Nỗi đau chưa có hồi kết

06:28 | 26/11/2012

1,213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nạn xâm hại tình dục ở trẻ em đang liên tục gia tăng trong cả nước. Đồng nghĩa với tình trạng này là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp bằng nhiều thủ đoạn. Mỗi năm trong cả nước có hàng nghìn trẻ em trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Tại TP HCM - thành phố có số vụ xâm hại tình dục đông trong cả nước theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP, trung bình mỗi năm thành phố có khoảng 200 vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục.

Trẻ em lang thang thiếu sự quan tâm của gia đình, cộng đồng dễ bị xâm hại tình dục

Khi trẻ em bị dụ dỗ, lôi kéo    

Kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) tiến hành tại các tỉnh: Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM  và Cần Thơ, từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9/2012 cho thấy tình trạng trẻ em bị dụ dỗ, lôi kéo và bị xâm hại tình dục (XHTD) liên tục gia tăng. Đa số các nạn nhân là những em có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ của người lớn, bị kẻ xấu lợi dụng sự ngây thơ, non nớt dễ dụ dỗ quan hệ tình dục hoặc dùng vũ lực để giao cấu.

Hàng loạt vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra trong thời gian gần đây càng cho thấy tội phạm XHTD trẻ em đang có nhiều diễn biến phức tạp, hậu quả của nó là khiến các nạn nhân và gia đình rơi vào sự khủng hoảng trầm trọng. Trường hợp cháu Trần Tuyết T (4 tuổi) ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP HCM là một ví dụ điển hình. Lợi dụng việc bố mẹ đi làm vắng nhà nên thường xuyên gửi em cho hàng xóm trông nom, đối tượng Nguyễn Văn Hiếu ở gần nhà đã theo dõi và nhiều lần XHTD đối với cháu T. Sự việc chỉ được phát hiện khi gia đình phát hiện những biểu hiện đáng ngờ, gặng hỏi mới biết sự thật.

Gần đây nhất là vụ việc XHTD xảy ra tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng quận 10, TP HCM, nạn nhân là bé gái mới chỉ 3 tuổi bị một nhân viên y tế của trung tâm xâm hại khi gia đình đưa bé đến khám bệnh.

Cũng có không ít trường hợp trẻ em bị chính người thân trong gia đình XHTD khiến các em chịu những dư chấn về tâm lý nặng nề. Bà Lại Thị Xuân Nhị, cán bộ chủ nhiệm Trung tâm Trợ giúp phụ nữ và trẻ em có hoản cảnh khó khăn TP HCM (Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM) cho biết: “Có trường hợp em gái mới 16 tuổi bị bố dượng xâm hại cả năm trời, khi đưa vào trung tâm thì tinh thần của em suy sụp nghiêm trọng. Những lúc không có nguời bên cạnh là em liền đâm đầu vào tường để quyên sinh. Chúng tôi phải ân cần động viên và chăm sóc sau cả năm trời thì em mới dần hòa nhập lại với cuộc sống” - bà Nhị kể.

Nguy cơ cao với trẻ lang thang

Thống kê của Tổng cục Dân số cho thấy, riêng TP HCM hiện nay có khoảng 300.000 trẻ nhập cư, chiếm 16,7% tổng số trẻ em thành phố, trong đó số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khoảng 70.000 em, nhiều em phải lao động kiếm sống, thiếu sự quản lý, chăm sóc của gia đình. Với đặc điểm trên, trẻ em lang thang đang chịu vô vàn những nguy cơ có thể xảy ra trong cuộc sống. Trong đó, tình trạng trẻ em bị rủ rê, lôi kéo, thậm chí bị lạm dụng tình dục đang diễn biến phức tạp. Kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững (MSD) tại TP HCM cho thấy, 16% gái mại dâm hiện ở độ tuổi từ 14-17 và phần lớn trong đó là trẻ em sống lang thang.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ tịch MSD trên thực tế, số trẻ em lang thang đường phố có thể lớn hơn rất nhiều so với các số liệu đưa ra trước đó. Nguyên nhân là do xu hướng nhập cư từ nông thôn đổ về các đô thị ngày càng nhiều. Những trẻ em này không được sự quan tâm của người thân và cơ quan chức năng nên rất dễ rơi vào các cạm bẫy của tội phạm XHTD. Bên cạnh đó các em không chỉ đối mặt với tội phạm XHTD trong nước mà còn chịu nhiều nguy cơ từ tội phạm nước ngoài đến Việt Nam theo hình thức du lịch.

Minh chứng cho điều này là chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây từ 2007-2011 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã điều tra và khởi tố hơn 6.500 vụ với gần 6.800 bị can phạm tội liên quan đến XHTD trẻ em. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã truy tố gần 5.300 vụ với hơn 5.800 bị can liên quan đến loại tội phạm này. Tuy nhiên, con số này chưa phải là cuối cùng, bởi theo cơ quan này còn rất nhiều vụ việc không thể điều tra. Trong số đó, rất nhiều trường hợp bị XHTD nhưng nạn nhân hoặc gia đình do ít hiểu biết về pháp luật và không nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng nên không tố cáo với các cơ quan pháp luật.

Ông Lê Quang Nguyên, chuyên viên của Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết: Trên thực tế có rất ít các đơn vị, tổ chức sẵn lòng giúp đỡ các em bị XHTD, vì việc giúp đỡ các em có kết quả tốt nhất sau quá trình bị XHTD là vấn đề khó khăn cần thời gian và chưa biết lúc nào có kết quả.

Khó xử lý

Theo bà Đinh Nguyễn Thiên Kim, Phó giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP HCM thì không ít nạn nhân được phát hiện bị xâm hại là trẻ em bỏ nhà đi lang thang, đi bụi mà gia đình không hề hay biết, đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra rồi mới phát hiện thì đã muộn. Ngoài ra, một số trường hợp sau khi phát hiện sự việc phía gia đình nạn nhân tự thương lượng với đối tượng XHTD nên công tác can thiệp hỗ trợ các biện pháp tích cực hậu xâm hại vẫn còn rất hạn chế. Một vấn đề khiến nhiều cơ quan chức năng gặp phải vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm XHTD trẻ em đó là thiếu quy định chặt chẽ trong luật, khi các chế tài xử phạt đôi lúc không tương xứng với mức độ phạm tội. Đơn cử như hiện nay luật chưa quy định hoặc bắt buộc những người phát hiện trẻ bị xâm hại phải khai báo nên có nhiều trường hợp gia đình nạn nhân do lo sợ dư luận đã không trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được giúp đỡ, giải quyết.

Ông Trần Công Bình, đại diện tổ chức Unicep tại Việt Nam khuyến nghị: “Nên có một bộ luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em hoàn chỉnh giúp các cơ quan chức năng có thể dựa vào đó để hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Như vậy chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em mới có kết quả cao, từ đó có được sự đảm bảo đối với nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế”. Cùng chung quan điểm này, bà Đỗ Thúy Vân, cán bộ UNODC Việt Nam đề xuất: Phải tăng nặng hình phạt đối với tội mua dâm trẻ em, đồng thời tăng cường các quy định hình sự để xử lý thật nghiêm hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm trẻ em dưới 13 tuổi. Bên cạnh đó cũng cần quy định các thủ tục tố tụng riêng biệt nhằm tránh những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ em là nạn nhân của các hành vi XHTD.

Thùy Trang