để tiếp cận, di chuyển các lồng bè về nơi an toàn nhưng do gió mạnh kèm theo mưa lớn khiến công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt lực lượng tìm kiếm sẽ tiếp cận các lồng bè, đưa người vào bờ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Nếu tình trạng nguy cấp sẽ đề nghị thành phố và các cơ quan chức năng đưa phương tiện lớn ra đảo để đưa các lồng bè vào bờ”.

Quảng Ninh: Hai người mất tích.

Theo thống kê sơ bộ, tại huyện Vân Đồn, đã có ít nhất hai người mất tích; hai tàu du lịch tại phường Cái Dăm (TP Hạ Long) bị cuốn trôi; thuyền vỏ xi măng tại Cẩm Phả bị vỡ và cây cột thu phát sóng của đài Truyền thanh truyền hình thị xã Quảng Yên bị gãy.

Do mưa lớn, nước lũ trên các sông Ba Chẽ, Hà Cối đang dâng lên rất cao, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực xung yếu giáp biển, yêu cầu người dân có phương án neo đậu, chằng chéo tàu thuyền an toàn, tránh bị đứt, trôi dạt; có phương án phòng chống hoa màu.

Nghệ An: Một người mất tích.

Ông Lê Đức Cường - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hiện trên địa bàn toàn huyện có khoảng 600 hộ với hơn 3.600 nhân khẩu ở các xã ven biển, nếu mưa lớn, mực nước biển dâng cao từ 3-4m là buộc phải di dời khẩn cấp. Đến 15 giờ ngày 28/10, tại xã ven biển Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu giáp ranh tỉnh Thanh Hóa - nơi dự báo cơn bão số 8 sẽ áp sát. Tại đây mưa khoảng 150mm, gió cấp 6 đến cấp 7. Giữa hàng trăm tàu thuyền trú bão vẫn có ngư dân ra kiểm tra lại hệ thống dây chằng néo tàu thuyền để sẵn sàng đối phó với bão. Trước đó, một trong tám thuyền viên trên tàu NA-90071 TS của ông Võ Văn Hướng đã mất tích trên biển.

Cây xanh tại nhiều địa phương bị gió đánh ngã rạp. 

Quảng Bình: Vỡ đê nối hai đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La

Chiều 28/10, Thượng tá Đinh Tiến Khâm, Đồn trường Đồn Biên phòng Ròon (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) cho biết, đường đê nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La (Khu Kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã bị sóng biển xé toang nhiều đoạn. Đoạn đường đê này có chiều tổng chiều dài 330 mét, rộng 9 mét, thân đê đắp bằng đá và được chắn bằng nhiều khối bê tông tản sóng, mỗi khối nặng 16 và 25 tấn. Tuy nhiên, do sức ép của sóng cực lớn nên đã làm cho đoạn đường này bị xé toang, có đoạn đến hơn 50m.

Ninh Bình: người dân mất trắng hàng tỉ đồng

Ngay trong ngày 28/10, UBND tỉnh đã quyết định trích 500 triệu đồng từ ngân sách phòng chống lụt bão của tỉnh để hỗ trợ cho việc di dân tránh bão. Trên 200 chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng được huy động tới giúp dân sơ tán, bảo vệ tại sản... Tại huyện Kim Sơn, gió bão khiến cây cối đổ rạp, nhiều lán hàng bị tốc mái.

Trên địa bàn tỉnh đã có mưa trên diện rộng; do gió giật mạnh trong khoảng thời gian dài, làm nhiều cây xanh, hoa màu và tài sản của nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Gió lớn khiến nhiều cây đổ, nhiều hộ nhà dân bị tốc mái. Ngoài đê, khu diện tích nuôi trồng tôm và ngao của người dân có nguy cơ thiệt hại nặng.

Hiện cho có số liệu thống kê cụ thể nhưng ước tính, thiệt hại ở các đầm ngao, tôm là rất lớn do tôm bị nước tràn vào, nguy cơ bị chết, ngao bị nước ngọt xâm nhập làm xói mòn gây thiệt hại nặng, nhiều hộ như gia đình ước thiệt hại hàng lên đến hàng tỉ đồng.

Nhóm phóng viên