Ô tô nhộn nhịp nộp phí, xe máy hoang mang chờ hướng dẫn...!

06:30 | 03/01/2013

824 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 1/1/2013, cả nước có khoảng 1,6 triệu ôtô và 37 triệu xe máy bắt đầu phải nộp phí bảo trì đường bộ. Trong khi ô tô nhộn nhịp đi nộp phí thì chủ phương tiện xe máy đang hoang mang chờ hướng dẫn...

Xe máy chờ thông tư hướng dẫn

Theo quy định, phí sử dụng đường bộ của xe máy sẽ do địa phương phụ trách và giao cho đơn vị phường, xã, tổ dân phố quản lý và thu. Tuy nhiên, đến nay, việc thu phí vẫn “án binh bất động”.

Chiều 2/1, ông Trần Ngọc Long - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết, chủ trương thu phí bảo trì đường bộ giao cho cấp phường, xã, thị trấn thu. Tuy nhiên đến thời điển hiện tại, UBND phường chưa nhận được hướng dẫn nào của UBND TP.

Ông Long cũng cho biết, để việc thu phí bảo trì thuận lợi, các đơn vị cần phải có điều tra cơ bản về số lượng, năm sản xuất xe... tại từng hộ. Cùng với kết quả điều tra cơ bản, cần phải có nhân sự cho công tác thu phí... “Hiện nay, phường đang chờ hướng dẫn của cấp trên trong việc thu phí sử dụng đường bộ” – ông Long chia sẻ.

Khoảng 37 triệu xe máy đang hoang mang chờ hướng dẫn để được nộp phí bảo trì đường bộ.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu và trực tiếp qua đầu phương tiện đều có những khó khăn trong thực hiện. Tuy nhiên, liên Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải quyết định thu qua đầu phương tiện là khó bảo đảm yếu tố công bằng giữa các phương tiện, vùng miền.

“Đề án của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra cũng chỉ mong muốn thu khoảng 40% phương tiện xe máy, còn thu được bao nhiêu là phụ thuộc vào cán bộ thôn, xóm, phường, xã”, ông Hùng đánh giá.

Ô tô nhộn nhịp đi đăng kiểm để đóng phí

Sáng 2/1, các hệ thống trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã đồng loạt triển khai thu phí, dán tem sử dụng đường bộ với ôtô. Tuy nhiên, tại các UBND phường, xã, thị trấn vẫn chưa thể tiến hành thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy do đang phải chờ thông tư hướng dẫn của tỉnh thành.

Tại trung tâm kiểm định 29.03S Ngọc Khánh và Trạm kiểm định Cầu Giấy (TP Hà Nội), xe ô tô xếp hàng nối đuôi nhau chờ đến lượt được đăng kiểm và nộp phí bảo trì đường bộ.

Anh Nguyễn Quang Bắc (ở đường Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), chủ nhân chiếc xe ôtô mang BKS: 30H - 3781 là một trong những người đưa xe đến kiểm định, chia sẻ: “Hôm nay là ngày thứ hai bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ qua đăng kiểm, mình lo đông người đưa xe kiểm định, nên ngày từ đầu giờ sáng tôi lái xe đi đăng kiểm và nộp phí. Rất may đến sớm nên chưa đầy một giờ đồng hồ, xe của mình đã được kiểm định và đóng phí xong. Giờ, nhân viên dán tem lên xe. Theo khung nộp phí quy định, xe của tôi phải đóng 130.000 đồng/tháng, tính tổng trung bình mỗi năm là 1.560.000 đồng/năm”.

Theo ông Hoàng Xuân Thảo - Phó Trạm đăng kiểm 29.03S (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội), tính đến 16h ngày 2/1, trạm đăng kiểm này đã có 70 xe tới kiểm định và nộp phí sử dụng phương tiện. Hầu hết chủ xe đến kiểm định và nộp phí đều nắm bắt được thông tin quy định của Chính phủ về nộp phí sử dụng phương tiện.

Ông Thảo cho biết thêm, trong hai ngày đầu tiên, đối tượng đến kiểm định và đóng phí chủ yếu tập trung ở các cơ quan và doanh nghiệp, chỉ có vài trường hợp cá nhân đến đăng kiểm và nộp phí.

Trong ngày thứ hai thu phí bảo trì đường bộ, rất nhiều ô tô đi đăng kiểm và nộp phí.

Theo ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), bắt đầu từ 1/1/2013, hơn 1,6 triệu ô tô trên cả nước sẽ phải đóng phí sử dụng đường bộ. Tại hầu hết các Trung tâm đăng kiểm, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cùng với việc kiểm định xe không có gì khó khăn hay quá tải, không có trường hợp nào đến do đông mà không được giải quyết. Những ngày đầu tiên ô tô đến chu kỳ đăng kiểm cùng với nộp phí sử dụng đường bộ nên có đông hơn mọi ngày.

“Chủ xe không phải đóng phí dồn dập trong những ngày này mà người điều khiển phương tiện, chủ doanh nghiệp vận tải có thời gian đến hết ngày 30/6”  - ông Giao nhận định.

Theo ông Giao, sau ngày 30/6, lực lượng chức năng mới xử phạt hành chính. Cục Đăng kiểm vừa có văn  bản gửi Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt về việc này.

Ngoài ra, ông Giao cũng đánh giá, chu kỳ kiểm định tùy thuộc vào độ tuổi của xe, với xe mới thì chu kỳ kiểm định có thể lên tới vài năm, nhưng, với xe càng cũ thì chu kỳ kiểm định càng ngắn, có thể là 3-6 tháng/lần.

Đối với xe sơ mi rơ mooc cũng phải đóng phí, ông Giao cho biết, loại xe này hầu hết là xe mua cũ, chu kỳ kiểm định rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải cũng chỉ phải đóng phí 3 tháng/lần chứ không phải đóng cả năm như một số loại phương tiện khác.

Đưa ra câu hỏi, sau khi phương tiện nộp phí bảo trì đường bộ thì chất lượng cầu đường liệu có được cải thiện, ông Giao cho rằng, sau khi đóng phí sử dụng đường vào quỹ ngay lập tức thì chưa thể tốt lên được, nhưng chắc chắn 1-2 năm tới, đường sá sẽ tốt hơn trước vì có kinh phí để duy tu, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, ông Giao cũng dự đoán, cước vận tải có thể sẽ tăng  do các doanh nghiệp điều chỉnh để bù chi phí đầu vào.

Thiên Minh