"Phát biểu của lãnh đạo CA TPHCM là ý kiến cá nhân"

07:00 | 15/12/2012

1,421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong năm 2012 ngành công an đã khám phá 37.221 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá 2.785 băng nhóm tội phạm, điều tra khám phá nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, giải cứu thành công 100% các vụ bắt cóc tống tiền và bắt cóc trẻ em.

>> Tại sao Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh lại phát ngôn như thế này?

 

Ngày 13/12, Bộ Công an đã tổ chức lễ tổng kết quả công tác ngành công an năm 2012.

Theo Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, do khó khăn về kinh tế, tội phạm về trật tự xã hội tăng 2,69% so với năm 2011. Tính chất bạo lực, manh động của các đối tượng phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ. Nổi lên là loại tội phạm do nguyên nhân suy thoái đạo đức xã hội chiếm 82,7% trong số vụ giết người, tội phạm dùng chất nổ, gây nổ xảy ra 66 vụ (tăng 186,9%), tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 5,9%...

Trong năm 2012 Bộ Công an đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung vào các loại tội phạm nguy hiểm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đem, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ để gây án…

Tỉnh nào để xảy ra nhiều tội phạm, giám đốc công an tỉnh đó phải chịu trách nhiệm.

 

Nói về việc thực hiện Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, sau hơn một tháng triển khai đến nay các quy định được thực thi và đã giảm đáng kể lỗi vi phạm giao thông, đặc biệt là ở các địa phương.

Riêng đối với quy định về giấy tờ chính chủ, trong thực tế đã xảy ra vướng mắc do do mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ. Tuy nhiên, Bộ Công an đã có dự thảo gửi cơ quan công an các địa phương, các cơ quan chức năng để xin ý kiến.

Theo đó, với những trường hợp không đầy đủ hồ sơ, giấy tờ sẽ xử lý theo hướng cấp lại đăng ký trong thời gian khoảng 30 ngày. Bộ Tư pháp và Vụ pháp chế Bộ Công an tiếp tục rà soát sau đó sẽ trình Chính phủ. Mặt khác, Bộ Tài Chính cũng phải sớm ban hành quy định giảm lệ phí trước bạ, ra thông tư hướng dẫn. Như thế mới đồng bộ với Nghị định 71 cùng các thông tư hướng dẫn của nghị định này.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an.

 

Trước thực trạng an ninh trật tự tại TP. Hồ Chí Minh có diễn biến phức tạp và cần học hỏi mô hình lực lượng 141 của công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ba, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm nói: “Việc lãnh đạo công an TP. Hồ Chí Minh nói chưa cần thiết phải thành lập lực lượng 141 giống như ở Hà Nội vì tội phạm chưa đến mức. Đây mới chỉ là ý kiến ở góc độ cá nhân."

Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Công an cũng đã vào làm việc với TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra, đánh giá tình hình và có biện pháp cụ thể. Bộ Công an đã chỉ đạo rất rõ, quan điểm rõ ràng là nếu tội phạm xảy ra ở địa phương nào thì trách nhiệm trước hết là của cấp ủy, chính quyền và Giám đốc công an tỉnh thành đó.

Nói về thi hành án tử hình theo hình thức mới, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho biết: Mặc dù quy định tử hình bằng tiêm thuốc độc đã có hiệu lực từ tháng 7/2011, Bộ Công an đã tích cực thực hiện cơ sở vật chất, nhà thi hành án tử hình, nhưng đến nay chưa thực hiện được do chỉ vướng ở một khâu rất nhạy cảm là đến khi tổ chức thi hành thì không có thuốc.

Theo quy định của Nghị định, thuốc quy định rất cụ thể, nhưng trong quá trình tổ chức, Bộ Công an và Bộ Y tế đã phối hợp nhưng còn nhiều nguyên nhân chưa thống nhất.

 

T.Minh