"Phương tiện công cộng tốt, người dân sẽ tự bỏ xe máy"

09:36 | 09/09/2012

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – “Không nên áp dụng niên hạn đối với phương tiện xe máy. Nếu như xe ô tô chở khách có niên hạn 20 năm thì xe máy ít nhất 30 năm, mà xe máy 30 năm thì tự thân nó đã bị loại bỏ. Hơn nữa, khi phương tiện giao thông công cộng thuận lợi thì người dân sẽ bỏ xe máy” – Hiệp hội vận tải khẳng định.

Ngày 7/9, Hiệp hội Vận tải Hà Nội có công văn trình lên Bộ Giao thông Vận tải đóng góp ý kiến vào Dự thảo đề án “Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”.

Theo đó, Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần xem xét bỏ quy định thời gian sinh sống có hộ khẩu 5 năm mới được đăng ký. Nếu quy định như vậy là không hợp lý. Không nên hạn chế đăng ký quyền sở hữu phương tiện cá nhân vì trái Luật dân sự; chứng minh bãi đỗ xe mới được mua xe gây phiền hà, tiêu cực trong xã hội.

Đối với niện hạn xe máy, ông Bùi Danh liên cho rằng, không đưa ra niên hạn sử dụng. Lý do được đơn vị này đưa ra là, vì ô tô chở khách có niên hạn 20 năm, thì xe máy ít nhất 30 năm, nếu xe máy 30 năm thì tự thân nó đã bị loại bỏ (xe Liên Xô, xe Tiệp, xe Đức, Xe Pơzo đã tự nhiên biến mất). Hơn nữa, khi phương tiện giao thông công cộng thuận lợi thì người dân sẽ bỏ xe máy. Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đưa ra định hướng nên quy định kiểm định xe gắn máy, nhưng thời hạn kiểm định ít nhất 2 năm/lần.

 

 

Về lộ trình thực hiện đề án hạn chế phát triển phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn, Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng nên định hướng theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu: Hạn chế xe ô tô giờ cao điểm, vào trục đường chính, vào vành đai để ưu tiên xe buýt. Giai đoạn tiếp theo: Xe máy tự giảm số lượng, không hạn chế ô tô. Đến khi quá tải lúc đó áp dụng hạn chế ô tô bằng các biện pháp đấu thầu biển số.

Theo công văn của Hiệp hội vận tải Hà Nội, từ nay cho đến năm 2015, cần quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc hoạch định lộ trình kế hoạch đầu tư hạ tầng, phát triển giao thông công cộng cho phù hợp với năng lực tài chính của từng địa phương. Xây dựng phương pháp thu phí nội đô và giờ cao điểm bằng công nghệ thông tin.

“Hạn chế phương tiện cá nhân trong khuôn khổ pháp luật hiện hành cho phép quy định trong Luật giao thông đường bộ và thẩm quyền của chính quyền địa phương đó là phân luồng giao thông: Cấm các loại phương tiện vào nội đô; giờ cao điểm; cấm một số tuyến và quy định các loại xe được cấp giấy phép vào đường cấm, phố cấm và các xe ô tô ngoại tỉnh vào thành phố” – ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

T.Minh