"Phụ huynh học sinh thật quá đáng!"

15:42 | 11/10/2012

968 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đây là lời tâm sự của anh Thắng, chồng của cô Giang – giáo viên dạy giỏi và đang dạy tại một trong những trường danh tiếng tại Hà Nội.

Phụ huynh đang ép con cái đi học đủ thứ, đủ món.

Chuyện dạy thêm, học thêm chẳng phải vấn đề gì mới đối với giáo dục Thủ đô, năm học nào cũng vậy, các cấp, các ngành cứ hò cứ hét nhưng rồi đâu lại vào đấy. Các phương tiện truyền thông ví von hiện tượng này là căn bệnh trầm kha, mãn tính không có thuốc chữa. Và vấn nạn dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại như một phần tất yếu của cuộc sống!

Không thể phủ nhận nỗ lực của những người làm công tác giáo dục Thủ đô nhằm đẩy lùi vấn nạn dạy thêm, học thêm. Hàng loạt văn bản có tính chất “kỷ luật thép” đã được ban hành trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của nhà trường, của các thầy cô giáo đã được nói, được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng dạy thêm, học thêm vẫn tái diễn.

Vậy vì sao vấn nạn dạy thêm, học thêm lại có thể "sống" khỏe như vậy?

Trước tiên phải thấy rằng, để vấn nạn này tiếp diễn qua nhiều năm thì trách nhiệm của nhà trường, của thầy cô giáo là có, vì không có giáo viên dạy thì lấy đâu ra cái gọi là dạy thêm và học thêm. Nhiều giáo viên vì mục đích vụ lợi, thu hút học sinh nên đã cắt bớt hoặc dùng “chiêu” nào đó kéo giãn “tiến độ” các bài giảng trên lớp để buộc học sinh tới nhà hay tới lớp học thêm của mình để học. Chuyện ép học thêm mà báo chí phản ánh trong những năm vừa qua cũng xuất phát từ đó mà ra.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, dạy thêm và học thêm có một phần nguyên nhân không nhỏ từ phía phụ huynh học sinh. Con bị điểm kém thì phải tìm lớp học thêm, thuê thầy về dạy,… là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh; không có thời gian dành cho con cái nên tìm lớp học thêm “gửi” con vào học như “gửi” vào các lớp trông trẻ để tranh thủ thời gian;…

Đó là những câu chuyện có thật 100% và nó đang diễn ra tại rất nhiều gia đình ở Hà Nội. Theo chị Hòa – cán bộ của một công ty xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho biết thì chuyện dạy thêm, học thêm hiện đang là điều “muốn còn chẳng được nữa là cấm”.

“Nhiều bậc phụ huynh vì quá bận rộn với công việc cơ quan, xã hội nên có rất ít thời gian dành cho con cái. Mà giờ để con cái ở nhà thì ai quản, ai kèm cặp việc học hành chứ?! Tìm các lớp học thêm để phủ kín thời gian biểu cho các con là tốt nhất, vừa không lo con cái không có người dạy dỗ, kèm cặp lại vừa không lo những trò chơi không lành mạnh ảnh hưởng tới tâm lý con cái”, chị Hòa chia sẻ.

Nói như vậy để thấy rằng, học thêm, dạy thêm xuất phát không chỉ từ phía giáo viên mà căn cơ sâu xa chính là tâm lý “trốn tránh” trách nhiệm dạy dỗ con cái của nhiều bậc phụ huynh. Chẳng thế mới có chuyện, một giáo viên dạy giỏi, lại đang dạy tại một trường danh tiếng của Hà Nội phải dạy quần quật từ sáng đến tối trong tất cả các ngày trong tuần mà vẫn chưa hết “việc”.

Theo như anh Thắng – chồng của cô Giang, một giáo viên như thế: "Cứ biết vợ tôi có khoảng thời gian trống nào trong tuần là y như rằng một nhóm phụ huynh chừng 5 – 6 người lại kéo đến nài nỉ, trình bày hoàn cảnh nọ kia để gửi con đến nhà tôi học.

“Sáng sớm mở mắt ra là đã thấy người ta đưa con tới để học dù lịch học phải 7 giờ 30 mới bắt đầu nhưng người thì vì phải họp sớm, người thì cơ quan xa,… nên cứ đưa con đến gửi cô. 9 giờ 30 thì lại có các bác xe ôm đến đón và di chuyển các cháu sang một cô giáo khác rồi chiều đưa đi học”, anh Thắng kể.

"Mọi người cứ phàn nàn mãi về trách nhiệm của giáo viên trước vấn nạn dạy thêm, học thêm nhưng đó chưa phải tất cả, rất nhiều giáo viên bị ép, thậm chí là bị “khủng bố” buộc phải dạy thêm. Mới vừa rồi, vợ tôi vừa dứt ra được mấy ngày gọi là có chút thời gian “trống” để dành cho công việc gia đình thì đã có người đến đặt vấn đề nhờ dạy kèm cho một nhóm học sinh rồi. Vợ tôi từ chối lên, từ chối xuống nhưng cuối cùng cũng phải nhận vì một phụ huynh trong số các cháu đó là bạn của gia đình".

“Nhà thì có 3 người nhưng rất hiếm khi vợ chồng, con cái được ngồi cùng bàn ăn với nhau bữa cơm cho nó yên. Hết vì chồng đi công tác thì lại đến vợ dạy thêm, hết dạy thêm thì lại đến tiếp các bậc phụ huynh gọi điện xin gửi con vào học lớp này, lớp kia,… Đã vậy, nhiều phụ huynh còn dùng quan hệ này, quan hệ kia để giới thiệu và ép cho bằng được con mình được học nữa chứ.

Bọn họ nhiều khi thật quá đáng, con cái mình mà cứ như con cái người khác ý. Chúng tôi cũng có gia đình, cũng có con cái, cũng có công việc nọ, công việc kia chứ phải không đâu, nhưng họ nào có hiểu. Họ cứ gửi con đi học lớp này, lớp kia suốt ngày, như thế có phải là “trốn tránh” trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái không?”, anh Thắng bức xúc nói.

Qua đó để thấy rằng, dạy thêm, học thêm ở Hà Nội đã trở thành một vấn nạn của giáo dục Thủ đô, một phần nguyên nhân không nhỏ chính là từ các bậc phụ huynh!

Thanh Ngọc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc