PTT Hoàng Trung Hải: Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của ngành GTVT năm 2012

18:56 | 10/01/2013

378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Ngày 10/1, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Hội nghị kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013. Nhiều mục tiêu được đặt ra, trong đó hai vấn đề là đầu tư có trọng điểm, giải quyết nợ xấu được đánh giá cao.

Sử dụng vốn đầu tư phải có trong điểm

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2012, nhiều công trình, dự án tiến độ đã về đích đúng hẹn. Chất lượng công trình đã được cải thiện rõ rệt, đảm bảo yêu cầu. Các dự án có tồn tại về chất lượng của các năm trước đã được sửa chữa khắc phục. Ngành giao thông đã khởi công 38 công trình do Bộ quản lý; 80 công trình giao thông của các địa phương, hoàn thành 76 công trình do Bộ quản lý; 131 công trình của các địa phương.

Năm 2012, nhờ tăng cường chỉ đạo điều hành, công tác đầu tư, nhiều công trình, dự án chậm tiến độ đạt và vượt kế hoạch, như: đường vành đai 3 trên cao, đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cầu Nhật Tân, Cầu Bến Thủy II....

Đã từng bước khắc phục tình trạng chậm tiến độ các dự án: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đường Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho hay: “Trong năm 2012, vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý đã thực hiện 36.919 tỉ đồng, giải ngân 39.525 tỉ đồng. Riêng vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ thực hiện 28.914 tỉ đồng và giải ngân gần 31.57 tỉ đồng."

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Năm 2013, nguồn vốn cho ngành giao thông chỉ khoảng 20.000 tỉ vì thế, Bộ Giao thông phải kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa BT,BOT và đề nghị các bộ ngành có giải pháp về vốn.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải biểu dương những kết quả trong năm qua mà ngành giao thông đạt được đồng thời đánh giá các dự án xây dựng cơ bản tăng trưởng rất nhanh với tỷ lệ giải ngân đạt gần 99% là con số đáng khen nhất là trong tình hình thiếu vốn.

“Năm 2013, nguồn vốn cho ngành giao thông chỉ khoảng 20.000 tỉ vì thế, Bộ Giao thông phải kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa BT, BOT và đề nghị các bộ ngành có giải pháp về vốn. Những dự án khởi công và hoàn thành năm 2013 cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện” - Phó thủ tướng khẳng định.

Về kế hoạch trong năm 2013 của ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, sẽ được rà soát và xây dựng danh mục và thứ tự ưu tiên đối với các dự án trọng điểm cần hoàn thành sớm bao gồm các tuyến đường bộ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường trục và các sân bay bến cảng đường sắt có ý nghĩa quan trọng.

“Bộ Giao thông sẽ hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ vốn và sử dụng không đúng đối tượng. Chủ động rà soát, điều hòa, điều chỉnh vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2013 trong phạm vi quản lý để tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ODA, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình...” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Chủ động giải quyết nợ xấu

Theo kế hoạch của bộ GTVT đặt ra trong năm 2013, ngành giao thông sẽ tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Từng bước xử lý nợ xấu gắn với phát triển thị trường, có sự chuyển biến tích cực, đột phá ngay từ đầu năm để tạo tiền đề vững chắc cho các doanh nghiệp phát triển  bền  vững trong giai  đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo.

Trong năm 2013, các doanh nghiệp trong ngành giao thông cần triển khai quyết liệt dề án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, chú trọng vào tái cơ cấu mô hình tổ chức, tái cơ cấu các dự án đầu tư, tái cơ cấu nợ và coi công tác cổ phần hóa là then chốt để các doanh nghiệp đổi mới cơ chế quản lý, huy động vốn từ các cổ đông, giảm tỷ trọng nợ vay, nâng cao hiệu quả kinh doanh” – Đại diện Bộ GTVT khẳng định.

 

Nhiệm vụ trong năm 2013 là sử dụng nguồn vốn đầu tư có trọng điểm và giải quyết nợ xấu của doanh nghiệp ngành giao thông.

 

Theo đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng công tác dự báo thị trường, xây dựng chiến lược, kế hoạch 5 năm và hàng năm làm định hướng đúng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thu gọn các đầu mối kinh doanh để đảm bảo khả năng kiểm soát, quản lý chặt chẽ hoạt động, tổ chức hạch toán, thống kê đầy đủ, thực hiện công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của đơn vị. 

Về nợ xấu, nợ đọng, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, các doanh nghiệp xây dựng chủ động, tích cực làm việc với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thuộc Bộ để hoàn thành việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong Quý I/2013, tập trung xử lý các khoản phải thu của khách hàng và hàng tồn kho, thanh lý các tài sản không cần dùng. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán nợ cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng để giảm nợ xấu.

Đất nước khôn là đất nước không dùng vốn của mình

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông trong việc kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, giảm được số người chết dưới 10.000. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra điểm yếu trong quản lý xây dựng, ít có tiêu chí đánh giá chủ đầu tư nào tốt. Khi kiểm tra có nhiều dự án hiệu quả không cao do chủ đầu tư và ban quản lý kém.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan lớn nhất về đầu tư xây dựng nên kinh nghiệm, cách quản lý phải hiệu quả. Trong bối cảnh vốn đầu tư cho năm 2013 chỉ bằng một nửa năm 2012 thì ngành giao thông cần có nhiều biện pháp kêu gọi vốn đầu tư xã hội bởi nguồn vốn trong xã hội còn rất lớn.

Bộ Giao thông Vận tải không thay đổi cách quản lý thì 10 năm sau quay lại chúng ta vẫn là yếu nhất, trong khi người ta làm đường chỉ 2 năm thì mình làm 4 năm, người ta làm 4 triệu đồng cho một km thì mình làm 8 triệu, rồi lại đổ hết cho khách quan như mưa gió, do dân không đồng tình...

“Ngành giao thông cần có biện pháp tăng diện tích đất dành cho giao thông, mỗi năm ô tô tăng 12%, trong khi đất cho giao thông tĩnh trong năm năm qua vẫn dưới 1%. Chúng ta phải cương quyết, có tiêu chí cụ thể mỗi năm thêm bao nhiêu đất cho giao thông. Đến năm 2018, các hiệp định dỡ bỏ, thuế nhập khẩu ôtô bằng 0, đất cho giao thông không có thì chúng ta nỗ lực đến mấy thì đường vẫn ùn tắc” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.

Liên quan đến vấn đề giao thông tĩnh, Phó Thủ tướng cho rằng, một đất nước khôn là đất nước không sử dụng đồng vốn của mình. Bộ GTVT và UBND các tỉnh thành phải có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư bằng nguồn vốn trong xã hội. Tạo điều kiện cho người dân đầu tư xây dựng bãi đỗ xe và phải có lãi.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc