Phải chống thực phẩm bẩn như chống dịch!

22:02 | 30/09/2014

1,170 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – “Chống thực phẩm bẩn như chống dịch” là ý kiến của bà Đoàn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong TP HCM đưa ra với mong muốn các ban ngành vào cuộc quyết liệt hơn bảo vệ người dân trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay.

Tuyên truyền không thắng được lợi nhuận!

Là một người tiêu dùng, bà Xuân bày tỏ: Bây giờ ăn gì cũng sợ, từ gạo đến rau, củ, quả, thịt... đều có nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại. Mặc dù đã cẩn thận mua dùng thực phẩm tại các siêu thị nhưng bà cũng vẫn không tin tưởng rằng ở đây 100% thực phẩm đảm bảo an toàn!

GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch MTTQ TP HCM, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật TP HCM đồng tình: An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện vẫn là vấn đề bức xúc lớn của xã hội. Các vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính có thể đo lường, đánh giá được. Nhưng nghiêm trọng hơn là ngộ độc mãn tính do hóa chất độc hại trong thực phẩm gây ra thì hiện vẫn chưa thể đo lường bởi không thể hiện ra ngay mà sau một thời gian dài mới bộc lộ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các bệnh hiểm nghèo và ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống con người.

Ngâm hóa chất biến thịt lợn thành thịt bò

Trong thời gian qua, hiệu quả của công tác quản lý, truyền thông ATVSTP cũng đã được phát huy. Tuy nhiên, ông Chu Phạm Ngọc Sơn cũng chỉ ra, trong nhiều trường hợp thì không có biện pháp truyền thông nào có thể thuyết phục những nhà sản xuất thiếu lương tâm thôi dùng chất cấm vì mục đích lợi nhuận.

Cụ thể, trường hợp bún và sản phẩm chế biến từ gạo có thời gian bị phát hiện nhiễm hóa chất công nghiệp Tinopal nhưng trong 6 tháng đầu năm 2014, kiểm tra trên thị trường thì không phát hiện mẫu nào nhiễm hóa chất này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại việc sử dụng các chất tăng trọng (clenbuterol, salbutamol) trong thức ăn chăn nuôi lợn, gà với liều lượng nhỏ nhưng hiệu quả lại cực kỳ lớn.

Theo một nghiên cứu trên đàn lợn có cân nặng ban đầu từ 16 – 17 kg cho thấy, chỉ sau 18 tuần số lợn dùng thức ăn có bỏ thêm một ít thuốc tăng trọng đạt số cân nặng gần gấp đôi lợn không dùng thức ăn tăng trọng. Bên cạnh đó, chất lượng thịt của lợn dùng thức ăn tăng trọng lại có vẻ tốt hơn vì lớp mỡ dưới da rất mỏng.

Một người nông dân lý giải: Biết dùng thuốc tăng trọng là không đúng, nhưng mọi người đều dùng nên mình cũng dùng. Vì nếu không dùng thì sẽ giảm năng suất. Trong khi giá cả sản phẩm dùng thuốc và không dùng thuốc đều như nhau!

Lúng túng quản lý

Hiện nay, người tiêu dùng cũng ngày càng ý thức về tác hại của dùng thực phẩm kém chất lượng nhưng do hoàn cảch ít nhiều khó khăn, nhiều người buộc vẫn phải chọn những mặt hàng có giá cả vừa túi tiền. Trong khi đó, công tác quản lý hiện chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập, lúng túng thì việc người tiêu dùng mua, sử dụng thực phẩm bẩn là điều khó tránh khỏi.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP HCM, với lượng hóa chất, phụ gia quá lớn như hiện nay, các cơ quan nhà nước cũng không biết cơ sở đã bỏ chất gì để tầm soát mà chỉ đơn giản là tầm soát những chất do Bộ Y tế quy định. Một số dựa vào cảnh báo của nước ngoài. Đồng thời, khi phát hiện chất lạ trong thực phẩm thì cơ quan Nhà nước mới ban hành quy chuẩn kỹ thuật xem có được dùng hay không... nên rất khó xử lý các đơn vị vi phạm vì không có quy định cấm từ trước.

Cơ quan ban ngành còn lúng túng trong quản lý ATTP (ảnh minh họa)

Sản lượng nông sản tại TP HCM mới chỉ tự cung cấp được khoảng 15 – 20% nhu cầu, phần còn lại mua từ các tỉnh và nhập khẩu. Với quy mô nuôi trồng nhỏ lẻ, khó áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nông nghiệp an toàn nên thực phẩm chưa được kiểm soát chặc chẽ từ khâu nuôi trồng mà chủ yếu chỉ kiểm soát thông qua lấy mẫu xét nghiệm tại các chợ đầu mối dẫn đến việc triển khai chuỗi an toàn còn chậm.

Ông Chu Phạm Ngọc Sơn nhấn mạnh: Cần xây dựng một hệ thống quản lý ATVSTP có hiệu quả, bớt chồng chéo, dễ quy trách nhiệm, hướng mạnh đến xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn, cộng thêm một hệ thống kiểm nghiệm tốt, trang bị hiện đại, chuyên dùng, đội ngũ giàu kinh nghiệm... Huy động tổng lực các yếu tố này là chìa khóa góp phần đảm bảo ATVSTP.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc