Nơi bảo tồn rắn hổ mang chúa

07:00 | 11/02/2013

8,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Rắn hổ mang chúa được ví như “vua” của các loài rắn. Rắn bò nhanh như “mây gặp gió” nên còn được gọi là rắn hổ mây. Đây là loài rắn cực độc cỡ lớn nhất thế giới và cũng cực kỳ quý hiếm. Điều thú vị khi Trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) lại là nơi duy nhất ở Việt Nam có một khu bảo tồn đích thực cho loài rắn “độc nhất vô nhị” này…

Chúng tôi về thăm Trại rắn Đồng Tâm vào một ngày vọng xuân Quý Tỵ. Nghĩ cũng hay hay, đón năm con rắn lại nhẩn nha thăm trại rắn thì còn gì thú vị hơn! Hàng chục năm nay, địa điểm này đã nổi tiếng trong nước và trên thế giới vì là trung tâm nuôi rắn lớn nhất Việt Nam và chuyên chữa trị rắn cắn cho bà con khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, năm 2005, Trại rắn Đồng Tâm còn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục có bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam.

Nhiều người bảo rằng, ở Việt Nam có 2 địa điểm nổi tiếng nhất về rắn. Miền Bắc có làng rắn Lệ Mật nằm ngay tại quận Long Biên, thủ đô Hà Nội, vốn nổi tiếng từ xa xưa rồi. Nhưng khách đến Lệ Mật chủ yếu là dân nhậu. Người ta nuôi rắn nhằm mục đích phục vụ các thực khách là chính. Còn ở miền Nam thì có Trại rắn Đồng Tâm. Nhưng hẳn dân nhậu có đến đây cũng chỉ thất vọng, bởi vì ở đây người ta nuôi rắn là để bảo tồn và chủ yếu để lấy nọc rắn chữa bệnh cứu người, hoàn toàn không có khoản nhậu rắn. Bù lại, với những người “yêu” rắn thì khi đến đây sẽ được thỏa thích xem “hằng hà sa số” loại rắn quý hiếm. Không những vậy, họ còn được “mục sở thị” khu bảo tồn loài rắn hổ mang chúa - vốn đã nằm trong sách đỏ của Việt Nam (bậc E).

Rắn hổ mang chúa - “vua” của các loài rắn

Theo sự hướng dẫn của Đại tá Trần Thị Hà, Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, chúng tôi được “vinh dự” viếng thăm khu bảo tồn rắn hổ mang chúa “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng chính là bước cụ thể hóa của Trại rắn Đồng Tâm trong việc thực hiện đề án cấp Nhà nước “Phát triển và khai thác nguồn gen rắn hổ mang đất và hổ mang chúa làm nguyên liệu sản xuất thuốc” dựa trên cơ sở kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc y học dân tộc, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn, nuôi bảo tồn các loài rắn độc.

Khu vực này có hơn 40 chuồng lồng rắn (có diện tích 1m2/chuồng) và mỗi chuồng chỉ chứa duy nhất một con rắn hổ mang chúa. Các chuồng rắn này được xây dựng khá hoàn chỉnh, phù hợp với tập tính, sinh lý của loài rắn hổ mang chúa.

Riêng một vài con rắn hổ mang chúa thuộc loại “khủng” nhất ở đây được “đặc cách” sống thoải mái trong nhà lưới thép chắc chắn và nhằm đảm bảo an toàn cho rắn và người nuôi cùng khách tham quan. Những “ngôi nhà” nho nhỏ này có cả sân phơi nắng và vận động, có nhà hầm cho các “vua” rắn nghỉ ngơi. Chúng tôi không khỏi phấn khích xen lẫn hồi hộp khi được tận mắt nhìn thấy những con rắn hổ mang chúa thân dài tới gần 4m và trọng lượng khoảng 11-12,5kg nằm khoanh tròn, ngóc cái đầu bè lên thủ thế, hai mắt long lanh. Nghe có hơi người lạ, các loại độc xà lập tức xà nộ khí khè khè rồi phùng mang hùng dũng, ngạo nghễ ứng phó xuất chiêu trong mọi tình huống. Hơi rắn khè khiến chúng tôi nghe như lạnh xương sống, thót tim, tứ chi bủn rủn!

- Đây có phải là những con rắn hổ chúa thuộc loại lớn nhất chưa chị ơi?

- Cũng chưa hẳn em à, nếu loài rắn hổ mang chúa sinh sống lâu năm ở ngoài môi trường tự nhiên thì chúng có thể dài đến 5m và nặng không dưới 20kg - Đại tá Trần Thị Hà nói.

Qua tìm hiểu thì được biết, lượng nọc độc khi tích đầy tuyến nọc của một con rắn hổ mang chúa trưởng thành khoảng 400mg, 1gram nọc có khả năng giết chết 160 người (60 kg/người) hoặc một con trâu mộng, thậm chí một con voi lớn. Ngay cả khi mức nọc thấp nhất, mỗi cú táp của rắn hổ mang chúa vẫn có thể tạo ra mối nguy giết chết người hoặc hoại tử vùng có nọc. Mức nguy hại còn tùy vào vị trí cắn trên cơ thể, vết cắn gần tim, não (ngực, vai, mặt), cắn trúng động mạch hay mạch máu lớn nguy hiểm hơn vết cắn ở các chi.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm cho biết, môi trường sống nhân tạo của rắn hổ mang chúa gần giống với môi trường tự nhiên là yêu cầu quan trọn nhất. Qua tán lá thưa, ánh sáng mặt trời được đưa tới từng lồng rắn, nhiệt độ trong lồng, độ ẩm thích ứng giúp loài rắn hổ mang chúa khỏe mạnh, phát triển tốt nhất và kéo dài tuổi đời (10-17 năm) của rắn.

Khách tham quan Trại rắn Đồng Tâm

Ở khu bảo tồn rắn hổ mang chúa, khâu vệ sinh luôn được các nhân viên ở đây chú ý, chăm sóc tỉ mỉ. Chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, không để thức ăn thừa làm ô nhiễm, tránh cho các vị “vua” rắn không mắc các bệnh hô hấp, các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ký sinh trùng, bệnh nấm. Để tránh sự ẩm ướt khu chuồng, mỗi lồng rắn được bố trí sàn ăn, máng nước uống, nước tắm bên ngoài hầm nghỉ của rắn.

Về thức ăn của rắn hổ mang chúa bao gồm: cóc, ếch, nhái, chuột, các côn trùng như bọ cánh cứng, bướm, sâu, giun, dế… và rắn (kể cả các loài rắn độc). Các chuyên gia về rắn cho rằng, việc nuôi rắn hổ mang chúa bảo tồn kết hợp khai thác nọc và dùng cả con rắn làm dược liệu là một thử thách lớn. Để đảm bảo thức ăn cho loài rắn này đòi hỏi phải có một cơ sở thức ăn “sạch” cho chúng. Chính vì thế, một số hồ nuôi rắn, hồ dự trữ ếch, cóc, nhái… được thiết lập. Điều oái oăm là loài rắn hổ mang chúa thường ăn thịt đồng loại. Rắn lớn ăn một con rắn bé sau đó 3 tháng trời không ăn vẫn khỏe mạnh.

- Để nhân nhanh đàn rắn hổ mang chúa thì chúng ta phải làm như thế nào? - Chúng tôi hỏi.

- Chúng tôi phải tuyển chọn rắn bố mẹ (trên 2 năm tuổi đúng giống, ổn định và khỏe mạnh), lập mã số, ghép đôi giữa các cá thể đực - cái theo “gia phả” để sau đó rắn con không bị đồng huyết. Hiện chúng tôi đang tiến hành theo dõi, tuyển rắn sinh sản và hậu bị trong 250 con rắn hổ mang đất và hơn 150 con rắn hổ mang chúa - Trung tá Vũ Ngọc Lương cho biết.

Được biết, điểm đặc biệt của loài rắn hổ mang chúa là mỗi năm chúng chỉ giao phối một lần với thời gian từ 20-34 giờ. Chúng thường sinh sản vào tháng 4-5 hàng năm. Mỗi năm đẻ một lứa và mỗi lứa được một con.

Hiện nay, Trại rắn Đồng Tâm có hơn 150 con rắn hổ mang chúa gồm các con rắn bố mẹ và nhiều con non từ 3 tháng tuổi đến một năm. Trong số này có khoảng 10 con rắn hổ mang chúa đạt trọng lượng 11-12,5kg, còn lại là đa phần nặng khoảng 5-6kg.

Bác sĩ Phan Văn Phát, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị rắn cắn cho biết thêm: Rắn hổ mang chúa chứa nhiều dược liệu cực kỳ quý hiếm. Nọc của rắn hổ mang chúa được dùng để sản xuất “kháng huyết thanh” chữa rắn cắn hiệu quả tuyệt vời. Tại khoa cấp cứu rắn cắn tại Trại rắn Đồng Tâm, trung bình mỗi tháng cứu được khoảng 100 nạn nhân bị rắn độc cắn. Nhờ có huyết thanh kháng nọc rắn, tất cả các trường hợp bệnh nhân bị rắn độc cắn, khả năng cứu sống là 100% nếu kịp thời đưa đến trại rắn…

Rời trại rắn, chúng tôi không khỏi quyến luyến với khu bảo tồn loài rắn “chúa” thuộc loại hiếm hoi ở Việt Nam và cả trên thế giới. Có đến đây mới hiểu được giá trị của công tác bảo tồn loài rắn quý hiếm này.

 Rắn hổ mang chúa có tên khoa học là Ophiophagushannah, là loài rắn độc cỡ lớn nhất, dài đến 5m, thân không dày và trọng lượng ít khi vượt quá 20kg. Đầu, lưng màu nâu xám, vàng lục hay màu chì. Những vảy thân từ giữa cơ thể tới hết đuôi có viền xám đen.Rắn hổ mang chúa được xếp vào nhóm IB và nhóm IIB danh lục CITES. Theo CITES, chính phủ các nước có thể cho phép nuôi bảo tồn, phát triển và khai thác sản phẩm dùng làm thuốc, phục vụ lợi ích cứu sinh mạng con người.


Thế Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc